Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Zaporizhzhia Galina Danilchenko công bố kết quả trưng cầu dân ý. Ảnh: TASS
Chính quyền thân Nga ở 4 tỉnh Ukraine Zaporizhzhia, Kherson , Lugansk và Donetsk ngày 27/9 thông báo đã kiểm toàn bộ số phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý từ ngày 23/9 với kết quả lần lượt là 93,11%, 87,05%, 98,42% và 99,23% cử tri chọn sáp nhập Nga.
Ông Denis Pushilin, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cho biết "Tất cả chúng tôi mong muốn điều này từ lâu, đồng thời hoan nghênh kết quả to lớn này. Chúng tôi sẽ đoàn tụ với quê hương vĩ đại của chúng tôi, với nước Nga vĩ đại".
Moscow tuyên bố ở cả 4 vùng trên - hiện do quân đội Nga kiểm soát, các cuộc trưng cầu dân ý đều được coi là hợp lệ vì tỷ lệ người dân đi bầu vượt quá 50%. Theo kế hoạch, trường hợp kết quả bỏ phiếu cho thấy cư dân các vùng này muốn sáp nhập Nga, Moscow sẽ tôn trọng quyết định này. Cả 4 khu vực sẽ giữ nguyên tên gọi, có vị thế như một chủ thể liên bang của Nga, tương tự trường hợp của Crimea năm 2014.
Dự kiến, 4 người đứng đầu chính quyền 4 vùng này sẽ sớm ký một văn kiện sáp nhập Nga, trong đó đề nghị Tổng thống Nga Putin công nhận kết quả và chấp thuận cho việc gia nhập. Một loạt các thủ tục pháp lý đang được tiến hành theo đúng kế hoạch.
Về phía Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã viết trên mạng xã hội sau khi có kết quả trưng cầu dân ý: “Kết quả đã rõ ràng. Chào mừng bạn trở về nhà, đến với nước Nga”. Bên canh đó, người đứng đầu Thượng viện Nga cho biết, cơ quan này có thể xem xét việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ vào ngày 4/10 tới.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở các vùng Ukraine tính đến hết ngày 25/9. Ảnh: Rybar
Và nếu Moscow tiến hành sáp nhập các vùng trên vào lãnh thổ, bất kỳ nỗ lực nào của Ukraine nhằm chiếm lại 4 khu vực này cũng đồng nghĩa với một cuộc tấn công nhằm vào chính Nga.
Theo các chuyên gia dự đoán, kết quả cuộc trưng cầu dân ý là một dấu hiệu cho thấy những hành động kịch tính hơn sắp xảy ra trên chiến trường Ukraine khi đây là một bước quan trọng trong nỗ lực của Nga nhằm giành lại quyền kiểm soát ở Ukraine.
Nhà phân tích Stanovaya chỉ ra, cuộc trưng cầu dân ý là một dấu hiệu cho thấy ông Putin đã chọn một con đường mới nguy hiểm. Trong những ngày qua, Moscow đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nhân lực nghiêm trọng trên chiến trường ở Ukraine bất chấp nỗ lực tuyển quân gần đây cũng chưa thể giúp Nga lấy lại động lực đã mất.
"Trên thực tế, tình hình của Nga đang khá hỗn loạn. Việc dàn dựng các cuộc trưng cầu dân ý dường như là một phần quan trọng trong nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm thể hiện rằng Nga đang đạt được một số bước tiến đáng kể trong cuộc chiến tại Ukraine nhằm xoa dịu dư luận trong nước', chuyên gia này cho biết.
Trước đó, Ukraine cũng như Mỹ và phương Tây đã lên án cuộc trưng cầu dân ý và nói rõ sẽ không công nhận kết quả trưng cầu dân ý trên. Đồng thời, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định Kiev sẽ bảo vệ công dân của mình ở các khu vực do Nga kiểm soát.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên CNN về việc phản ứng của khối với hành động sáp nhập 4 vùng vào lãnh thổ Nga, Tổng thư ký của NATO Jens Stoltenberg cho biết "Câu trả lời của NATO là tăng cường hỗ trợ. Cách tốt nhất để kết thúc cuộc chiến này là tăng cường sức mạnh cho người Ukraine trên chiến trường, để họ có thể ngồi xuống bàn đàm phán và đạt được một giải pháp có thể chấp nhận được đối với Ukraine và duy trì Ukraine như một quốc gia độc lập có chủ quyền ở châu Âu".
Đáng lo ngại, kết quả trưng cầu dân ý nói trên đã làm gia tăng mối lo ngại chiến sự Nga- Ukraine sẽ "leo thang" mạnh mẽ hơn- đặc biệt là liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. "Nga hiểu rất rõ những gì Mỹ sẽ làm để đối phó với việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói.