Ukraine kiểm tra số vũ khí được các nước viện trợ tại sân bay quốc tế Boryspil ở Kiev. Ảnh: Reuters
Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, Ukraine khó có cơ hội thực sự để giành chiến thắng trong chiến sự Nga- Ukraine . Quốc gia này cần đảm bảo dòng chảy vũ khí từ phương Tây đến tiền tuyến không đứt gãy nếu muốn củng cố những vùng lãnh thổ vừa giành lại được ở Kharkov và thực hiện những đợt tiến công mới vào Donbass. Nhưng sức ép viện trợ vũ khí đang ngày một gia tăng, cụ thể trong thời gian gần đây, Đức vẫn đang từ chối cung cấp thêm những vũ khí tấn công cho Ukraine.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht, hiện chưa nước nào trong nhóm đồng minh hay NATO đồng ý cung cấp xe tăng hiện đại do phương Tây thiết kế cho Ukraine. Bên cạnh đó, sau gần 7 tháng hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine, không chỉ Đức mà kho vũ khí của những đồng minh châu Âu sắp đạt điểm giới hạn.
Trung tâm Điều phối Viện trợ Quốc tế (IDCC), thuộc Bộ tư lệnh Lực lượng Mỹ ở châu Âu (USEUCOM) đặt tại thành phố Stuttgart của Đức, cho biết phương Tây đã viện trợ cho Ukraine hơn 172.000 tấn thiết bị quân sự. Tuy nhiên, các quốc gia đều tránh viện trợ vũ khí hiện đại thế hệ mới để hạn chế việc đối đầu với Nga và không làm tổn hại đến tiềm lực quân sự của mình.
Trong khi đó, hiện cả Mỹ và phương Tây đều đang phải đối mặt với bài toán lạm phát, đặc biệt là viễn cảnh phương Tây phải đối mặt với một mùa đông khó khăn do thiếu hụt năng lượng. Điều này cũng đặt ra thách thức cho các nước châu Âu trong việc sản xuất vũ khí để bù vào lượng vũ khí đã chia sẻ cho Ukraine.
"Nếu chuyển giao vũ khí tối tân cho Ukraine, các nước châu Âu buộc phải chấp nhận tự làm suy yếu năng lực quốc phòng trong một thời gian dài vì họ khó có khả năng tái sản xuất hoặc mua bổ sung đủ nhanh trong bối cảnh hiện nay", ông Max Bermann, Giám đốc chương trình châu Âu thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) Mỹ nhận định và cho biết thêm bản thân các nước châu Âu cũng đang phải củng cố năng lực quốc phòng của mình sau khi Tổng thống Nga ban bố lệnh động viên quân sự một phần".
>> Chiến sự Nga - Ukraine: Ông Putin khó cả trong lẫn ngoài
Sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn là một phương án nằm trong kịch bản của Nga
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu Ukraine thành công trong việc tái chiếm tất cả lãnh thổ đã mất từ tay Nga, khả năng cao Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật để đánh bại Kiev.
Đánh giá về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, tướng Valery Zaluzhny, xác nhận khả năng trên. "Trong những hoàn cảnh nhất định, có một mối đe dọa trực tiếp từ việc quân đội Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Điều này có nguy cơ dẫn tới sự tham gia trực tiếp của các quốc gia hàng đầu thế giới trong một cuộc xung đột hạt nhân "có giới hạn", trong đó nguy cơ Thế chiến III có thể nhìn thấy một cách trực tiếp", ông Zaluzhny cho biết.
Trên thực tế, nếu Mỹ và phương Tây càng giúp quân đội Ukraine đạt được các thắng lợi trên chiến trường thì càng có khả năng cao Tổng thống Putin sẽ dùng tới vũ khí hạt nhân chiến thuật để giành một chiến thắng thuyết phục trong xung đột Nga - Ukraine.
Theo chuyên gia Emily Ferris, Viện nghiên cứu RUSI của Anh, mặc dù Nga nhận thức được rủi ro từ mối đe dọa hạt nhân, nhưng đây vẫn là một kịch bản của Điện Kremlin. Chuyên gia này cũng cảnh báo "nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là có và sẽ tăng lên nếu như Nga bị dồn vào đường cùng. Điều đó rất nguy hiểm, có nguy cơ gây hủy diệt hàng loạt".
Trong khi đó, Mỹ và châu Âu luôn chủ trương hoàn toàn không dính vào một phản ứng quân sự trực tiếp chống lại Nga vì biết rằng làm vậy sẽ dẫn tới sự bùng nổ của Thế chiến III. Tuy nhiên, Ukraine sẽ không thể chiến thắng nếu thiếu đi viện trợ vũ khí từ Mỹ và phương Tây. Do đó, chiến thắng của Ukraine vẫn còn rất mong manh.