Ngày 29/8, Tổng chưởng lý cho biết, Waldemar W, một công dân Đức gốc Nga, bị tạm giam sau cuộc điều tra của chính quyền nhằm làm rõ nghi vấn vi phạm luật ngoại thương của Đức.
Vụ việc cho thấy phương Tây ngày càng giám sát chặt việc xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao sang các công ty Nga.
Giới điều tra đang tập trung vào cách sử dụng nước thứ ba để lách luật cấm xuất khẩu, nhằm cung cấp cho Nga những sản phẩm cần thiết trong thời chiến.
Các công tố viên cho biết Waldemar W điều hành 2 công ty ở bang Saarland, chuyên kinh doanh linh kiện điện tử.
Trong 26 lần từ tháng 1/2020 – 3/2023, người đàn ông này đã xuất khẩu linh kiện điện tử cho một công ty ở Nga chuyên sản xuất thiết bị và vật liệu quân sự, bao gồm máy bay không người lái (UAV) Orlan-10 mà Nga đang sử dụng ở Ukraine.
Cơ quan điều tra cho biết, số linh kiện mà Waldermar W bán, với tổng giá trị khoảng 715.000 euro, là một phần không thể thiếu của Orlans và nằm trong danh sách hàng hoá bị Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt.
Một nghiên cứu của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh gọi Orlan-10 là "UAV thành công nhất" của Nga, mô tả nó là "nền tảng trung tâm tạo nên khả năng chiến đấu của đất nước".
Theo viện nghiên cứu này, các công ty Nga có quan hệ chặt chẽ với Trung tâm Công nghệ đặc biệt có trụ sở tại St Petersburg, nơi chế tạo Orlan-10, đã "tăng mạnh nhập khẩu những linh kiện quan trọng do phương Tây sản xuất" kể từ khi cuộc xung đột nổ ra.
Cơ quan công tố Đức cho biết, Waldemar W trốn tránh các lệnh trừng phạt của EU bằng cách nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, sau đó xuất khẩu sang Nga thông qua một công ty mà ông ta kiểm soát ở bang Baden-Württemberg, miền nam nước Đức. Các linh kiện được gửi đến 2 công ty dân sự, sau đó chuyển đến một nhà sản xuất vũ khí.
Sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, bị cáo bắt đầu gửi hàng sang Nga với sự giúp đỡ của các công ty ở nước thứ ba như Dubai và Lithuania.