Đũa là dụng cụ ăn uống vô cùng phổ biến, luôn có mặt trong căn bếp mọi nhà. Mặc dù sử dụng hàng ngày nhưng công đoạn làm sạch và bảo quản đũa thì không phải ai cũng biết chính xác. Bởi, rửa đũa là 1 chuyện, bảo quản đũa thế nào cho sạch lại là chuyện khác!
Cách phơi đũa đúng
Sau khi rửa sạch, nhiều người thường không quá để tâm đến việc đặt đầu đũa hướng lên hay hướng xuống. Một số người còn tùy tiện sắp xếp ngẫu nhiên theo phong cách "chiếc chổng lên, chiếc chúc xuống". Đa phần mọi người thường nghĩ rằng giỏ đựng đũa đã có thiết kế lỗ nhỏ thoát nước nên dù đặt tư thế nào thì cũng đều đúng và an toàn.
Thực tế lại không hoàn toàn như thế. Nếu đặt đầu đũa hướng xuống dưới, khi đũa đang trong tình trạng ẩm ướt thì nước và hơi ẩm sẽ tiếp tục chảy xuống phía đáy của giỏ đựng. Lúc này sẽ vô tình tạo sự tiếp xúc giữa đầu đũa và môi trường ẩm ướt - là nguyên nhân gây nấm mốc và sinh sôi vi khuẩn. Và sau 1 thời gian dài sử dụng những chiếc đũa này, vi khuẩn có hại sẽ xâm nhập vào cơ thể, gây nên những mầm bệnh nguy hại cho sức khỏe.
Do đó, cách đặt đũa đúng nhất đó là hướng đầu đũa lên trên. Cách làm này sẽ giúp đũa nhanh khô ráo hơn, đồng thời làm giảm khả năng sinh sản của vi khuẩn, đảm bảo an toàn cho sức khỏe gia đình. Ngoài ra, làm sạch thôi chưa đủ, bạn cần nắm được các lưu ý dưới đây để sử dụng đũa an toàn, không ảnh hưởng sức khoẻ.
Một số lưu ý khi sử dụng đũa
1. Làm khô kịp thời
Bạn hãy sử dụng ống đựng đũa hoặc hộp đựng đũa chuyên dụng và đặt chúng ở nơi thông thoáng sau mỗi lần rửa đũa, có như thế mới đảm bảo đũa khô nhanh và không gặp các vấn đề ẩm mốc.
2. Thay thế thường xuyên
Mặc dù khó hỏng hóc nhưng đũa cũng có thời hạn sử dụng nhất định, tùy vào từng chất liệu inox, gỗ, nhựa... mà mỗi loại đũa lại có thời hạn sử dụng khác nhau. Thông thường, đũa tre và đũa gỗ sẽ dao động từ 3 đến 6 tháng; các sản phẩm bằng inox và gốm sứ thì lâu hơn một chút.
Áng chừng theo mốc thời gian đó mà bạn có thể thay thế đũa đúng thời hạn. Trong trường hợp đũa có dấu hiệu ẩm mốc, biến dạng, đổi màu... thì cần phải thay mới luôn, bất kể là đã đến hạn hay chưa.
3. Thường xuyên khử trùng
Việc làm sạch đũa sau mỗi lần sử dụng thì ai cũng biết, nhưng công đoạn khử trùng thì không phải ai cũng quan tâm. Thực tế, đũa rất cần được vệ sinh sạch sẽ kết hợp khử trùng thường xuyên để đảm bảo an toàn và diệt sạch vi khuẩn. Cách khử trùng cũng không quá phức tạp, nếu nhà bạn không có máy khử trùng có thể tiến hành theo các bước sau:
Đầu tiên, cho đũa vào chậu sạch, đổ hỗn hợp gồm baking soda, giấm trắng và nước sôi vào. 3 "nguyên liệu" này có tác dụng khử trùng và làm sạch cực hữu hiệu, giúp khử khuẩn tốt mà lại an toàn, nhanh chóng.
Tiếp đó, khi thấy nhiệt độ nước nguội dần, bạn hãy dùng miếng cọ rửa bát và tiến hành lau chùi đũa. Hãy đảm bảo rằng bạn lau sạch từng chiếc thay vì cầm cả nắm đũa lên rồi chà xát chúng với nhau. Cách này có vẻ nhanh và tiện nhưng sẽ bị sót vài đôi đũa chưa được làm sạch.
Cuối cùng, sau khi rửa sạch đũa, bạn hãy để phơi chúng ở trên giỏ đựng hoặc giá treo có lỗ thoáng khí, đặt ở nơi thoáng đãng mát mẻ để đũa nhanh khô ráo. Về tần suất khử trùng, bạn nên tiến hành ít nhất 1 tháng/lần.
Nguồn: Sohu