Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái luôn vô cùng vị tha và bao la. Vì con cái, dù có cho đi tất cả những gì mình có, dù vất vả, mệt mỏi đến đâu, họ vẫn không hề tiếc nuối.
Nhưng đối với nhiều thứ trên đời, bạn không thể có được kết quả tốt chỉ bằng cách cho đi. Đây vẫn là trường hợp của nhiều cha mẹ đối với con cái của họ. Chỉ khi biết duy trì những tiêu chuẩn, tỷ lệ phù hợp thì mối quan hệ trong gia đình mới trở nên hòa hợp hơn, tình cảm giữa nhau cũng trở nên thân thiết, tự nhiên hơn.
Là cha mẹ, chúng ta phải học cách nói không khi con yêu cầu điều gì đó không phù hợp. Nếu thiếu kiên quyết có thể rơi vào những xung đột, cãi vã không ngừng, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến gia đình và mối quan hệ cha mẹ con cái.
Khi con bạn yêu cầu 3 điều này, chúng ta phải từ chối:
01. Yêu cầu cha mẹ can thiệp vào chuyện riêng của gia đình
Có câu chuyện về một cô con gái nọ, lúc đầu lấy chồng rất vui vẻ nhưng sau đó thường kể với mẹ về những chuyện vụn vặt giữa mình và chồng. Mỗi khi người mẹ thấy có chuyện gì đó không ổn, bà lại xuất hiện tham gia vào cuộc cãi vã hay quyết định thay cho con gái. Bà cho rằng, nhất định không để con gái phải chịu bất kỳ sự bất công nào nên thường gọi con rể đến mắng mỏ, thậm chí chuyển đến giúp con gái trông nhà, điều này khiến con rể rất khó chịu. Thay vì giảm bớt mâu thuẫn, cả nhà lại càng bất hòa.
"Khoảng cách tốt nhất giữa cha mẹ và con cái là khoảng cách của một bát súp". Câu này có nghĩa là nếu bạn nấu một bát súp gửi cho con, nhiệt độ của súp vừa phải thì cả hai sẽ cảm thấy ấm áp. Ngược lại, gần quá thì nóng quá, xa quá thì nguội.
Ví dụ, sau khi con cái lập gia đình, với tư cách là cha mẹ, bạn không nên giúp đỡ quá nhiều mà nên để con tự làm việc của mình. Nếu cha mẹ luôn giúp đỡ con cái mà không phù hợp thì không những con cái kh ng biết ơn, không vui mà chỉ khiến mối quan hệ giữa ngày càng trở nên tồi tệ, thậm chí cuối cùng còn có thể trở thành kẻ thù. Bạn có thể đưa ra những góp ý nhưng không được nhúng tay vào.
2. Yêu cầu cha mẹ dốc hết tiền bạc
Cha mẹ là điểm tựa của con cái, về cả vật chất và tinh thần nhưng có những ranh giới cần vạch rõ với con, đặc biệt là về tài chính. Một cuộc khảo sát gần đây của Credit Karma (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 cha mẹ đang phải hỗ trợ tài chính cho con đã trưởng thành.
Theo các chuyên gia, việc hỗ trợ con cái không có gì sai nhưng có những thời điểm cha mẹ không nên đưa tiền cho những đứa con đã trưởng thành của mình. Chẳng hạn là khi con yêu cầu cha mẹ rút tiền tiết kiệm.
Khi con lớn hơn, cha mẹ có thể sẽ gần đến tuổi nghỉ hưu và có một khoản tiết kiệm cho tuổi già. Theo chuyên gia, đây nên là một khoản dự trữ cố định, không nên rút ra để giúp đỡ con. Enoch Omololu, một chuyên gia tài chính cá nhân và là người sáng lập của Savvy New Canadas, cảnh báo rằng điều này có thể dẫn tới một tình huống bấp bênh, đặc biệt nếu người con tiếp tục quay lại với nhiều yêu cầu về tiền hơn.
Thêm vào đó, theo Scott Nelson, chuyên gia tài chính cá nhân tại MoneyNerd, mọi người đều đau khổ vì nợ nần. Do đó gánh nợ thay con, đặc biệt nếu khoản tiền lớn, là rất đau đầu với cha mẹ già. Thêm vào đó, trả hết nợ cho con không có nghĩa là vấn đề của con sẽ được giải quyết, thậm chí có thể khiến con bạn gặp bất lợi hơn trong tương lai.
Bạn có thể giúp con một số tiền trong khả năng mình có hoặc hỗ trợ con tìm sự trợ giúp từ các tổ chức cho vay, người có thể cho vay thay vì tự mình gánh khoản nợ cho con.
3. Yêu cầu sự phục vụ quá mức
Là cha mẹ, đương nhiên chúng ta muốn dành cho con mình những điều tốt nhất, nhưng phải nhận ra rằng sự phụ thuộc và chiều chuộng quá mức sẽ tước đi cơ hội học hỏi và trưởng thành của chúng.
Chúng ta nên khuyến khích con suy nghĩ, đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề một cách độc lập. Chỉ khi có khả năng đối mặt với thử thách, khó khăn, các em mới lăn lộn được khi va chạm với thực tế, vượt qua khó khăn và trở nên mạnh mẽ, tự tin vào cuộc sống tương lai. Ngược lại, nếu cha mẹ quá ỷ lại, cưng chiều con có thể trở nên yếu đuối, kém cỏi, thiếu tự chủ, độc lập và sẽ gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sự phát triển sau này của trẻ.
Là cha mẹ, trách nhiệm của chúng ta không chỉ là đáp ứng nhu cầu vật chất cho con cái mà quan trọng hơn là giúp chúng trở thành những người độc lập, tự tin và có trách nhiệm. Chúng ta nên dạy cho con những giá trị đúng đắn, trau dồi năng lực và nhân cách đạo đức, giúp con xây dựng một tương lai vững chắc.
Hãy đối mặt với những yêu cầu vô lý của con bằng thái độ kiên quyết từ chối nhưng đồng thời dành cho con sự quan tâm và hỗ trợ đầy đủ. Chỉ bằng cách cân bằng giữa trách nhiệm và sự quan tâm, chúng ta mới có thể cùng nhau duy trì sự hòa thuận và ổn định trong gia đình!