Clinker và xi măng là những thành phần then chốt trong ngành xây dựng, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng những công trình vững chắc và bền bỉ.
Từ năm 2010, lần đầu tiên Việt Nam tự sản xuất đủ clinker, xi măng phục phụ nhu cầu xây dựng trong nước. Từ đó, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu clinker, xi măng. Cùng với đó, Việt Nam hình thành những nhà máy sản xuất xi măng quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trên bản đồ sản xuất xi măng thế giới khi đạt công suất khoảng 100 triệu tấn/năm, đứng thứ 3 toàn cầu (theo số liệu năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ). Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có công suất sản xuất xi măng lớn nhất trên thế giới gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng và giá trị xuất khẩu của mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm 2024 đã giảm tương ứng 1,6% và 13,3%. Tuy nhiên, clinker và xi măng vẫn mang về cho Việt Nam doanh thu hơn 699 triệu USD và xuất khẩu trên 18,2 triệu tấn.
Tháng 7 vừa qua, xuất khẩu clinker và xi măng của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng cả về lượng và giá trị. Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng hàng xuất khẩu đạt hơn 2,5 triệu tấn, tăng 8,2% so với tháng trước, đồng thời kim ngạch xuất khẩu cũng tăng 7,7% lên hơn 97 triệu USD.
Philippines, Bangladesh và Đài Loan (Trung Quốc) đang là những thị trường tiêu thụ clinker và xi măng của Việt Nam lớn nhất, chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này. Philippines, với lượng nhập khẩu hơn 4,6 triệu tấn, trị giá 186 triệu USD là nước dẫn đầu danh sách thị trường tiêu thụ clinker và xi măng của Việt Nam. Đứng thứ hai là Bangladesh với 3,9 triệu tấn và 123 triệu USD, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) với 891 nghìn tấn và 32 triệu USD.
Báo động "sức khoẻ" ngành xi măng
Tuy nhiên, ngành xi măng của Việt Nam hiện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Sự khó khăn chủ yếu xuất phát hai yếu tố chính: sự suy giảm trong thị trường bất động sản trong nước và giá xuất khẩu sụt giảm trên thị trường quốc tế.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí chiều 18/6, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho hay: "Ngành xi măng vẫn chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các dự án đầu tư công triển khai chậm, nguồn cung xi măng vượt xa so với cầu, việc áp dụng cầu cạn cao tốc bằng bê tông cốt thép còn hạn chế, giải pháp sử dụng xi măng để gia cố, ổn định nền đất chưa được áp dụng".
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành xi măng đang gặp một số khó khăn rất lớn trong sản xuất và tiêu thụ, có nguy cơ đưa nhiều DN đến mức phá sản hoặc phải bán một phần cho nước ngoài.
Giai đoạn này, ngành xi măng đang chịu áp lực lớn, khi khả năng hấp thụ của nền kinh tế trong nước kém. Tiêu thụ nội địa rất yếu do các dự án đầu tư công triển khai còn chậm; các dự án xây dựng đường giao thông vẫn sử dụng công nghệ truyền thống; thị trường nhà ở, bất động sản dường như đóng băng; tỷ lệ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội triển khai thực tế rất thấp.
Nguồn cung bất động sản theo báo cáo tiếp tục hạn chế tại tất cả các phân khúc, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hết sức khó khăn, tiêu thụ sản phẩm chậm, tồn kho tăng cao, phải dừng nhiều dây chuyền sản xuất.
Những nguyên nhân trên khiến tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao, một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò để hạn chế đổ clinker ra bãi, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, sản lượng sản xuất clinker 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,63 triệu tấn, bằng 45,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng sản xuất xi măng đạt 9,77 triệu tấn, bằng 45,4% kế hoạch và giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng đó, tổng sản phẩm tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2024 đạt 11,45 triệu tấn, bằng 47,6% kế hoạch năm 2024 và tương đương so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó tiêu thụ xi măng đạt 9,86 triệu tấn, bằng 45,6% kế hoạch năm 2024 và giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 13.198 tỷ đồng, bằng 46,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 547 tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Chính phủ vào cuộc gỡ khó cho sản xuất xi măng
Trước khó khăn của ngành, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ ngành có liên quan về việc "Báo cáo tình hình ngành Xi măng Việt Nam năm 2023, các khó khăn và kiến nghị".
Gần đây nhất, ngày 14/5, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị nội dung sửa đổi Nghị định 26/2023/NĐ-CP về việc áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu clinker xi măng là 0%. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, clinker xi măng không phải là tài nguyên khoáng sản, hiện doanh nghiệp xi măng trong nước đang chịu bất lợi khi thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10%, từ ngày 01/01/2023, không được áp dụng luật thuế giá trị gia tăng.
Trước tình hình những khó khăn nói trên kéo dài, chưa có giải pháp đột phá để khắc phục, tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng tổ chức 15/6, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp để tăng lượng tiêu thụ xi măng nội địa thông qua việc khuyến khích sử dụng xi măng làm cao tốc, cầu cạn ở những vùng có địa hình đất yếu như Đồng bằng sông Cửu Long, một số khu vực tại miền Trung, miền núi. Đẩy mạnh việc gia cố nền đường bằng xi măng - đất thay thế cho công nghệ truyền thống đắp nền cao tốc bằng đất, cát hiện nay để tăng tuổi thọ công trình.
Cũng như các ngân hàng giãn nợ vay đầu tư, giảm lãi suất cho các DN xi măng, tăng hạn mức vay vốn lưu động, không khuyến khích đầu tư FDI vào ngành xi măng vì DN trong nước đã làm chủ được công nghệ.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu VPCP và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị để đánh giá, xem xét nguyên nhân, tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng trong thời gian tới, nhất là đẩy mạnh cung cấp cho các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các công trình quan trọng khác.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD thời gian qua.
Đồng thời, nhận diện các khó khăn, thách thức, như về sản xuất, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, tài chính; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, vai trò, trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành trong giải quyết các điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép VLXD tại Việt Nam.