Các cường quốc lao vào "viên kim cương" 1.000 tỷ USD, 1 nhà máy ở tỉnh nhỏ nhất VN có thành quả đầu tiên

Pha Lê |

Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung đầu tư để từng bước hình thành ngành công nghiệp cao này.

Amkor Technology Việt Nam xuất khẩu lô hàng đầu tiên

Mới đây, Đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh đã đến thăm, làm việc tại Công ty Amkor Technology Việt Nam tại khu công nghiệp Yên Phong II-C.

Là đơn vị tiên phong về sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu, Tập đoàn Amkor được thành lập song song giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Tháng 11/2021, Tập đoàn Amkor của Hàn Quốc quyết định đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại KCN Yên Phong II-C, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh – tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam.

Dự án sản xuất, lắp ráp thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại khu công nghiệp Yên Phong II-C của Công ty Amkor Technology Việt Nam có quy mô diện tích khoảng 23 ha với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD, giai đoạn 1 khoảng 530 triệu USD. Đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Tập đoàn Amkor tại Bắc Ninh.

Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 530 triệu USD, tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới. Với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, nhà máy Amkor là một trong những nhà máy sản xuất bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Các cường quốc lao vào "viên kim cương" 1.000 tỷ USD, 1 nhà máy ở tỉnh nhỏ nhất VN có thành quả đầu tiên- Ảnh 1.

Chính thức vận hành từ tháng 8/2024, công ty đã thoả thuận được với 4 khách hàng và xuất khẩu lô hàng đầu tiên; đang thoả thuận với 6 khách hàng cho dự án mới. Công ty hiện có hơn 1.061 nhân viên, người lao động, trong đó, có 938 lao động là người Việt Nam. Dự kiến tới năm 2035 sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động.

Đến nay, Công ty có khoảng 200 khách hàng toàn cầu đến thăm nhà máy và tìm hiểu hợp tác; các khách hàng đều đánh giá cao cơ sở hạ tầng và chất lượng đào tạo nhân lực của của Công ty.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty Amkor Technology Việt Nam cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo điều kiện trong việc mở lối tắt vào cổng chính của công ty; sớm xây dựng khu ký túc xá nhà ở công nhân cho nhân viên; hỗ trợ việc nhập khẩu một số máy móc, thiết bị đào tạo bán dẫn.

Với kiến nghị trên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công ty hạ tầng Viglacera khảo sát vị trí, hoàn thành việc mở dải phân cách tạo lối đi thuận lợi cho doanh nghiệp trong tháng 9/2024. Đồng thời, tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, ngành lựa chọn chủ đầu tư để sớm triển khai xây dựng khu nhà ở xã hội, khu ký túc xá cho người lao động của công ty.

Triển vọng của ngành bán dẫn

Theo tổ chức Số liệu thương mại chất bán dẫn toàn cầu (WSTS), thị trường chất bán dẫn trên toàn thế giới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 13,1% trong năm 2024, đạt mức kỷ lục 588,36 tỷ USD. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), giai đoạn 2001 - 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu tăng trưởng 13% mỗi năm, đạt quy mô khoảng 600 tỷ USD và đạt quy mô khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Các cường quốc lao vào "viên kim cương" 1.000 tỷ USD, 1 nhà máy ở tỉnh nhỏ nhất VN có thành quả đầu tiên- Ảnh 2.

Ảnh minh họa bởi AI

Là một trong những ngành quan trọng nên các quốc gia trên thế giới đều có kế hoạch phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung đầu tư để từng bước hình thành ngành công nghiệp cao này. Một trong số đó là kế hoạch đến năm 2030 đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn.

Để hoàn thành mục tiêu này, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã ký thỏa thuận hợp tác với hai tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chip là Synopsys và Cadence để hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn; phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực.

Đồng thời NIC đã phối hợp với Công ty SunEdu, Đại học bang Arizona và Tập đoàn Cadence để tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch dành cho giảng viên, kỹ sư muốn nâng cao chuyên môn tại các cơ sở của NIC.

Song song với đó, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng lựa chọn Việt Nam là điểm đến để xây dựng nhà máy là minh chứng cho sức hút của Việt Nam trong ngành công nghiệp này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor... Điều này minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu".

Bộ trưởng cũng bày tỏ hi vọng, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại