Tham dự Hội nghị thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen sẽ là cơ hội để bà Thái Anh Văn trở thành tâm điểm chú ý quốc tế.
Bắc Kinh nhiều lần cáo buộc Mỹ can dự vào các vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong (Trung Quốc). Bà Thái và nhà hoạt động trẻ Hoàng Chi Phong thường xuyên trở thành đề tài chỉ trích của báo chí đại lục.
Hội nghị ở Copenhagen diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang cố gắng siết kiểm soát Hong Kong bằng một luật an ninh quốc gia mới. Bắc Kinh cũng gia tăng chỉ trích Đài Loan sau khi bà Thái đắc cử nhiệm kỳ hai khi tư tưởng chống Bắc Kinh gia tăng trên hòn đảo tự trị.
Dự kiến bà Thái sẽ có bài phát biểu kéo dài 10 phút trong hội nghị trực tuyến diễn ra từ ngày 18-19/6. Còn Ngoại trưởng Mỹ sẽ nói về “Trung Quốc và những thách thức đối với các xã hội tự do”.
Ông Pompeo đang nỗ lực xây dựng một mặt trận thống nhất với châu Âu để chống Trung Quốc, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump có quan hệ không tốt đẹp với các đồng minh truyền thống.
Báo chí nhà nước Trung Quốc thời gian qua đăng hàng loạt bài viết tấn công ông Pompeo sau khi ông cáo buộc Trung Quốc gây ra đại dịch COVID-19. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV gọi ông là “kẻ thù chung của nhân loại” sau khi ông cáo buộc các lãnh đạo Trung Quốc xử lý sai đại dịch.
Đài phát thanh Trung Quốc gọi ông Pompeo là chính trị gia “ma quỷ”, người luôn “dối trá và lừa gạt”, và rằng “nước Mỹ vĩ đại trở lại chỉ có thể coi là một trò đùa”.
Còn Đài Loan đang tìm cách xích lại gần EU trong đại dịch COVID-19 bằng cách tặng khẩu trang và các thiết bị y tế cho các nước châu Âu.
Trong một cử chỉ hiếm thấy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã ca ngợi nỗ lực của Đài Loan. Bà viết trên Twitter hồi tháng 4: “EU cảm ơn Đài Loan đã ủng hộ 5,6 triệu khẩu trang để giúp chống virus corona. Chúng tôi thực sự đánh giá cao cử chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết này”.
Sự kiện tuần tới được tổ chức bởi Liên minh các nền dân chủ, một nhóm được lập ra bởi cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen lập ra để giải quyết tình trạng mà ông gọi là khoảng trống trong tranh luận dân chủ mà ông Trump tạo ra.
Theo chương trình, cựu thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và hai cựu ngoại trưởng Mỹ là John Kerry và Madeleine Albright cũng được mời dự.
Wang Huiyao, sáng lập viên và chủ tịch của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức phi chính phủ ở Trung Quốc, nói rằng việc ông Pompeo và bà Thái cùng xuất hiện trong một sự kiện là điều “không phù hợp”, dù hội nghị diễn ra trực tuyến, vì Bắc Kinh coi điều đó là vi phạm chính sách “một Trung Quốc”.
“Nếu họ mời những người đó mà không phải đại diện Trung Quốc thì điều đó không phù hợp, vì đáng ra chúng tôi phải có cả hai đại diện”, ông Wang nói.
Cui Lei, một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung tại Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, nói rằng sự kiện này trước đây không thu hút các chính trị gia cấp cao, nên sự có mặt của ông
Pompeo năm nay cho thấy quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, nhưng chính phủ Trung Quốc sẽ không coi đây là điều “nghiêm trọng”.
“Đây không phải lần đầu tiên ông Pompeo vượt qua vạch đỏ”, ông Cui nói.
“Những hành động đó cho thấy phía Mỹ đang tìm cách xây dựng một mặt trận thống nhất về tư tưởng để gây sức ép tâm lý lên chính phủ Trung Quốc, nhưng tôi cảm thấy chừng nào Trung Quốc chưa có biện pháp đáp trả thì điều đó sẽ không gây tổn hại đáng kể cho quan hệ Trung – Mỹ”, ông Cui nhận định.