Dư luận Pháp trước quyết định bất ngờ và khó hiểu giải tán Quốc hội của Tổng thống Macron

Ban Thời sự |

Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tại Pháp, phe cực hữu Pháp đã giành kết quả cao chưa từng thấy.

Kết quả bầu cử châu Âu là một cú sốc lớn đối với Tổng thống Pháp. Nếu như trên bình diện châu Âu, xu hướng trung hữu vẫn là chủ đạo, tại Pháp đảng cực hữu dân tộc chủ nghĩa cực đoan đã thắng lớn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tối 8/6 (theo giờ địa phương) đã ngay lập tức tuyên bố giải tán Quốc hội, mặc dù kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu không bắt buộc ông phải làm như vậy.

Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tại Pháp, 31% cử tri nước này đã bỏ phiếu cho phe cực hữu, cao gấp hơn 2 lần so với số cử tri ủng hộ đảng của Tổng thống Emmanuel Macron - đảng về thứ hai. Lãnh đạo cực hữu Pháp đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống giải tán Quốc hội, tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Ông Jorrdan Bardella - Chủ tịch đảng Tập hợp quốc gia Pháp (cực hữu) - tuyên bố: "Cử tri Pháp đã bày tỏ mong muốn thay đổi, đó cũng là con đường cho tương lai. Thông điệp rõ ràng này - được gửi tới Tổng thống Pháp và các nhà lãnh đạo châu Âu - đánh dấu quyết tâm của nước Pháp đòi hỏi Liên minh châu Âu phải thay đổi đường lối và quan tâm nhiều hơn đến người dân châu Âu".

Dư luận Pháp trước quyết định bất ngờ và khó hiểu giải tán Quốc hội của Tổng thống Macron- Ảnh 1.

Phe cực hữu Pháp đã giành kết quả cao trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tại nước này. (Ảnh: AFP)

Lãnh đạo cực hữu thách đấu, Tổng thống nhận lời tiếp đấu. Mặc dù đây là kết quả bầu cử châu Âu, không phải là bầu cử Pháp, Tổng thống Pháp không bắt buộc phải cải tổ chính trị trong nước. Tuy nhiên, ngay khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử châu Âu xác nhận xu hướng không thể đảo ngược, ông Macron đã lên truyền hình tuyên bố giải tán Quốc hội Pháp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu: "Đây là một quyết định nghiêm trọng, nặng nề, nhưng trên hết là bày tỏ niềm tin vào cử tri Pháp, niềm tin vào khả năng của người Pháp trong việc đưa ra lựa chọn công bằng nhất cho chính mình và cho các thế hệ tương lai, niềm tin vào nền dân chủ của chúng ta. Mọi người đều có quyền lên tiếng, đó là nguyên tắc của nền cộng hòa. Làm như vậy tốt hơn nhiều so với mọi giải pháp tạm bợ".

Tuyên bố tức thời của Tổng thống Macron đã gây chấn động nước Pháp. Như vậy, các đảng của Pháp sẽ chỉ có 3 tuần tranh cử. Vào cuối tháng 6 này, cử tri Pháp sẽ đi bầu Quốc hội mới, 20 ngày trước khi khai mạc Thế vận hội tại Paris.

Ông Philippe Bloch - cử tri Pháp - nói: "Tôi thấy giải tán Quốc hội "lành ít dữ nhiều". Cố gắng gắn kết người Pháp lại với nhau trong bối cảnh phe đa số gặp khó trong Quốc hội là việc ông Macron phải đối phó. Phe đa số có thể bị đánh bại. Tôi thấy như thế không hay lắm".

Ông Pierre X. - cử tri Pháp - chia sẻ: "Ông Macron có cái lý của ông ấy, có những tính toán riêng của ông ấy, mà cũng chưa chắc làm vậy là khôn ngoan. Nhưng ông Macron làm thế cũng tốt, vì ý nguyện của người Pháp sẽ được thể hiện tốt hơn trong chính phủ".

Vẫn chưa ai hiểu hết toan tính của Tổng thống Pháp khi đưa ra quyết định "được ăn cả, ngã về không" này, mà khả năng "ngã" là cao. Nếu đảng của ông Macron thất bại một lần nữa, không những đảng của Tổng thống Pháp mất thế thượng phong tại Quốc hội Pháp mà ông Macron còn buộc phải bổ nhiệm lãnh đạo phe cực hữu làm Thủ tướng, đồng thời mở ra viễn cảnh thuận lợi hơn nhiều cho phe cực hữu trong kỳ bầu cử Tổng thống Pháp tiếp theo.

Dư luận Pháp trước quyết định bất ngờ và khó hiểu giải tán Quốc hội của Tổng thống Macron- Ảnh 3.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một điểm bỏ phiếu ở Le Touquet - miền Bắc nước Pháp - vào ngày 9/6. (Ảnh: AFP)

Đây là một quyết định khó hiểu và bất ngờ, thậm chí gây choáng váng. Cử tri Pháp đã bầu cho phe cực hữu. Nếu theo đà này, trong 3 tuần tới, họ rất có thể vẫn bầu cho phe cực hữu và như vậy thực sự sẽ đưa nước Pháp vào một tương lai bất ổn. Trong quá khứ đã từng có chuyện Tổng thống đang có đa số tại Quốc hội nhưng vẫn muốn củng cố thêm nên tổ chức bầu cử lại và bị mất luôn thế đa số.

Báo chí Pháp cho rằng một mặt Tổng thống Macron đã sòng phẳng bằng cách dựa vào ý nguyện cử tri trong thời điểm hiện tại, mặt khác cũng đang tạo ra một tình thế nguy hiểm cho ổn định chính trị Pháp và cả chính trị châu Âu do vai trò quan trọng của nước Pháp trong EU.

Việc Tổng thống Pháp chọn ngày bầu cử quá gần, ứng viên và cử tri chỉ có 3 tuần chuẩn bị có thể là yếu tố gây khó khăn cho phe cực hữu. Việc chiến dịch tranh cử sẽ bắt đầu trong một tuần nữa là quá gấp. Đảng Tập hợp quốc gia cực hữu khó có thể sắp xếp đủ ứng cử viên và tranh cử trong thời gian ngắn như vậy.

Ông Emmanuel Macron cũng có thể tính toán rằng bầu cử Quốc hội Pháp có 2 vòng, và đảng của ông có thể chiến thắng trong vòng sau, khi các ứng viên ít phiếu đã bị loại trong vòng đầu. Dù sao nếu nhìn từ mọi khía cạnh, giải tán Quốc hội là một quyết định mạo hiểm đối với Tổng thống Pháp. Về phía phe cực hữu, đây là một cơ hội tuyệt vời vì tình hình chỉ có thể tốt hơn hoặc vẫn thế và phe này sẽ không mất gì cả.

Các chuyên gia cho rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cực hữu là một trong các nguồn cơn dẫn tới quyết định bất ngờ của Tổng thống Macron. Đồng thời điều này có thể tạo ra các rủi ro chính trị không chỉ cho riêng nước Pháp mà còn cả Liên minh châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại