Theo Nzherald, người dân Pháp phải cõng thêm 1,6 triệu USD tiền thuế mỗi năm để trả lương cho các công chức này, những người "vô công rồi nghề" nhưng vẫn còn suất "biên chế" sau khi dịch vụ nước ở Toulon được tư nhân hóa.
Theo tờ báo địa phương Var-matin, thành phố không thể tìm được công việc mới cho họ nhưng vẫn trả lương rất đều đặn.
Một trong các công chức "ảo" vẫn nhận lương nhà nước dù đang làm việc trong vai trò quản lý ở một doanh nghiệp tư nhân. Những người còn lại được thăng chức và nâng lương dựa trên thời gian phục vụ trong ngành.
"Thật đáng tiếc, thành phố không có khả năng tìm việc làm mới cho các nhân viên này, đặc biệt là những người trẻ", báo cáo của Văn phòng kiểm toán vùng Provence-Alps-Riviera viết.
Báo cáo này nói thêm rằng trung tâm quản lý nhân lực địa phương có ít động lực để tìm kiếm cho những người này công việc mới bởi chỉ cần dự báo ngân sách mà trung tâm này đưa ra cho thấy có thâm hụt ngân sách, họ vẫn được trả lương từ ngân sách của chính quyền địa phương mà ban đầu họ làm việc.
Thậm chí có trường hợp được hưởng mức lương hưu tối đa sau khi rời vị trí công tác ở tuổi giới hạn lao động là 67.
Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh dư luận Pháp đang rất bất bình trước các ưu đãi của khu vực hành chính công được hưởng dù họ khẳng định bộ máy của các cơ quan này đang hết sức cồng kềnh, lười biếng trong khi người lao động vẫn phải nai lưng ra làm để đóng mức thuế cao ngất và chi trả cho các sinh hoạt phí ngày càng gia tăng.
Tháng 5, một báo cáo của chính phủ Pháp cho thấy 300.000 công chức không hoàn thành đủ khối lượng công việc tối thiểu là 35 giờ mỗi tuần.
Tổng thống Emmanuel Macron từng cam kết sẽ cắt giảm 120.000 việc làm dịch vụ công trước năm 2022 trong nỗ lực tiết kiệm 97 tỷ USD. Cam kết này đưa ra sau trường hợp 2 quan chức Pháp bị phát hiện được trả lương dù không làm việc.