Tin tức từ khu vực vùng Vịnh đang ngày càng trở nên hết sức căng thẳng; nhất là sau sự kiện Iran bắn rơi máy bay không người lái trinh sát tầm cao MQ-4 Triton của Hải quân Mỹ.
Nếu xảy ra một cuộc đối đầu quân sự mởi, thì Mỹ sẽ tiến công Iran theo kịch bản nào? Iran sẽ ứng phó với kế hoạch này ra sao? Cuộc xung đột quân sự này sẽ ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ như thế nào; đặc biệt là việc cung cấp dầu mỏ cho phần còn lại của thế giới?
Tương quan lực lượng Mỹ - Iran
Theo những thông tin rò rỉ mới nhất về kế hoạch quân sự của Mỹ chống Iran, đó là Kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lầu Năm Góc điều chuyển 120.000 lính Mỹ cùng nhiều trang thiết bị quân sự đến vùng Vịnh.
Một tàu chở dầu bị Iran bắn cháy trong cuộc chiến tàu chở dầu của thập niên 1980.
Thoạt nhìn, kế hoạch đưa 120.000 lính Mỹ tham gia cuộc chiến với Iran, có vẻ là tạo thế áp đảo; nhưng trên thực tế, nếu cuộc xung đột xảy ra, họ sẽ phải đối đầu với hơn 650.000 binh lính của lực lượng vũ trang Iran.
Để so sánh, trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 do Mỹ đứng đầu chống Iraq, Mỹ và liên quân đã huy động khoảng 700.000 binh sĩ; khi đó quân đội Iraq có khoảng 350.000 quân; như vậy Mỹ và đồng minh gấp đôi ưu thế về lực lượng, do đó Mỹ và liên quân đã tạo được thế áp đảo hoàn toàn đối với quân đội của Saddam Hussein.
Kế hoạch đánh Iran của Mỹ có mạo hiểm?
Nhưng trong thời điểm hiện tại, Iran không phải là Iraq năm 1991, vậy Mỹ có mạo hiểm khi chỉ đưa 120.000 quân để xâm lược Iran? Câu hỏi là hoàn toàn không, vì chi tiết kế hoạch xung đột với Iran của Lầu Năm Góc hóa ra rất khoa học và thực dụng, có tính khả thi cao; kế hoạch này đã bị rò rỉ trên báo chí mang tên OPLAN 1002-18.
Theo phân loại của quân đội Mỹ, đây là kế hoạch chiến tranh với Iran khi có tình huống xảy ra và được sửa đổi vào năm 2018.
Theo tài liệu này, Lầu Năm góc không tiến công tổng lực trên toàn lãnh thổ Iran như cuộc xâm lược Iraq năm 2003, mà quân đội Mỹ dự định chỉ cần chiếm giữ tỉnh Khuzestan của Iran, cũng như một số cảng ở vịnh Persian (còn gọi là vịnh Ba Tư), thì Iran sẽ mất tinh thần và phải chịu ngồi vào bàn đàm phán vô điều kiện.
Tại sao Mỹ lại lựa chọn tỉnh Khuzestan là mục tiêu tiến công thay vì tiến công trên toàn lãnh thổ Iran vì các lý do sau:
Trước hết tỉnh này chủ yếu là nơi sinh sống của người Ả Rập, chứ không phải người Iran, trong khi dân ở Khuzestan có lịch sử ly khai khỏi chính quyền Tehran từ lâu.
Thứ hai là về địa hình, trong trường hợp đổ bộ vào Khuzestan, lực lượng viễn chinh Mỹ sẽ không phải lo hở sườn phía đông, vì tỉnh này giáp giới lãnh thổ Iraq; phía nam họ được bảo vệ bởi các cụm tàu sân bay ở Vịnh Persian; khu vực phía tây bắc của tỉnh Khuzestan địa hình đồi núi hoang mạc, hiểm trở, đường giao thông không thuận lợi, rất khó cho Iran cơ động lực lượng, nhất là khi Mỹ làm chủ được không phận.
Thứ ba, tỉnh Khuzestan không chỉ giáp Iraq, mà còn nằm gần Kuwait và Ả Rập Saudi, nơi đây đặt nhiều căn cứ quân sự của Mỹ, thuận lợi cho công tác đảm bảo hậu cần cho quân đội Mỹ.
Và cuối cùng, theo thống kê, hiện nay khoảng 80% trữ lượng dầu, khí đốt và khoảng một phần ba nguồn nước ngọt của Iran được khai thác tại tỉnh Khuzestan. Do vậy chiếm được Khuzestan, coi như Mỹ cắt được “dạ dày” của Iran; đây thực sự là đòn đánh rất hiểm.
Hạm đội tàu tiến công nhanh của Hải quân Iran.
Từ những lý do trên, việc Mỹ lên kế hoạch tiến hành một chiến dịch xâm lược Iran chỉ cần với một lực lượng cực kỳ hạn chế, và sau đó buộc Tehran phải ngồi vào bàn bàn đàm phán vô điều kiện là hoàn toàn khoa học.
Đây cũng là cách Mỹ tiến hành ở Syria, nơi chủ nghĩa ly khai của người Kurd được sử dụng, đảm bảo sự hiện diện của Mỹ ở Syria và là công cụ gây áp lực đối với Damascus.
Để thực hiện kế hoạch này, Lầu Năm góc sẽ chỉ sử dụng hai sư đoàn bộ binh, một lữ đoàn xe tăng và một sư đoàn thủy quân lục chiến; cộng với với sự hỗ trợ của các cụm tàu sân bay và máy bay từ các căn cứ ở các nước láng giềng với Iran; do vậy chỉ cần khoảng 120.000 binh sĩ là Mỹ có thể hoàn thành mục tiêu của chiến dịch.
Kế hoạch đối phó của Iran
Làm thế nào Iran có thể ngăn chặn một kế hoạch mạnh mẽ như vậy; nếu kế hoạch của Mỹ thành công, sẽ dẫn đến mất tinh thần thực sự của Iran?
Biện pháp trả đũa của Iran đã được biết đến và hơn nữa, đã được thử nghiệm trong quá khứ, Iran có thể chặn eo biển Hormuz. Với biện pháp như vậy, ngay cả hạm đội khá yếu của Iran cũng sẽ đủ chặn đứng đường ra vào vịnh Persian; trong trường hợp này, yếu tố địa lý thuận lợi sẽ đứng về phía Iran.
Eo biển Hormuz là một tuyến đường hàng hải hẹp nằm giữa Iran và Oman, kết nối Vịnh Persian với Vịnh Oman, Biển Ả Rập và Ấn Độ Dương. Vịnh Persian được bao quanh bởi một số quốc gia sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới gồm Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia, Qatar và UAE. Tất cả tàu chở dầu của những quốc gia này đều phải đi qua Eo biển Hormuz.
Eo biển Hormuz ở phần hẹp nhất có chiều rộng 39 km, nhưng luồng tàu bè qua lại được chỉ rộng dưới 10 km, được chia thành hai luồng vận chuyển dài 3 km và một vùng đệm giữa chúng.
Eo biển Hormuz (khoanh màu đỏ), nơi Iran tự tin sẽ phong tỏa tuyến đường biển vào vịnh Persian.
Tàu chở dầu và khí đốt hóa lỏng từ các quốc gia trên đều phải đi qua tuyến đường giao thông này. Theo tính toán, 80% nhu cầu dầu mỏ của châu Á được vận chuyển qua eo biển này; khi đi qua eo biển Hormuz, tất cả các tàu đều phải đi qua lãnh hải Iran.
Trong quá khứ, giai đoạn thứ hai của cuộc chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988), bắt đầu từ năm 1984, được gọi là cuộc chiến tàu chở dầu. Iraq và Iran thay nhau tiến công tàu của nhau và nước thứ ba, cuộc chiến kéo dài trong 4 năm, làm hư hỏng 546 tàu chở hàng thương mại và làm thiệt mạng khoảng 430 thủy thủ. Vũ khí chính của cuộc chiến này không phải là hạm đội, mà là không quân và thủy lôi.
Iran đã phong tỏa hoàn toàn 10 km Eo biển Hormuz bằng các bãi thủy lôi; hành động này khiến Liên Xô và Mỹ đề xuất bảo vệ cho các tàu chở dầu của các quốc gia qua khu vực này từ tháng 3 năm 1987 (Chiến dịch Earnest Will và Chiến dịch Prime Chance).
Thủy thủ Iran bị hải quân Mỹ bắt trong Chiến dịch Earnest Will.
Chiến thuật của Iran có thực sự phát huy tác dụng?
Tất nhiên, Mỹ hiểu được sự nguy hiểm của các biện pháp đối phó Iran khi đóng cửa eo biển Hormuz, có thể ảnh hưởng đến gần 40% lượng dầu xuất khẩu dầu của thế giới.
Trong chiến lược an ninh của Mỹ, họ có khoảng 730 triệu thùng dầu thô dự trữ chiến lược, đủ để đảm bảo 60 ngày không cần nhập khẩu dầu, trong đó có 40 ngày đảm bảo nhu cầu bình thường và 20 ngày bảo đảm hạn chế.
Bên cạnh đó là việc Mỹ thành công trong khai thác dầu đá phiến, đây là nguyên nhân kéo giá dầu xuống đáy như trong thời gian qua; và cũng là nguồn cung dầu chiến lược thứ ba của Mỹ (sau nguồn dầu khai thác truyền thống và nhập khẩu).
Về nguyên tắc, tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các nước EU; theo chỉ thị của Liên minh châu Âu, mỗi quốc gia trong số 28 quốc gia thành viên có nghĩa vụ giữ cho lãnh thổ của mình một trữ lượng dầu chiến lược tương đương với 90 ngày tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, trên thực tế ngày nay, chỉ có mười ba quốc gia EU tạo ra các kho lưu trữ như vậy (Hungary, Đan Mạch, Đức, Ireland, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Phần Lan, Pháp, Cộng hòa Séc và Thụy Điển).
Khoảng thời gian mà trữ lượng được tính toán cũng khác nhau - nếu lượng dầu dự trữ ở Cộng hòa Séc đảm bảo được trong 100 ngày, thì Ireland chỉ có thể bảo đảm được một tháng. Ngoài ra, Vương quốc Anh cũng đang phải phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Đông, vì các mỏ dầu của chính họ ở Biển Bắc gần như cạn kiệt.
Và cuối cùng, cần phải đề cập đến dự trữ chiến lược của các "con hổ" kinh tế châu Á: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Tính đến hôm nay, trữ lượng dầu chiến lược của Trung Quốc đã đạt 450 triệu thùng, với mục tiêu 476 triệu thùng vào năm 2020.
Dàn khoan dầu của Iran bị hải quân Mỹ bắn cháy trong cuộc chiến tàu chở dầu của thập niên 1980.
Mức tiêu thụ dầu ở Trung Quốc thấp hơn ở Mỹ, lượng dầu dự trữ cũng như tự khai thác trong nước đảm bảo cho nhu cầu nước này trong vòng 90 ngày.
Nhật Bản và Hàn Quốc, lượng dầu dự trữ chiến lược ít hơn so với Trung Quốc, cả hai quốc gia này đều phụ thuộc 100% lượng dầu nhập khẩu; lượng dự trữ của họ đảm bảo trong khoảng từ 40 đến 60 ngày.
Và cuối cùng, Ấn Độ có trữ lượng khiêm tốn nhất - quốc gia này lượng dự trữ chỉ đủ dùng trong hai tuần.
Tuy nhiên cuộc chiến tàu chở dầu của thập niên 1980 đã khiến các quốc gia thuộc khu vực vùng Vịnh tìm cách khắc phục, như xây dựng các đường ống dẫn dầu lớn ở UAE và xây dựng cơ sở hạ tầng xuất khẩu dầu ra các cảng ở Biển Đỏ, nhất là Ả Rập Saudi, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Sự tăng giá dầu là không thể tránh khỏi sau sự leo thang giữa quân đội giữa Mỹ và Iran; giới quan sát cho rằng, việc dọa đóng cửa Eo biển Hormuz của Iran là một phương thức quản lý khủng hoảng hoặc đòn chiến tranh tâm lý. Bởi giải pháp này không khiến Iran có được cách giải quyết vấn đề tốt nhất, mặt khác còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của chính Iran. Hơn nữa, đóng cửa Eo biển Hormuz có nghĩa là châm ngòi cho một cuộc chiến tranh khu vực, mà chắc chắn Iran sẽ là quốc gia bị cô lập.
Quân đội Iran tập trận ở vùng Vịnh nhằm đối phó với điều mà quốc gia này cho là mối đe dọa quân sự của Mỹ.