Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran, nhiều chuyên gia bắt đầu suy đoán về kịch bản cuộc chiến giữa hai bên; sau sự kiện Iran bắn rơi chiếc máy bay không người lái RQ-4 của Mỹ hôm 20 tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký kế hoạch trả đũa Iran, nhưng kế hoạch này đã dừng 10 phút trước khi thực hiện, vì ông Trump đã cân nhắc những thiệt hại có thể xảy ra cho hai bên.
Từ lâu Mỹ đã bí mật chuẩn bị cho một cuộc chiến chống lại Iran, cuộc chiến mà quân đội Mỹ có thể đánh bại Iran; nhưng Tehran vẫn có thể khiến cho nước Mỹ nhận những thất bại đau đớn.
Lịch sử ủng hộ Israel
Nhưng một kịch bản khác được thảo luận nhiều trên báo chí Mỹ và Israel, đó là nếu Mỹ không tiến hành chiến tranh với Iran thì Tel Aviv sẽ hành động. Kế hoạch này có vẻ lạ, nhưng với sự quyết tâm của Thủ tướng Israel Netanyahu, thì kế hoạch đánh phủ đầu Iran là hoàn toàn có thể.
Khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Mỹ chấm dứt cách đây không lâu, trước việc Iran tuyên bố nước này rút khỏi thỏa thuận và tiếp tục làm giàu uranium, Thủ tướng nhà nước Do Thái bắt đầu nói nhiều về những hậu quả lớn có thể xảy ra đối với Tehran và toàn thế giới nói chung.
Gần đây các cuộc tập trận không quân với quy mô lớn của lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã được tổ chức để đối phó với Iran; nếu nhìn vào lịch sử của Israel trong việc đối phó với các kẻ thù tại khu vực Trung Đông, thì kịch bản này càng trở nên rõ ràng hơn.
Vào năm 1981, Không quân Israel đã thực hiện thành công chiến dịch Opera, tấn công phá hủy một lò phản ứng hạt nhân ở Iraq, mà Tổng thống Iraq khi đó là ông Saddam Hussein đã mua từ Pháp;
Mười bốn máy bay của Israel đã bay dọc biên giới của Ả Rập Saudi và xâm nhập vào không phận Iraq, phá hủy hoàn toàn lò phản ứng hạt nhân mà Israel cho rằng người Iraq xây dựng để làm giàu uranium nhằm mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân.
Sau này có có nhiều nguồn tin cho rằng, Iran sau đó đã góp phần vào sự thành công của chiến dịch này; Iran đã cung cấp thông tin tình báo về đường bay, thậm chí còn đề xuất cho mượn sân bay, chỉ vì khi đó Iran lo sợ Iraq chế tạo được vũ khí hạt nhân.
Năm 2007, số phận tương tự xảy ra với chương trình hạt nhân Syria, ba máy bay của Israel đã tấn công lò phản ứng hạt nhân được xây dựng ở tỉnh Dair Alzour, phía đông Syria. Nói chung, Israel có nhiều kinh nghiệm trong việc ngăn chặn những mầm mống đe dọa đến sự sống còn của nhà nước Do Thái.
Tiêm kích F-16 của Iran trong một cuộc tập trận. Hình ảnh minh họa: AFP.
Quá khứ như vậy, tại sao bây giờ Israel chưa có những cuộc tiến công phá hủy các cơ sở hạt nhân vào Iran?
Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov tin rằng, Israel hiện đang vượt trội về mặt công nghệ và quân sự so với Iran, nhưng kịch bản một cuộc tiến công của Israel vào Iran là khó xảy ra.
Lý do chính mà chuyên gia quân sự Nga đưa ra đó chính là chưa có sự gật đầu của Nhà trắng, do vậy Israel chưa thể tự ý hành động.
Tình huống này gợi nhớ đến thời kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đây, vào thời điểm đó, Iran đã rất tích cực cho việc làm giàu uranium, và có vẻ như khi đó, việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân được như tính bằng ngày; cùng với đó là những giọng điệu thù địch từ phía Iran đòi xóa bỏ hoàn toàn nhà nước Do Thái khỏi bản đồ thế giới.
Không quân Israel đã lên kế hoạch tấn công vào các cơ sở hạ tầng hạt nhân và một số căn cứ quân sự được cho là sẽ đe dọa an ninh của quốc gia này.
Tuy nhiên, vào thời điểm quyết định khi người Israel có ý định phát động một cuộc tấn công vào Iran, mọi thứ đột nhiên dừng lại, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không ủng hộ một kịch bản như vậy; và kết quả là thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ, Iran và nhóm P5+1 được ký kết. Chính thỏa thuận này đã cứu Iran khỏi cuộc tiến công của Israel.
Còn bây giờ, thỏa thuận hạt nhân đang đứng trên bờ vực phá sản, mặc dù Iran vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận, bất chấp việc Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp định, nhưng thỏa thuận này hiện rất mong manh, trên bờ đổ vỡ và tất nhiên, điều này giúp Iran tự do phát triển chương trình hạt nhân.
Thời gian qua, nhiều sự kiện khiêu khích có thể bùng nổ thành cuộc chiến tổng lực vào Iran bất cứ lúc nào, và người ta thường đặt câu hỏi Iran có phải là thủ phạm gây nên những căng thẳng; vậy vấn đề mấu chốt của những căng thẳng đó do đâu, có lợi cho ai?
Còn tại sao Tổng thống Donald Trump dừng kế hoạch tiến công trừng phạt Iran vì phòng không nước này dám bắn hạ máy bay trinh sát chiến lược tầm cao của Mỹ; không vì điều gì cả, mà chỉ vì Iran có hệ thống phòng không hiện đại hơn nhiều so với thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Kế hoạch tiến công Iran của Israel có thể 5 năm trước thì phù hợp, còn hiện tại thì không; lý do vào thời điểm đó, Iran không có các tổ hợp phòng không hiện đại S-300 và khi đó Iran cũng mới chỉ chế tạo được các hệ thống phòng không tầm thấp; nhưng bây giờ, không phận của họ được bao phủ bởi một hệ thống phòng không nhiều lớp, nghĩa là họ có các tổ hợp phòng không tầm thấp, tầm trung và tầm cao.
Hiện nay Iran đang sở hữu có các tổ hợp phòng không hiện đại S-300 do Nga sản xuất. Ảnh: AP.
Bên cạnh đó là điều kiện địa lý là yếu tố bất lợi, khiến cho việc triển khai kế hoạch tiến công bằng lực lượng không quân của Israel vào Iran khó thành công, vì lãnh thổ Iran cách quá xa Israel; để tiến công Iran, lực lượng không quân Israel phải vượt qua không phận Syria, Jordan và Iraq.
Khi Israel huy động một lực lượng lớn như vậy, với những hệ thống radar hiện đại, Iran không khó để phát hiện một cuộc tập kích đường không vào lãnh thổ của họ. Nên nhớ trong quá khứ, không quân Mỹ đã thất bại trong việc giải cứu con tin trong chiến dịch đường không “Móng vuốt đại bàng” đầy tai tiếng.
Lực lượng có khả năng tiến công Iran có hiệu quả nhất, đó chính là lực lượng tên lửa đạn đạo của Israel, nhưng hiện tại lực lượng này của Israel quá mỏng, khó đủ sức răn đe Iran.
Một vũ khí mà Israel có thể tiến công Iran từ xa nữa đó chính là các loại tên lửa hành trình của nước này, nhưng tên lửa hành trình dễ bị Iran bắt bài và đánh bại, mặt khác Israel vẫn phải mượn không phận Iraq và Syria, nhưng điều đó là hoàn toàn không thể; do vậy cơ hội mà Israel sẽ tấn công là vô cùng nhỏ, gần bằng không.
Do vậy hiện tại chỉ quân đội Mỹ mới đủ lực lượng để tiến công trên toàn lãnh thổ Iran; nhưng với sự chuẩn bị sẵn sàng của Iran, nếu cuộc tấn công xảy ra, nó sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, kể cả đối với người Mỹ.