Son Heung-min đang ở trong những ngày tháng đẹp nhất sự nghiệp. Chân sút 25 tuổi người Hàn Quốc đã có chuỗi 4 trận liền ghi bàn cho Tottenham và mùa này, Son đã làm rung lưới đối phương tổng cộng 8 lần: 5 ở Premier League và 3 ở Champions League.
Nhưng ở những ngày đỉnh cao, fan của Son và người hâm mộ bóng đá Hàn Quốc đang cảm thấy lo lắng cho tương lai của cầu thủ 26 tuổi. Đàn ông tại Hàn Quốc ai cũng phải đi lính bắt buộc trong 2 năm. Đó là luật bất thành văn. Từ trước tới nay, chỉ có một ngoại lệ duy nhất là Park Ji-sung, anh hùng dân tộc đưa hình ảnh bóng đá Hàn Quốc bay xa khắp thế giới.
Một vài ý kiến cho rằng, để cứu vãn cho sự nghiệp của Son, chính phủ Hàn Quốc nên tạo một cơ chế để Son trả tiền thuế hoặc một khoản đóng góp nào đó, đổi lại sự "tự do". Họ cho rằng, sau Park Ji-sung, Son chính là người thứ hai làm rạng danh Hàn Quốc ở giải đấu hấp dẫn và khắc nghiệt nhất hành tinh.
Zeus, một độc giả của Thời báo Hàn Quốc đã gửi bức thư tới tòa soạn với nội dung: "Chẳng phải tới lúc để chúng ta cùng ngồi lại và tìm ra giải pháp cho Son à? Phục vụ quân đội là nghĩa vụ bắt buộc với bất kỳ nam công dân trưởng thành nào, nhưng vẫn có những hình thức "phục vụ" tổ quốc khác, nhất là với một trường hợp đặc biệt như Son". Độc giả này nhấn mạnh thêm, hỗ trợ tài chính cũng là cách Son giúp quân đội nhà nước đại Hàn thêm hùng mạnh.
Cacao Nibs, một giáo viên bày tỏ quan điểm, nhà nước nên tạo điều kiện để Son gia nhập quân ngũ khi anh này giải nghệ hoặc qua tuổi 35. Người này cũng hiến kế bộ quốc phòng nên xây dựng một cơ chế đặc thù dành cho các VĐV thể thao đỉnh cao, nhất là những cá nhân có tầm ảnh hưởng với khán giả toàn cầu.
Năm ngoái, Son đã vượt qua huyền thoại Cha Bum-kun về số bàn thắng của một cầu thủ Hàn Quốc tại châu Âu. Cụ thể, Son đã ghi 25 bàn trong mùa giải 2015/16, trong khi kỷ lục cũ của Cha là 19 bàn ở mùa giải 1985/86 khi ông chơi tại Bundesliga.
Son cũng là cầu thủ châu Á đầu tiên được bầu chọn là cầu thủ hay nhất tháng Premier League (tháng 09/2016). Trong một cuộc khảo sát mới nhất của Gallup, Son là VĐV Hàn Quốc có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong xã hội. 38,1% trong 1700 người được hỏi chọn Son là gương mặt thể thao của Hàn Quốc, vượt xa Kim Yu-na và Ryu Hyun- jin.
Tuy nhiên, một đám đông dư luận không đồng tính với ý kiến này. Họ chỉ ra, chính phủ đã có một dự thảo dành cho các nam VĐV. Trong đó ghi rõ rằng, nếu cá nhân đó đạt được một thành tích ở cấp Olympics thì sẽ được miễn tham gia nghĩa vụ quân sự. "Và cậu ta đã bỏ lỡ nó rồi còn gì, tại sao cần tiền lệ?", một blogger cho hay.
Nói rõ hơn, thì Bộ quốc phòng đã chú thích rất rõ nếu giành HCV Thế vận hội hoặc một thành tích tương đương, cá nhân đó sẽ không phải nhập ngũ.
Năm 2012, tại Olympics London, toàn bộ thành viên đội U23 Hàn Quốc đoạt huy chương đồng được miễn nghĩa vụ. Ở đây là những người chơi ở trận tranh hạng ba gặp Nhật Bản. Son năm ấy lại đang chơi cho Hamburg và từ chối phục vụ ĐTQG vì trùng lịch thi đấu của mùa giải bóng đá châu Âu.
"Cậu ta đã được trao cơ hội nhưng không thèm đón nhận, đề nghị nhà nước thực hiện nghiêm hiến pháp", Srini Vasa, một bác sỹ người CH Czech định cư tại Hàn Quốc chia sẻ.
Một "đường thoát" khác của Sơn Heung-min là quay về khoác áo CLB quân đội Sangju Sangmu, nhưng đội bóng này về bản chất vẫn chỉ hoạt động bán thời gian, tức là cầu thủ phải sinh hoạt tập trung: Sáng tập bắn súng, chiều đá bóng.