Ảnh: Dy Khoa.
Sau khoảng hai năm bị chôn chân ở nhà do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thị trường du lịch toàn cầu bùng nổ. Tình trạng quá tải hàng không diễn ra trên khắp thế giới. Lưu lượng vận tải tăng cao hơn so với dự đoán trước đó. Thậm chí, một trong những sân bay lớn nhất châu Âu và quy mô hành khách qua cảng thuộc hàng lớn nhất thế giới là London Heathrow (Anh) đã yêu cầu dừng bán vé.
Lượng khách hàng không qua cảng Tân Sơn Nhất tăng cao trong đợt cao điểm du lịch hè. Riêng tháng 6, toàn thị trường hàng không nội địa đã phục vụ 5 triệu khách. Trong ảnh là tàu bay của Vietravel Airlines tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Dy Khoa.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), ngành công nghiệp hàng không toàn cầu được dự báo sẽ lỗ ròng chỉ ở mức 1,2% doanh thu trong năm nay và sẽ có lãi ngay vào năm sau, trong bối cảnh hoạt động du lịch hàng không tiếp tục phục hồi mạnh mẽ hơn so với các dự báo được đưa ra trước đó.
Tại Việt Nam, xu hướng dịch chuyển sau hai năm "ai ở đâu ở yên đó" đã thể hiện rõ trong những ngày gần đây. Lượng hành khách tại các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài liên tục quá tải. Nhiều khách chờ cả tiếng mới được hoàn tất thủ tục hàng không. Khách nhập cảnh cũng chờ khoảng thời gian tương tự để có dấu nhập cảnh từ lực lượng chức năng.
Các địa phương nổi tiếng về du lịch trên cả nước đều đón khách rất đông, gồm cả khách nội địa và quốc tế. Chỉ riêng trong tuần Festival Huế 2022 (25/6 – 30/6), tổng số du khách đến Thừa Thiên Huế ước đạt 180.000 lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 155 tỷ đồng. Ảnh: Dy Khoa
Hội An cũng bắt đầu hồi sinh sau đại dịch. Ảnh: Dy Khoa.
Lãnh đạo TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, vào ngày cao điểm, Hội An đón tới 10.000 lượt khách tham quan. Ảnh: Dy Khoa.
Theo báo cáo mới đây của Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường hành khách đạt 23,3 triệu khách, tăng 74,2% so cùng kỳ năm 2021 và bằng 60% so cùng kỳ 2019, trong đó thị trường nội địa đạt 20,8 triệu khách, tăng 58,4% so cùng kỳ 2021 và tăng 12% so cùng kỳ năm 2019.
Thị trường nội địa tháng 6/2022 đạt 5 triệu khách, tăng 20,9% so tháng 5/2022 và tăng 38,8% so tháng 6/2019 (tháng cao điểm hè trước khi xảy ra dịch COVID-19). Hệ số sử dụng ghế trên các đường bay nội địa trong tháng 6/2022 đều rất cao, đạt từ 85% đến 87% tùy hãng.
"Điều này cho thấy, đến thời điểm hiện tại, thị trường hàng không nội địa đã hoàn toàn hồi phục và có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II/2022", báo cáo của cục này cho biết.
Một quán cà phê ở Hà Nội. Ảnh: Dy Khoa.
Theo dữ liệu từ công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam (đối với hàng không và cơ sở lưu trú) đang tăng rất nhanh, được xếp vào nhóm tăng cao nhất trên thế giới.
Các thị trường đang tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam là Mỹ, Singapore, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Đức, Thái Lan, Canada, Anh. Các điểm đến của Việt Nam được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất là TP HCM, Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Huế, Quy Nhơn.
Hàng không, du lịch phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ
Cụ thể, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không đến Việt Nam từ tháng 3/2022 đã không ngừng tăng lên, lượng tìm kiếm đầu tháng 4 đạt mức tăng 663% và tới giữa tháng tăng 720% so với cùng kỳ năm ngoái. Tới cuối tháng 4/2022, lượng tìm kiếm hàng không tới Việt Nam đã chạm mốc 1.114% và tiếp tục tăng cao trong tháng 5, thời điểm cao nhất tăng tới 2.000% so với cùng kỳ năm 2021.
Về lượng tìm kiếm cơ sở lưu trú tại Việt Nam, mức tăng từ đầu tháng 4/2022 đến giữa tháng 5/2022 đã tăng hơn 4 lần. Cụ thể, thời điểm ngày 1/4/2022, lượng tìm kiếm tăng 103% so với cùng kỳ năm 2021, đến giữa tháng 5 đạt mức tăng 450% và tiếp tục duy trì ở mức cao.
Biển An Bàng (Hội An, Quảng Nam). Ảnh: Dy Khoa.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trở lại trong tháng 5/2022, đạt 172,9 nghìn lượt người, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 365,3 nghìn lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo trang phân tích số liệu hàng không OAG, Việt Nam nằm trong top 10 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi mạnh mẽ nhất thế giới, bên cạnh Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Brazil, Mexico và Canada. Chỉ trong tháng 6/2022, các hãng hàng không tại Việt Nam đã cung ứng ra thị trường hơn 5,8 triệu ghế trên các chặng nội địa, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng lượng ghế cung ứng nội địa và quốc tế của Việt Nam đạt hơn 6,5 triệu ghế, xếp thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia đạt hơn 9,6 triệu ghế. Nếu Indonesia được đánh giá là thị trường hàng không lớn nhất Đông Nam Á thì Việt Nam là quốc gia phục hồi mạnh nhất.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia sở hữu nhiều chặng bay nội địa bận rộn nhất trong khu vực, có thể kể đến vị trí đầu tiên là chặng TP HCM – Hà Nội, theo sau là các chặng Đà Nẵng – Hà Nội, Đà Nẵng – TP HCM, Phú Quốc – Hà Nội, Phú Quốc – TP HCM. Chặng bay giữa Hà Nội và TP HCM cũng là chặng bay nội địa bận rộn thứ hai trên toàn thế giới trong tháng 6/2022.
Ấn Độ là thị trường mới đầy tiềm năng của hàng không Việt Nam. Trong ảnh là TP Ahmedabad (Ấn Độ). Ảnh: Dy Khoa.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, có hơn 30 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines) khai thác 96 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 21 quốc gia/vùng lãnh thổ. Trong đó, các hãng Việt Nam đã khai thác 68 đường bay quốc tế đến 16 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Thị trường Ấn Độ được coi là một thị trường mới đầy tiềm năng của du lịch Việt Nam. Vietjet Air, Vietnam Airlines của Việt Nam và IndiGo, Spice Jet của Ấn Độ đã khai thác trở lại đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Đặc biệt, Vietjet Air đã được cấp quyền vận chuyển hàng không để khai thác mới hơn 20 đường bay từ các điểm tại Việt Nam là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc tới các điểm mới tại Ấn Độ là Bangalore, Hyderabad, Ahmedabad, Chennai, Kolkata, Gaya đồng thời tăng tần suất khai thác đến Delhi và Mumbai để khai thác ngay từ tháng 7/2022.