Theo đó, sau khi đã chuẩn bị mặt bằng thi công phá dỡ, căn cứ vào tình hình thực tế, dự kiến sẽ huy động nhiều phương tiện vận chuyển, tháo dỡ chuyên dụng.
Cơ quan chức năng cũng dự kiến huy động từ 30 đến 40 người tổ chức 2 mũi thi công (mũi 1 bên phía huyện Lâm Thao xử lý nhịp 1-5, mũi 2 bên phía huyện Tam Nông xử lý nhịp số 8), tùy theo điều kiện thực tế thi công phá dỡ sẽ huy động thêm nhân lực để đảm bảo tiến độ.
Hiện tại, mặt cầu nhịp số 5 (N5) đã bị nghiêng ra ngoài phía lòng sông Hồng (có dấu hiệu trụ T6 bị sụt lún). Các nhịp cầu số 4, 3, 2 có dấu hiệu bị vặn, nghiêng theo chiều dòng chảy của sông Hồng, các khe co giãn (nối giữa các nhịp cầu) bị giãn ra nhiều so với thiết kế ban đầu. Về thời gian, tiến độ thi công dự kiến từ công tác chuẩn bị mặt bằng thi công đến khi kết thúc hoàn trả mặt bằng, nghiệm thu bàn giao hoàn thành công tác phá dỡ tại hiện trường khoảng 45 ngày.
Theo Sở GTVT tỉnh Phú Thọ, kinh phí thực hiện dự kiến chi để tháo dỡ phần còn lại của cầu Phong Châu là gần 8,5 tỷ đồng, được tính toán trên cơ sở dự tính thời gian và khối lượng thực hiện; số lượng nhân lực, máy móc, thiết bị triển khai thực tế tại hiện trường theo định mức, đơn giá theo quy định, một số định mức dự toán do Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đề xuất.
Trước đó, tại cuộc họp báo cáo về tình hình triển khai dự án xây dựng cầu Phong Châu mới của tỉnh Phú Thọ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng lại cầu Phong Châu là nhiệm vụ cấp bách, phải thực hiện khẩn trương, "áp dụng cơ chế đặc thù, lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng cầu Phong Châu nhanh nhất, bảo đảm an toàn, chất lượng".
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, nếu thực hiện theo trình tự thủ tục đầu tư xây dựng công trình trong tình huống khẩn cấp, dự kiến trong tháng 12-2024, Bộ GTVT sẽ hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, chỉ định nhà thầu, khởi công dự án, trong đó hoàn thành công tác khảo sát, thiết kế, thi công trụ cầu trước tháng 4-2025.