Chiều tối 24/8, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (số 3 Lê Trực, TP Huế),Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày với chủ đề "Từ Musée Khải Định đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế". Hoạt động diễn ra nhân sự kiện Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tròn 100 năm hình thành và phát triển.
Musée Khải Định được thành lập năm 1923 theo chỉ dụ ngày 17/8/1923 của Hoàng đế Khải Định và Nghị định số 1201 của Khâm sứ Trung Kỳ P. Pasquier ký ngày 24/8/1923 với nhiệm vụ sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đầy đủ đời sống kinh tế, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam, dùng điện Long An làm trụ sở. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, Musée Khải Định đã nhiều lần được đổi tên và từ năm 2007 đến nay có tên gọi là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện đang trưng bày và bảo quản hơn 11.000 hiện vật, phần lớn có xuất xứ từ cung đình triều Nguyễn. Trong đó, có 8 hiện vật/bộ hiện vật với 33 hiện vật đơn lẻ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Năm 2023 là năm đánh dấu chặng đường 100 năm Musée Khải Định – Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Nhân dịp này, trưng bày chuyên đề về cổ vật được tổ chức đã giới thiệu đến công chúng 100 hiện vật tiêu biểu thời Khải Định, thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Các cổ vật trưng bày được làm từ những chất liệu quý hiếm với nhiều mô típ trang trí, tạo hình khác nhau.
Đây là những báu vật vô giá không chỉ chứa đựng giá trị về mặt lịch sử, văn hóa nghệ thuật của một thời đại mà còn phản ánh tài nghệ khéo léo của các nghệ nhân cung đình triều Nguyễn.
"An dân bảo kiếm" được làm từ sắt, vàng, đồi mồi, đá quý.
Thanh kiếm với hoa văn hết sức tinh xảo. Trên chuôi kiếm có 2 dòng chữ "An dân bảo kiếm" và "Khải Định niên tạo" (tạo tác năm Khải Định).
Các ấn tín bạc mạ vàng được đúc dưới thời vua Khải Định.
Bộ bình và khay bạc mạ vàng; Bộ chén và khay làm từ ngọc và vàng niên hiệu Khải Định.
Gắp và thìa bằng vàng tay cầm chạm nổi 2 chữ Hán "Khải Định".
Trấn phong bằng vàng và bạc niên hiệu Khải Định thứ 9 năm 1924.
Tráp gỗ làm bằng đồi mồi, gỗ và kim loại. Dưới đáy tráp có dòng chữ Hán "Khải Định niên tạo".
Bộ đồ rượu được làm từ bạc.
Hộp đựng thẻ bài với hoa văn chạm khắc tinh xảo, niên hiệu Khải Định thứ 2 năm 1917.
Bộ chén dĩa ngọc bịt vàng.
Tiền thường Khải Định bảo giám.
Trưng bày chuyên đề được tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách, các nhà nghiên cứu, những người đam mê tìm hiểu về cổ vật... Nhiều người tỏ ra vô cùng thích thú bởi không phải khi nào cũng có cơ hội để được tận mắt chiêm ngưỡng những báu vật vô giá có nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hóa nghệ thuật của một thời đại. Hoạt động trưng bày sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến hết ngày 23/11/2023.