Du học sinh Trung Quốc 'vỡ mộng' khi về nước tìm việc, bị nhà tuyển dụng từ chối thẳng thừng: 'Đừng lừa tôi bằng tấm bằng này'

Hồng Nhung |

Ở Trung Quốc trước đây, vô số bậc phụ huynh và học sinh tin rằng chỉ cần đi du học và trở lại với tư cách “người về nước” thì sẽ có thể tìm được công việc tốt dễ dàng.

Chính vì suy nghĩ này, nhiều cha mẹ dù điều kiện không mấy khá giả vẫn “nghiến răng” gửi con ra nước ngoài với mong muốn con họ có thể phát triển tốt ở đất nước tỷ dân này sau khi tốt nghiệp trở về.

Tuy nhiên, với sự phát triển của toàn cầu hóa kinh tế và trình độ học vấn của người dân không ngừng được nâng cao, nhiều người có quan điểm khác nhau về sự cần thiết của việc đi du học. Đặc biệt là khi du học sinh hiện nay gặp nhiều trở ngại sau khi tốt nghiệp về nước.

Du học sinh Trung Quốc vỡ mộng khi về nước tìm việc, bị nhà tuyển dụng từ chối thẳng thừng: Đừng lừa tôi bằng tấm bằng này  - Ảnh 1.

"Đừng lừa tôi bằng tấm bằng này"

Anh Men vốn là một sinh viên đại học. Sau khi tốt nghiệp, anh muốn thi vào nghiên cứu sinh nên bố mẹ khuyên Men chọn đi du học để học tiếp. Bố mẹ Men đang điều hành công việc kinh doanh, có điều kiện để hỗ trợ Men nên anh đã nghe theo lời khuyên này.

Trong 3 năm, học phí cùng với chi phí sinh hoạt hàng ngày tổng cộng là 360.000 NDT, một số tiền không quá lớn với khả năng tài chính của gia đình anh. Tuy nhiên, sau khi trở về Trung Quốc, anh Men cảm thấy hối hận vì không thể tìm được công việc ổn định như mong muốn.

Men tìm những công việc trong lĩnh vực máy tính mà anh yêu thích. Dù tốt nghiệp chuyên ngành máy tính nhưng chàng trai không ngờ yêu cầu tuyển dụng công việc lại cao như vậy. Những kỹ năng của anh không đủ để đáp ứng yêu cầu của công ty, và như vậy càng không thể được nhận ở doanh nghiệp lớn.

Du học sinh Trung Quốc vỡ mộng khi về nước tìm việc, bị nhà tuyển dụng từ chối thẳng thừng: Đừng lừa tôi bằng tấm bằng này  - Ảnh 2.

Trong quá trình tìm việc, anh Men cũng gặp không ít trở ngại: công ty anh ưng ý thì không tuyển, công ty nhận anh lại không đáp ứng được tâm lý mong đợi của anh Men… Cuối cùng, một câu trả lời từ người tuyển dụng càng khiến anh tuyệt vọng hơn.

“Đừng có lừa chúng tôi bằng kiểu giáo dục này”. Trước đó, khi viết sơ yếu lý lịch, Men đã ghi kinh nghiệm đi du học nhưng mục “thành tích” lại bỏ trống. Có thể dễ dàng thấy doanh nghiệp coi trọng điều gì khi tuyển dụng nhân sự. Không phải trình độ học vấn cuối cùng bạn đạt được, mà là những thành tựu bạn đã đạt được trong quá trình du học.

Lúc này, Men chỉ còn biết hạ thấp tiêu chuẩn xin việc của mình để có được việc làm. Anh chấp nhận vị trí nhân viên của một công ty bình thường và hối hận khi chọn con đường du học.

Du học là con đường “dát vàng” nhưng kết quả thế nào phụ thuộc vào năng lực của chính sinh viên

Trên thực tế, không thể phủ nhận rằng du học thực sự phổ biến bởi đó là một cách hiệu quả để mọi người nâng cấp bản thân, như cách người Trung Quốc từng gọi du học là quá trình “mạ vàng”. Nhưng cuối cùng có thực sự được “mạ vàng”, đạt được thành công hay không lại phụ thuộc vào chính khả năng của sinh viên.

Du học sinh Trung Quốc vỡ mộng khi về nước tìm việc, bị nhà tuyển dụng từ chối thẳng thừng: Đừng lừa tôi bằng tấm bằng này  - Ảnh 3.

Mỗi học sinh trước khi đi du học đều có những mục đích khác nhau. Có người chỉ quan tâm đến trình độ học vấn cuối cùng đạt được. Họ cảm thấy chỉ cần có kinh nghiệm như vậy từng du học nước ngoài thì có thể thành công được doanh nghiệp ghi nhận.

Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của xã hội hiện nay và áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, nhiều công ty khi tuyển dụng nhân tài sẽ có xu hướng rất thực tế đó là không chọn thuê sinh viên từ nước ngoài trở về.

Vì vậy, du học nước ngoài không có nghĩa sinh viên sẽ giỏi hơn những người chưa từng đi du học. Cơ hội việc làm chủ yếu phụ thuộc vào những gì bạn đạt được trong quá trình du học. Bạn có đang lãng phí thời gian ở nước ngoài không hay đang trân trọng thời gian và phấn đấu để hoàn thiện bản thân, các doanh nghiệp đều dễ dàng thấy được

Kết lại

Cơn sốt du học những năm gần đây vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Lựa chọn đi du học hay không, học sinh phải căn cứ vào thực lực kinh tế và năng lực của bản thân để lựa chọn. Đi nước ngoài không phải là chuyện nhỏ, đó là một bài kiểm tra khả năng thích ứng và học tập của mỗi người.

Không ra nước ngoài không có nghĩa bạn sẽ không thể phát triển tốt. Tất cả phụ thuộc vào nỗ lực của bản thân sinh viên, có trân trọng quãng thời gian học đại học hay không, có kế hoạch chi tiết cho sự phát triển trong tương lai hay không, đó mới là điều quan trọng nhất.

Theo 163

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại