Sự kiện 11/09 là vụ tấn công nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người dân thường vô tội. Đồng thời, nó còn khiến hàng nghìn nạn nhân trên khắp nước Mỹ phải chịu nhiều di chứng nặng nề về sức khỏe.
Trong sự kiện chấn động ấy, biết bao con người, bằng khả năng và sự dũng cảm của mình đã góp phần giảm thiểu những thiệt hại và cứu sống hàng nghìn sinh mạng của người dân vô tội.
Trong đó, chắc chắn, không ai có thể quên 6 anh hùng mang trái tim vĩ đại, dám xả thân để cứu giúp đồng loại giữa cơn nguy khốn dưới đây.
1. Chàng thanh niên làm nghề giao dịch cổ phiếu giúp hàng chục người dân thoát khỏi tòa tháp sắp sập
Chỉ vài phút sau khi chiếc máy bay mang số hiệu United Airlines Flight 175 đâm vào tòa tháp phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center), chàng thanh niên 24 tuổi Welles Crowther đã gọi điện cho mẹ mình và bình tĩnh để lại lời nhắn: "Mẹ, là con Welles đây. Con muốn mẹ biết rằng con vẫn ổn".
Lúc ấy, anh Crowther đang làm công việc giao dịch viên chứng khoán cho công ty Sandler O’Neil and Partners tại tầng 104 của tòa nhà này.
Chàng thanh niên giúp hàng chục người dân thoát khỏi tòa tháp sắp sập.
Sau khi gọi điện cho mẹ, chàng trai trẻ đã cùng đồng nghiệp sơ tán xuống khu vực bên dưới trước khi gặp một nhóm gần 200 người đang chờ được cứu tại đại sảnh tầng 78 của tòa nhà.
"Do từng tham gia đội cứu hỏa tình nguyện nên Crowther quyết định mạo hiểm tính mạng để giúp đỡ những người bị thương sơ tán khỏi tòa nhà. Anh ấy còn kêu gọi tất cả hãy tự đứng lên nếu còn có thể và cùng nhau ứng cứu đám đông xung quanh", một nhân chứng kể lại.
Thậm chí, anh Crowther cũng tự mình cõng ít nhất 18 người bị thương, hỗ trợ hàng chục người khác tới nơi an toàn trước khi chính bản thân bị chôn vùi vào thời điểm tòa tháp phía Nam bất ngờ sụp xuống.
Anh Crowther đã anh dũng hy sinh ngay khi tòa tháp phía Nam bất ngờ sụp xuống.
Do tình hình hỗn loạn nên không mấy ai nhìn rõ khuôn mặt của anh Crowther, thế nhưng họ đều nhận ra tấm vải mà anh dùng để bảo vệ hệ hô hấp trước khói bụi dày đặc. Và họ đã gọi anh là ‘người mang khăn bandana đỏ’.
"Anh ấy là thiên thần họ mệnh của tôi, bởi nếu không có anh ấy thì tôi cùng nhiều người khác sẽ vẫn ngồi chờ tới tận khi tòa tháp sụp đổ", cô Ling Young - một nạn nhân được anh anh Crowther cứu sống cho biết.
Tới tận ngày 19/03/2002, thi thể của chàng trai dũng cảm mới được tìm thấy bên dưới đống đổ nát của tòa tháp phía Nam, nằm cạnh nhiều nhân viên cứu hỏa đã anh dũng hi sinh.
2. Những hành khách trên chuyến bay United Airlines Flight 93 giành quyền kiểm soát từ tay kẻ không tặc, cứu sống tính mạng của hàng trăm người dân tại khu vực thủ đô nước Mỹ
Khoảng 9 giờ 28 phút sáng ngày 11/09/2001, chuyến bay mang số hiệu United Airlines Flight 93 đã bị chiếm quyền kiểm soát bởi bốn tên không tặc của tổ chức khủng bố al-Qaeda.
"Sau khi dùng dao đâm chết cơ trưởng cùng một tiếp viên hàng không, chúng tuyên bố phương tiện này đang có bom hẹn giờ và thông báo chuyến bay sẽ được quay trở lại nơi vừa cất cánh", một nhân chứng nói.
Những hành khách trên chuyến bay United Airlines Flight 93 giành quyền kiểm soát từ tay kẻ không tặc.
Nhưng sau khi nhận được thông tin về việc hai chiếc máy bay khác đã đâm sầm vào hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới thì nhiều người mới bắt đầu phán đoán về những gì sắp xảy ra.
Họ quyết định phải ngăn chặn ngay sự việc đó lại. Và bốn hành khách dũng cảm, bao gồm anh Tom Burnett, anh Mark Bingham, anh Jeremy Glick và anh Todd Beamer liền đứng lên huy động các hành khách xung quanh bằng giọng điệu đanh thép.
"Mọi người sẵn sàng chưa? Được rồi, hãy bắt đầu nào", đó là những lời cuối cùng mà anh Todd Beamer nói trước lúc cùng một vài cá nhân tấn công vào buồng lái.
40 hành khách cùng phi hành đoàn dũng cảm trên chuyến bay đã mãi mãi ra đi.
Nhờ hành động dũng cảm này mà chiếc máy bay United Airlines Flight 93 đã lao xuống một cánh đồng trống gần thị trấn Shanksville, bang Pennsylvania thay vì mục tiêu dự kiến của những kẻ khủng bố là Nhà Trắng hoặc Tòa nhà Quốc hội tại thủ đô Washington D.C.
Hàng trăm người, trong đó có cả nhiều thành viên quan trọng của chính phủ Mỹ được cứu sống – thế nhưng 40 hành khách cùng phi hành đoàn dũng cảm trên chuyến bay lại mãi mãi ra đi.
3. Hai tiếp viên hàng không trên chuyến bay American Airlines Flight 11 đã thông báo tin tức về những kẻ không tặc, giúp FBI nhanh chóng xác định được chủ mưu là al-Qaeda
Khoảng 15 phút sau khi cất cánh từ Sân bay Quốc tế Logan, thành phố Boston, Massachusetts thì chuyến bay mang số hiệu American Airlines Flight 11 đã bị năm kẻ không tặc chiếm quyền kiểm soát.
Chúng nhanh chóng dồn toàn bộ hành khách cùng phi hành đoàn về phần đuôi của chiếc phi cơ, sau đó chuyển hướng đi về phía thành phố New York mà cụ thể là tòa tháp phía Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới.
Chân dung hai tiếp viên hàng không dũng cảm trên chuyến bay American Airlines Flight 11.
Thông qua hệ thống điện thoại còn hoạt động, hai nữ tiếp viên hàng không là cô Betty Ong và cô Amy Sweeney đã bình tĩnh thông báo với các đồng nghiệp trên mặt đất về những gì đang xảy ra.
"Được rồi, tên tôi là Betty Ong. Tôi là tiếp viên số 3 trên chuyến bay Flight 11. Buồng lái không trả lời điện thoại và có người vừa bị đâm bằng dao trong khoang hạng thương gia. Một số kẻ có vũ khí đã chiếm quyền kiểm soát của chiếc máy bay".
Ngoài ra, họ còn thay phiên nhau cập nhật thông tin về số ghế cũng như đặc điểm ngoại hình của những kẻ không tặc bằng giọng nói vô cùng điềm đạm.
Nhờ hai tiếp viên dũng cảm thông báo tin tức về những kẻ không tặc mà FBI mới nhanh chóng xác định được chủ mưu là al-Qaeda.
Nhờ sự dũng cảm của cô Betty Ong và cô Amy Sweeney, phía hãng hàng không American Airlines mới thu được đầy đủ chi tiết về năm kẻ không tặc ít nhất 20 phút trước khi chúng cho chiếc máy bay đâm thẳng vào tòa tháp phía Bắc.
Điều đó giúp cơ quan điều tra liên bang FBI có khởi đầu thuận lợi trong quá trình điều tra nhằm xác định tổ chức khủng bố đứng sau chỉ đạo vụ tấn công kinh hoàng này.
4. Ông Rick Rescorla đã chỉ đạo công tác sơ tán tại tòa tháp phía Nam, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng cho hơn 2.700 người
Trước khi nhận công việc trưởng bộ phận bảo an cho hãng Morgan Stanley, ông Rick Rescorla từng tham gia chiến tranh với vai trò binh lính phục vụ cho cả quân đội Anh Quốc lẫn quân đội Mỹ.
Xuất ngũ, ông đạt quân hàm Đại tá và nhận được nhiều huân huy chương các loại nhờ vào sự chiến đấu dũng cảm của mình.
Ông Rick Rescorla đã chỉ đạo công tác sơ tán tại tòa tháp phía Nam.
Khi chiếc máy bay đầu tiên bị không tặc cho đâm vào tòa tháp phía Bắc, ông Rescorla đang làm việc tại tầng 44 của tòa tháp phía Nam và được cơ quan chức năng yêu cầu ngăn mọi người sơ tán.
Thế nhưng, với kinh nghiệm của mình thì ông Rescorla đã tiên đoán trước tình huống xấu nhất có thể xảy ra và lập tức hướng dẫn mọi người cách rời khỏi tòa nhà.
"Tất cả sẽ sụp xuống, đồng thời còn kéo theo cả tòa nhà này cũng đổ sập theo nữa. Tôi sẽ giup đám đông vô tội trốn thoát", ông Rescorla chia sẻ qua điện thoại với một người bạn thân ngay thời điểm xảy ra vụ khủng bố.
Sau khi sơ tán thành công hơn 2.700 người thì ông Rescorla đã tiếp tục quay trở lại nhằm cứu thêm các nạn nhân khác.
Nhờ thường xuyên tổ chức quy trình huấn luyện trong trường hợp khẩn cấp cho đội ngũ nhân viên của công ty nên chỉ sau chưa đầy 16 phút, ông Rescorla đã giúp hơn 2.700 người có mặt tại khu vực do mình quản lý rời đi an toàn – ngay trước khi nó bị tấn công bởi chiếc máy bay thứ hai.
Trong quá trình sơ tán, người cựu chiến binh cũng không quên xốc lại tinh thần của đám đông bằng việc hát lên những ca khúc "God Bless America" và "Men of Harlech" thông qua loa phóng thanh.
Giữa các bài hát, ông Rescorla vẫn tranh thủ gọi điện cho vợ để thông báo tình hình: "Đừng khóc nữa. Anh phải đưa họ tới chỗ trú ẩn ngay bây giờ. Nếu chẳng may có mệnh hệ gì thì anh muốn em biết rằng giây phút hạnh phúc nhất đời anh là được ở bên cạnh và nói lời yêu em".
Thi thể của ông đã mãi mãi nằm sâu dưới nhiều lớp đất đá, không bao giờ có thể tìm thấy nữa.
Không những thế, sau khi sơ tán thành công hơn 2.700 người thì ông Rescorla đã tiếp tục quay trở lại nhằm cứu thêm các nạn nhân khác – ngay trước khi tòa tháp phía Nam này sụp đổ.
"Tôi sẽ sơ tán khi chắc chắn tất cả đều an toàn" – đó là lời cuối cùng mà người cựu chiến binh nói với đồng nghiệp trước thời điểm hy sinh. Và thi thể của ông cũng mãi mãi nằm sâu dưới nhiều lớp đất đá, không bao giờ có thể tìm thấy nữa...
5. Hai chiếc máy bay F-16 không trang bị vũ khí đã cất cánh, sẵn sàng hy sinh nhằm ngăn chặn bất kỳ vật thể nào đe dọa tới sự an toàn của Thủ đô Washington D.C.
Sau khi nhận được những thông tin rời rạc về việc hai chiếc phi cơ thương mại đâm thẳng vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố New York, lực lượng Phòng vệ Quốc gia đóng tại Thủ đô Washington D.C. đã nhanh chóng hành động.
Thế nhưng, trước ngày 11/09/2001 thì không phận này hoàn toàn không được bảo vệ bởi máy bay trang bị vũ khí và việc lắp đặt khẩn cấp chúng có thể tiêu tốn tới hàng chục phút.
Hai người lính sẵn sàng hy sinh để bảo vệ sự an nguy của Thủ đô Washington D.C.
Không có thời gian chờ đợi, Đại tá Không quân ông Marc Sasseville đã cùng hạ cấp của mình điều khiển hai chiếc F-16 xuất kích nhằm ngăn cản chiếc phi cơ thương mại United Airlines Flight 93 đang tiến về phía đô Washington D.C. với lựa chọn duy nhất là tấn công cảm tử.
"Chúng tôi phải bảo vệ không phận này bằng mọi giá. Nhưng do chẳng thể nào sử dụng vũ khí nên lựa chọn duy nhất là đâm thẳng vào nó. Về cơ bản thì đó là một nhiệm vụ cảm tử", Thiếu tá Không quân cô Heather Penney nhớ lại.
Rất may là chiếc phi cơ Flight 93 lại bị các hành khách giành quyền khống chế rồi lao thẳng xuống một cánh đồng cách thủ đô Washington D.C. khoảng 20 phút bay. Bởi vậy, hai viên phi công quân đội dũng cảm mới không phải thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm này.
6. Hai sĩ quan Thủy quân lục chiến giải ngũ đã một lần nữa khoác bộ quân phục để tìm kiếm những người còn mắc kẹt dưới đống đổ nát của hai toà tháp
Khi hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới bị tấn công, anh Jason Thomas đang gửi con tới nhà mẹ đẻ của mình tại khu Long Island. Mặc dù đã giải ngũ được khoảng một năm với quân hàm Trung sĩ, song anh này vẫn giữ một bộ quân phục bên trong cốp xe hơi.
Vì thế, lúc nghe tin dữ thì anh Jason không ngần ngại khoác nó thêm một lần nữa rồi lao ngay tới khu Manhattan – vị trí của tòa tháp đôi để ứng cứu mọi người.
"Dù chẳng có kế hoạch gì trong đầu nhưng tôi vẫn lao đến đó ngay, đây là nhiệm vụ mà một người từng là lính Thủy quân lục chiến cần phải làm", anh Thomas nhớ lại.
Hai sĩ quan Thủy quân lục chiến giải ngũ đang tìm kiếm những người còn mắc kẹt dưới đống đổ nát của hai toà tháp.
Cũng trong khoảng thời gian này, anh Dave Karnes đang làm việc bên trong văn phòng công ty tại thị trấn Wilton, bang Connecticut đã nhận được thông tin về vụ khủng bố qua sóng truyền thông.
"Chúng ta đang trong chiến tranh", đó là điều mà người cựu Trung sĩ Thủy quân lục chiến nghĩ đến ngay trước khi đứng dậy, xin nghỉ phép rồi lập tức rời đi. Anh liền thay bộ quân phục cũ và lái xe về phía thành phố New York với tốc độ gần 200km/h.
Tòa tháp bốc cháy ngùn ngụt sau vụ khủng bố kinh hoàng.
Tại đống đổ nát của tòa tháp đôi, anh Karnes và anh Thomas đã có cuộc gặp gỡ. Do cùng chung chí hướng nên hai người quyết định cùng nhau tìm kiếm những nạn nhân còn mắc kẹt dưới đống đổ nát với trang bị vô cùng thô sơ - chỉ bao gồm đèn pin cùng chiếc xẻng quân dụng.
Song hành với lực lượng cứu hộ có mặt ở hiện truờng, họ đã trèo lên khu vực nguy hiểm với kim loại, bê-tông chất chồng kèm khói bụi dày đặc rồi hét lớn: "Thủy quân lục chiến Mỹ! Nếu bạn có thể nghe thấy tiếng chúng tôi, hãy hét lên hoặc ra hiệu bằng tiếng động!".
Họ đã cứu giúp được nhiều nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Nỗ lực của họ được đền đáp khi tại khu vực từng là tòa tháp phía Nam, họ đã nghe thấy tiếng kêu cứu yếu ớt của hai nhân viên cảnh sát là anh William Jimeno và anh John McLoughlin – khi đó đang mắc kẹt bên dưới mặt đất khoảng 6m với những vết thương nghiêm trọng.
Nhờ vậy, hai nhân viên này mới có cơ hội sống sót.
Suốt hơn một tuần sau đó, hai cực chiến sĩ trẻ vẫn tiếp tục ghé tới khu vực hỗn độn ấy để hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn.
Danh tính của họ chỉ được biết tới kể từ khi bộ phim
Danh tính cùng những đóng góp của "cặp bài trùng" hầu như không được dư luận hay biết cho tới khi bộ phim "World Trade Center" chính thức công chiếu vào năm 2006 với nội dung nói về cuộc đấu tranh giành giật sự sống của anh Jimeno và anh McLoughlin dưới đống đổ nát.
Sau khi trở về nhà, anh Karnes quyết định quay trở lại quân ngũ và hai lần nhận nhiệm vụ tham chiến tại Iraq.