Chính sách ràng buộc là chiêu bài tối thâm độc, từ lâu đã được các triều đại phong kiến Trung Quốc áp dụng đối với ngoại tộc. Những chiêu bài chủ yếu của chính sách này phải kể tới hàng loạt các thủ đoạn như trói buộc, giam cầm, khống chế, dụ dỗ...
Chiêu bài đối nội tinh vi của phong kiến Trung Hoa
Kể từ khi nhà Tần thành lập, tộc người Hoa Hạ ở Trung Nguyên ngày càng xâm lấn nhiều vùng biên cương của các dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, một số thủ lĩnh bộ tộc thiểu số có ý đồ ly khai để thoát ly sự thống trị của chính quyền trung ương. Đứng trước tình hình này, triều đình phong kiến Trung Hoa đã khởi xướng và áp dụng chính sách ràng buộc.
Bởi vậy, chính sách bắt đầu manh nha từ khi nhà Tần thống nhất Trung Hoa và tiến hành phân chia quận huyện. Thủ đoạn "ràng buộc" này được duy trì liên tục đến thời Tống – Nguyên và dần biến đổi theo các chế độ chính trị ở những triều đại sau đó.
Đối với Trung Hoa nói riêng, chính sách ràng buộc trước nhất để giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc thiểu số địa phương và chính quyền trung ương.
Cụ thể là ở các khu vực biên cương, triều đình sẽ thi hành cơ cấu chính trị đặc thù trên cơ sở duy trì cơ cấu quản lý cũ ở các địa phương này bằng cách không thay đổi tộc trưởng hay quan địa phương.
Bản chất thâm độc của chính sách ràng buộc nằm ở chỗ, mặc dù không thay đổi vị trí của những người đứng đầu tại địa phương, nhưng chính quyền phong kiến sẽ mua chuộc và điều khiển họ bằng điều kiện tư lợi.
Chiêu bài ràng buộc này đã hoàn toàn mua chuộc được hầu hết những dân tộc đối kháng với triều đình trung ương lúc bấy giờ. (Ảnh minh họa)
Trên thực tế, triều đình phong kiến Trung Hoa không hề chịu thiệt khi thi hành chính sách "ràng buộc". Mặc dù phải bỏ ra vài tước phong, chức quan và chút bổng lộc, nhưng thứ họ thu về lại là số cống phẩm khổng lồ hằng năm và sự ổn định ở biên cương.
Hán triều là triều đại chính thức đầu tiên áp dụng "ràng buộc" như một chính sách thực sự.
Triều đình tiến hành thủ đoạn này bằng cách phong hầu, phong vương cho các thủ lĩnh bộ tộc, dùng vinh hoa và quyền lực để đổi lấy sự phục tùng của chính những người từng bị coi là mầm mống phản loạn.
Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử Trung Hoa, triều đại "cao tay" nhất trong việc tiến hành chính sách thâm độc này phải kể tới Đường triều. Không chỉ "ràng buộc" về chính trị, nhà Đường còn thi hành trói buộc trên nhiều phương diện như kinh tế, văn hóa...
Chính sách ràng buộc của Đường triều lấy chính trị làm mũi nhọn tiến phong, tiến hành theo các khu vực phân chia, sau đó đánh xuống các châu, huyện.
Khi chính trị biên cương ổn định, về phương diện kinh tế, triều đình sẽ xúc tiến mậu dịch với các dân tộc thiểu số, đồng thời tiến hành giao lưu, "khai sáng" về văn hóa.
Đến thời nhà Tống, chính sách ràng buộc căn bản vẫn lấy của nhà Đường làm trụ cột, nhưng tiến thêm một bước, chủ yếu hướng vào việc thiết trí, giám sát.
Chính sách này dần biến đổi bắt đầu từ thời nhà Nguyên do chế độ thổ ty. Cũng kể từ đây, hình thức "ràng buộc" liên tục thay đổi vì những biến đổi về quá trình chính trị.
Cái kết ê chề cho thủ đoạn "ràng buộc" thâm độc
Không chỉ áp dụng với các dân tộc thuộc Trung Hoa, các triều đại phong kiến còn thực hiện "ràng buộc" đi cùng với hình thức xâm lược. Vào thời Bắc thuộc, nước ta cũng trở thành nạn nhân của thủ đoạn thâm độc này.
Vì đặc điểm văn hóa- xã hội ở đất Âu Lạc khác với Trung Nguyên, nên sau khi xâm lược nước ta, chính quyền phương Bắc không thể trực tiếp tiến hành lối thống trị kiểu phong kiến tập quyền mà phải dùng chính sách ràng buộc.
Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, chấm dứt ách thống trị của phương Bắc, đồng thời đánh dấu sự thất bại của hàng loạt những chính sách thâm độc do triều đình phong kiến Trung Hoa áp đặt ở nước ta. (Tranh minh họa).
Đối tượng "ràng buộc" của bọn quan lại phong kiến Trung Hoa chủ yếu là các phần tử quý tộc, các thủ lĩnh đã được phân hóa trong lòng công xã như Lạc hầu, Lạc tướng…
Các quý tộc này một mặt được phong chức tước, mặt khác lại bị chính quyền đô hộ dùng áp bức quân sự và chính trị để ép cống nạp.
Cùng với chính sách đồng hóa, chính quyền phương Bắc áp dụng "ràng buộc" để gây chia rẽ nội bộ dân tộc của các nước bị xâm lược, đồng thời thu về lợi nhuận kinh tế từ những vật phẩm cống nạp.
Vậy nhưng, những thất bại đau thương của chính quyền phương Bắc trước nước ta đã đủ để chứng minh:
Triều đình phong kiến Trung Hoa chỉ có thể áp dụng thành công chính sách này đối với những dân tộc biên thiểu số trong lãnh thổ nước mình, chứ không thể khuất phục một dân tộc yêu nước.