Hiện Bộ GD-ĐT đã công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, theo quy chế tuyển sinh năm nay, thí sinh có thời gian gần 1 tháng từ ngày 22/7-17h ngày 20/8 để đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
Đưa ra dự báo về điểm chuẩn các trường khối ngành xã hội, làm thông tin tham khảo cho thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay không có quá nhiều khác biệt so với năm 2021, một số môn có biến động nhẹ như Tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục công dân. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để thí sinh cân nhắc khi đặt nguyện vọng.
“Năm nay phổ điểm tương đối ổn định, tổng chỉ tiêu các trường cũng không có nhiều khác biệt, tổng số thí sinh về cơ bản cũng ổn định, dự báo mức điểm sàn, điểm chuẩn vào các ngành sẽ không có nhiều xáo trộn, thí sinh có thể tham khảo phổ điểm năm ngoái để đăng ký”, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn thông tin.
Riêng với trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, năm 2022, tổng số chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu vào trường không thay đổi, do đó điểm chuẩn cũng sẽ không có nhiều khác biệt so với năm 2021.
Cũng theo thầy Hoàng Anh Tuấn, những năm gần đây một số ngành “hot” có mức điểm chuẩn khá cao như Hàn quốc học, Nhật Bản học, báo chí truyền thông, tâm lý học, Quản trị lưỡng hành.
“Thí sinh lưu ý, hiện nay tất cả các trường đều đang tư vấn rất tích cực trên fanpage, website nên thí sinh có thể chủ động vào tìm hiểu thông tin tuyển sinh, bên cạnh đó các em cũng có thể gọi điện thoại trực tiếp đến phòng tư vấn tuyển sinh của nhà trường để được tư vấn kịp thời, nhanh nhất”, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội, tất cả các ngành đào tạo đại học chính quy tại trường đều có xét khối D1, tức có sử dụng môn Tiếng Anh, do đó dự đoán điểm chuẩn năm nay có thể giảm so với năm ngoái từ 0,5-1 điểm do phổ điểm môn này giảm so với năm trước.
Ở nhóm ngành sư phạm, PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức thông tin, từ năm 2020, 2021, điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành tại trường khá cao, từ 22 điểm trở lên. Dự báo, năm nay điểm chuẩn của ĐH Hồng Đức có thể từ 22 đến 27-28 điểm, tùy từng ngành.
Song thầy Lê Hoằng Bá Huyền cũng lưu ý rằng, đây chỉ là dự báo ban đầu, còn thực tế điểm chuẩn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của thí sinh.
TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng đào tạo ĐH Nha Trang nhận định, phổ điểm môn Lịch sử năm nay có biến động so với năm trước. Năm 2021, cả nước chỉ có 266 điểm 10 môn Lịch sử, số bài thi đạt từ 8 điểm trở lên đạt 5,44%, thì năm nay có tới 1.779 điểm 10 và số thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên chiếm 18,1%. Điểm trung bình môn Lịch sử tăng 1,4 điểm. Từ phổ điểm như trên, TS Tô Văn Phương dự báo, điểm trung bình các tổ hợp có môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân có thể tăng nhẹ từ 1-3 điểm so với năm trước tùy từng chuyên ngành.
Từ phổ điểm thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT đã công bố, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng nhận nhận định, điểm chuẩn các tổ hợp có Ngoại ngữ sẽ giảm rõ rệt, các tổ hợp xét tuyển có môn Lịch sử, Giáo dục công dân sẽ tăng rất rõ rệt. Phần lớn phổ điểm đủ để xét tuyển sẽ nằm trong khoảng 21-26. Với các ngành có nhu cầu xã hội cao, điểm vẫn cao nhưng khó xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học như năm ngoái. Tổ hợp có môn Lý và Hóa, Địa lý đều có sự tăng nhẹ.
"Tuy nhiên năm nay, với chính sách đổi mới xét tuyển của Bộ GD-ĐT bằng phần mềm thống nhất trên toàn quốc, để an toàn, để tuyển đủ số lượng, có thể nhiều trường sẽ lấy tăng hơn nhiều so với chỉ tiêu và từ đó lại dẫn đến không có sự chênh quá lớn về điểm sàn để xét tuyển so với năm trước", GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nói.
Quy tắc cần biết khi đăng ký xét tuyển đại học
Lưu ý với thí sinh về cách sắp xếp nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), lần đầu tiên quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT quy định tất cả các phương thức xét tuyển dù là vào ngành nào trường nào thì tất cả thí sinh cũng đăng ký nguyện vọng lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. Thí sinh sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất, bất kể phương thức nào.
“Những năm trước chúng ta chỉ sử dụng việc xét tuyển, lọc ảo chung với phương thức thi tốt nghiệp THPT, nhưng hiện nay cơ hội đó sẽ dành cho tất cả các phương thức xét tuyển. Tuy các phương thức xét tuyển rất đa dạng nhưng nếu các em theo đúng logic, trật tự nhất định thì sẽ rất đơn giản.
Ví dụ với một ngành, một trường các em yêu thích sẽ có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Nếu như cảm thấy phương thức này chưa có nhiều cơ hội, thì hoàn toàn có thể chọn phương thức khác vẫn ngành đó. Hiện tại thí sinh đã tốt nghiệp, đã đăng ký xét tuyển sớm thì có thể đăng ký nguyện vọng bằng phương thức đã trúng tuyển sớm. Nhưng nếu thí sinh vẫn yêu thích 1 ngành khác, trường khác, vẫn còn mong mỏi xét tuyển bằng phương thức dựa trên điểm tốt nghiệp THPT thì vẫn có thể đưa phương thức xét xét tuyển này lên nguyện vọng số 1 để tăng cơ hội được trúng tuyển ngành học yêu thích.
Các nguyện vọng của thí sinh được sếp từ 1 đến hết. Chỉ có điều khi các em đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn thì những nguyện vọng khác không còn giá trị nữa. Lúc đó không thể thắc mắc tại sao tôi không thể trúng tuyển nguyện vọng 5 mà trúng nguyện vọng thứ 3. Đó là do các em lựa chọn nguyện vọng", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết thêm, năm nay tất cả mọi đăng ký tuyển sinh đều được thực hiện trực tuyến, do vậy thí sinh không còn cách nào khác là phải có tài khoản này. Thí sinh hoàn toàn yên tâm, các trường ĐH với tinh thần hỗ trợ thí sinh cao nhất vẫn có đội ngũ tư vấn tuyển sinh trực các ngày trong tuần để hỗ trợ khi thí sinh liên hệ. Nếu có bất cứ vướng mắc nào, thí sinh cũng có thể liên hệ tới đường dây nóng của Bộ GD-ĐT để được giải đáp./.