Tránh nhầm lẫn giữa điểm sàn nhận hồ sơ và điểm chuẩn trúng tuyển

Huyền Thanh |

Nhiều trường đại học đã thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 hay còn gọi là điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển đại học.

Các chuyên gia cho rằng, việc các trường đặt ra mức điểm sàn một mặt nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu vào, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời giúp thí sinh có căn cứ để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Tuy vậy, các chuyên gia khuyến cáo thí sinh cần phân biệt rõ điểm sàn và điểm chuẩn trúng tuyển để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc, ảnh hưởng sát sườn đến quyền lợi của thí sinh trong xét tuyển.

Tránh nhầm lẫn giữa điểm sàn nhận hồ sơ và điểm chuẩn trúng tuyển - Ảnh 1.

Thí sinh cần tránh rơi vào "bẫy" điểm sàn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hàng chục trường đại học trên cả nước công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển đại học năm 2022. Nhìn chung, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của phần lớn các trường cơ bản ổn định, không có nhiều biến động so với năm 2021. Đơn cử như mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển vào khối ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học năm 2022 được Bộ GD&ĐT ấn định là 19 điểm, trình độ cao đẳng là 17 điểm; điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển vào nhóm ngành Y dược dao động trong khoảng từ 19-23 điểm.

Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển vào ĐHQG Hà Nội năm 2022 là 20 điểm và điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển vào ĐH Ngoại thương Hà Nội là 23,5 điểm. Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của ĐH Kinh tế quốc dân là 20 điểm; điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của ĐH Bách Khoa Hà Nội là 23 điểm.

Bộ Công an cũng vừa công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển) đối với các trường CAND năm 2022. Theo đó, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển đối với trình độ đại học chính quy tuyển mới là 70 điểm gồm tổng điểm thi 3 môn thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức thuộc tổ hợp xét tuyển vào các trường CAND (theo thang điểm 100) và điểm thi bài thi đánh giá của Bộ Công an (theo thang điểm 100), không có điểm liệt theo quy định của Bộ GD&ĐT. Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với trình độ trung cấp chính quy tuyển mới là 50 điểm (theo thang điểm 100) tương ứng với 15 điểm (theo thang điểm 30), gồm tổng điểm thi 3 môn thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức, thuộc tổ hợp xét tuyển vào các trường CAND, không có điểm liệt theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh cần phân biệt rõ khái niệm điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển và điểm chuẩn trúng tuyển. Thực tế cho thấy, điểm sàn là điểm tối thiểu thí sinh phải đạt được để các trường đại học và cao đẳng lấy làm cơ sở để nhận hồ sơ xét tuyển. Điểm chuẩn là mức điểm thí sinh cần đạt được để đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành học của trường đăng ký xét tuyển. Chính vì tính chất khác nhau như vậy nên điểm chuẩn trúng tuyển vào nhiều trường đại học những năm qua luôn vượt xa điểm sàn.

Thậm chí, có những trường khoảng cách giữa điểm sàn với điểm chuẩn có thể dao động trong quãng từ 6-9 điểm đã khiến không ít thí sinh "vỡ mộng" khi trường công bố điểm trúng tuyển. Đơn cử như trong mùa tuyển sinh năm 2021, điểm chuẩn trúng tuyển của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dao động từ 26,8 điểm đến 28,3 điểm (tương đương với điểm trung bình mỗi môn từ gần 9 điểm đến 9,5 điểm) nhưng điểm sàn trường này đưa ra chỉ 20 điểm (chưa đến 7 điểm/môn).

Lãnh đạo một số trường đại học cũng lưu ý, thí sinh không nên căn cứ vào điểm sàn để đăng ký nguyện vọng. Thí sinh nên tham khảo những thông tin để đăng ký nguyện vọng gồm: Điểm chuẩn những năm trước của ngành/trường đăng ký nguyện vọng; chỉ tiêu tuyển sinh của ngành/trường đăng ký; kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh.

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho biết, việc đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm hàng năm được xác định là điều kiện cần. Còn về sau các trường trên cơ sở này có thể lấy điểm chuẩn cao hơn nhiều so với điểm sàn đã đặt ra.

Do vậy, thí sinh lưu ý đây là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Ví dụ, ngưỡng điểm sàn đối với khối ngành đào tạo giáo viên năm ngoái đặt ra là 19 điểm trong khi đó, điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là 28 điểm, ngành Toán tiếng Anh cũng lấy điểm chuẩn là 27,7 điểm.

PGS. TS Lê Đình Tùng- Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Y Hà Nội - cũng cho rằng: Để đăng ký nguyện vọng xét tuyển chính xác, thí sinh nên dựa vào 2 yếu tố chính là điểm thi tốt nghiệp THPT của mình và điểm chuẩn trúng tuyển của các trường mà mình đăng ký nguyện vọng xét tuyển những năm gần đây. "Riêng đối với thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ĐH Y Hà Nội, nếu các em có điểm thi cao thì cứ mạnh dạn lựa chọn, đăng ký vào trường trên cơ sở tổng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh mà các em đã được biết.

Đối với những ngành thấp hơn ở ngưỡng điểm trên 26 điểm hoặc trên 23 điểm thì cần thận trọng sắp xếp nguyện vọng cho phù hợp. Do số lượng thí sinh sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển đại học năm nay cao hơn năm 2021, để tránh quá tải hệ thống, sau khi tìm hiểu, các em nên suy nghĩ và đăng kí nguyện vọng sớm, không nên để dồn vào những ngày cuối cùng" - PGS.TS Lê Đình Tùng chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại