Dự án nạo vét 72 tỷ đồng tăng sốc lên 2.595 tỷ: Người để xảy ra phải từ chức hoặc bị cách chức!

Hoàng Đan |

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, việc để các dự án xảy ra đội vốn lớn như ở Ninh Bình là do năng lực quản lý của cán bộ và người để xảy ra như vậy phải từ chức hoặc bị cách chức.

Theo báo cáo kiểm toán Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư cho một số dự án còn rất nhiều vấn đề.

Có nhiều dự án phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn như Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình được Kiểm toán Nhà nước cho biết điều chỉnh tăng 36 lần.

Cụ thể, qua bốn lần điều chỉnh từ một dự án nạo vét quy mô nhỏ với 72 tỷ đồng đầu tư đã đội vốn lên tới 2.595 tỷ đồng.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, về mặt quản lý Nhà nước, kinh tế, không có trường hợp nào có thể biện luận và chấp nhận chuyện đội vốn lớn đến vậy.

Dự án nạo vét 72 tỷ đồng tăng sốc lên 2.595 tỷ: Người để xảy ra phải từ chức hoặc bị cách chức! - Ảnh 1.

Dự án nạo vét, xây kè bảo vệ cảnh quan sông Sào Khê. Ảnh: Lao động.

"Chí ít người để xảy ra vụ việc này phải từ chức hoặc bị cách chức", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu rõ.

Vị đại biểu này phân tích, việc đội vốn lớn như dự án nạo vét, kè sông Sào Khê ở Ninh Bình sẽ tạo ra sự đảo lộn về nguồn vốn, ngân sách, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Ông chỉ rõ nguyên nhân, ngay từ khi ký kết hợp đồng triển khai các dự án, người có trách nhiệm đã không được sự tư vấn đầy đủ, dẫn tới có nhiều cái "hớ" trong hợp đồng. 

Khi đó, bên đơn vị đấu thầu triển khai chậm trễ, sẽ không có sự ràng buộc và chế tài xử lý.

Một điểm lạ, theo ông, các dự án Nhà nước không mời luật sư trong việc thương thảo hợp đồng, trong khi dự án của tư nhân luôn có luật sư đồng hành. Nhờ tư vấn của luật sư, sau này những nhà thầu chậm trễ sẽ có chế tài xử phạt.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần phải điều chỉnh vai trò quản lý, giám sát của nhà quản lý.

Ông dẫn ví dụ, chủ đầu tư thuê người tư vấn giám sát nhưng người tư vấn phải là người của mình để không thể bị mua chuộc bởi nhà thầu.

Nếu tư vấn giám sát kém hoặc giám sát bị mua chuộc, chắc chắn công trình kém đi. Như thế ngân sách Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng.

Vị ĐBQH này nhấn mạnh, để các dự án xảy ra đội vốn chính là do năng lực quản lý của cán bộ và khi cán bộ trình độ năng lực kém sẽ dẫn tới quản lý kém, dự án chậm trễ, kéo dài.

Ông nêu rõ, nếu cấp trực tiếp có vấn đề, cấp trên đủ năng lực quản lý phải chấn chỉnh và kỷ luật ngay lập tức, lựa chọn người có năng lực vào vị trí này.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, một dự án nạo vét ở Ninh Bình mà phải điều chỉnh rất nhiều lần, tăng vốn quá lớn như vậy là không thể chấp nhận được.

Ông nói, đây là dự án đầu tư công đã qua đấu thầu nên khi chủ đầu tư thực hiện đấu thầu phải có đầy đủ luận chứng kinh tế, kỹ thuật, năng lực để tham gia.

"Đấu thầu là để tăng giá trị lên, giảm được mức chi phí đi nhưng đến lúc đấu xong mà lại tăng quy mô, tăng đầu tư thì việc đấu thầu không có ý nghĩa gì cả. Việc này cần phải xem xét lại", ông Xuyền nhấn mạnh.

Trước đó, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng chỉ rõ, gần đây, Kiểm toán Nhà nước phát hiện những sai phạm trong các dự án BOT, BT, cổ phần hoá doanh nghiệp.

Cá biệt như dự án nạo vét kè sông Sào Khê ở Ninh Bình điều chỉnh tăng 36 lần từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đã chứng minh tâm tư của cử tri là có cơ sở.

Từ vấn đề này, đại biểu Cầu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rốt ráo vấn đề này.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại