Dự án điện của Trung Nam hưởng giá ưu đãi trái quy định khiến EVN thiệt hại 900 tỷ đồng kinh doanh ra sao?

Trọng Hiếu |

Đây là dự án điện mặt trời lớn thứ hai tại Việt Nam sau cụm nhà máy Ea Súp 1-5.

 - Ảnh 1.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công thương, cùng một số tỉnh, thành liên quan. Bộ Công an cũng đề nghị truy tố ông Hoàng Quốc Vượng (cựu Chủ tịch EVN, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương cùng 11 đồng phạm khác về hai tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong kết luận của Bộ Công an xác định, ông Hoàng Quốc Vượng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đã thống nhất chủ trương đề xuất cho dự án được phê duyệt bổ sung quy hoạch; đồng thời, “cố ý” xin cơ chế giá 9,35 UScents/kWh cho dự án vượt phạm vi Thủ tướng Chính phủ cho phép... Sự "cố ý" của ông Vượng tạo điều kiện cho nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được vào diện được hưởng giá điện ưu đãi.

Dù sau đó, Thủ tướng chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương phải thực hiện nghiêm theo đúng nghị quyết nhưng ông Vượng "ngó lơ", đã đến thiệt hại là hơn 900 tỷ đồng.

 - Ảnh 2.

Theo tìm hiểu, nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam nằm trong quần thể dự án Trạm biến áp 500 kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời. Dự án được Trungnam Group triển khai với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, quy mô thực hiện gồm nhà máy điện mặt trời 450MW kết hợp trạm biến áp và hơn 17km đường dây truyền tải 500kV mạch kép, 4 đường dây 220kV.

Đây cũng là dự án năng lượng tái tạo lớn nhất của Trung Nam và là dự án điện mặt trời lớn thứ hai tại Việt Nam sau EA Súp 1-5.

 - Ảnh 4.

Chủ đầu tư của dự án là công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam. Công ty được thành lập vào năm 2018, là một thành viên của Trung Nam Group. Hiện ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group đang là Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này. Vốn điều lệu đăng ký là hơn 2.411 tỷ đồng.

Theo thông tin từ HNX, năm cuối cùng công ty công bố tình hình kinh doanh là 2022. Trong năm đó, Trung Nam Thuận Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 81 tỷ đồng, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm 31/12/2022, vốn chủ sở hữu đạt 2.423 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 3,68 lần, tương ứng số nợ phải trả ở mức hơn 8.900 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu là gần 5.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của Trung Nam Thuận Nam đạt hơn 11.300 tỷ đồng. 

 - Ảnh 5.

Vào tháng 4/2024, Trung Nam đã từng gửi đơn đến Chính phủ để "kêu cứu" cho dự án Trung Nam Thuận Nam. Cụ thể, dự án này có phần công suất 172 MW bị EVN dừng huy động từ tháng 9/2022 với lý do không đáp ứng quy định hưởng giá FIT (giá bán điện cố định).

Trong 172 MW có 86 MW trên diện tích đất (khoảng 108 ha) được chủ đầu tư thực hiện không đúng quy định pháp luật, tức đất chưa được chấp thuận, chưa đánh giá tác động môi trường, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Tới tháng 10/2023, phần công trình nhà máy điện trên diện tích 108 ha của Trung Nam đã được Bộ Công Thương nghiệm thu trên cơ sở các xác nhận điều kiện về phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, hợp đồng thuê đất dự án... để đưa vào khai thác, sử dụng.

Trong đơn gửi Thủ tướng tháng trước, Trung Nam cho biết, sản lượng điện phát lên lưới từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2022, khoảng 687 triệu kWh thuộc phần công suất 172 MW, chưa được EVN thanh toán. Phần sản lượng này tương đương 813,6 tỷ đồng. Theo chủ đầu tư này, họ đã nhiều lần đề nghị tạm thanh toán với đơn giá bằng 40% mức giá khung dành cho nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp, nhưng chưa được giải quyết.

Ngoài ra, từ tháng 10/2023 đến nay, EVN chỉ thanh toán một phần doanh thu phát điện tương ứng phần diện tích nhà máy thuộc xã Phước Minh. Tổng giá trị chưa thanh toán tương ứng phần diện tích còn lại khoảng 274,2 tỷ đồng.

Phản hồi, đại diện EVN cho biết, thời gian qua, tập đoàn đã huy động công suất của nhà máy điện mặt trời lên lưới và thanh toán phần sản lượng, công suất theo giấy phép của Trung Nam. Họ cũng ghi nhận sản lượng của phần công suất thừa cho đến khi có quy định cụ thể. Phía EVN thời điểm đó cũng cho biết "tích cực phối hợp với cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ những khó khăn của Trung Nam".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại