ĐSQ VN tại Iraq thời chiến tranh - Chuyện bây giờ mới kể (P1): Cuộc di tản không mong muốn

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Một cuộc di tản khẩn trương đã được tiến hành theo đường bộ. Cán bộ nhân viên đại sứ quán VN tại Iraq đến thủ đô Jordan tối 19/3/2003, thì sáng ngày 20, cuộc chiến nổ ra.

LTS: 14 năm trôi qua, hậu quả cuộc chiến tranh của Mỹ chống Iraq (nổ ra từ ngày 20/3/2003) vẫn còn hết sức nặng nề. Người dân Iraq vẫn chưa được sống trong hoà bình. Khủng bố hoành hành khắp mọi nơi gây không biết bao nhiêu đau thương, tang tóc cho những người dân vô tội.

Cuộc chiến này không những đã tàn phá đất nước Iraq, gây tình hình hỗn loạn đối với toàn bộ khu vực Trung Đông mà còn làm gián đoạn hoạt động của các nhà ngoại giao nước ngoài, trong đó có các nhà ngoại giao Việt Nam. Các nhà ngoại giao không phải lúc nào cũng được đưa đón, dự các buổi chiêu đãi sang trọng, mà họ còn phải đối mặt với cả khó khăn và nguy hiểm.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Quang Khai, Nguyên đại sứ Việt Nam tại Iraq đã kể lại những hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam trong những ngày trước và sau khi chiến tranh xảy ra.

Vài ngày trước cuộc chiến

Đầu năm 2003, các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ và Anh tập trung tìm mọi cớ để tấn công Iraq. Cái cớ duy nhất họ đưa ra là Iraq lúc đó tàng trữ vũ khí huỷ diệt hàng loạt và vận động Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết cho phép dùng vũ lực để buộc Iraq phải từ bỏ loại vũ khí này. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an đã không thông qua dự thảo nghị quyết của Mỹ và Anh đưa ra.

ĐSQ VN tại Iraq thời chiến tranh - Chuyện bây giờ mới kể (P1): Cuộc di tản không mong muốn - Ảnh 1.

Bên ngoài Đại sứ quán Việt Nam tại Iraq, năm 2003. Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quang Khai cung cấp

Iraq lúc đó đã suy yếu kiệt quệ sau 12 năm bị cấm vận toàn diện cũng tìm mọi cách để tránh một cuộc chiến tranh không cân sức với Mỹ và phương Tây. Họ nhiều lần tuyên bố không còn vũ khí huỷ diệt nữa và kết quả thanh sát của Uỷ ban đặc biệt của Liên hợp quốc UNMOVIC đã thừa nhận điều này.

Tuy nhiên, Mỹ và Anh vẫn quyết đánh Iraq. Họ điều quân, đưa máy bay, xe tăng đến tập trung tại Kuwait giáp biên giới với Iraq. Các hạm đội của Mỹ được khẩn cấp đưa đến vùng biển gần Iraq. Không khí chiến tranh bao trùm lên toàn bộ khu vực.

ĐSQ VN tại Iraq thời chiến tranh - Chuyện bây giờ mới kể (P1): Cuộc di tản không mong muốn - Ảnh 2.

Tôi lái xe đi quanh thành phố thấy nhiều ụ súng, chướng ngại vật được xây dựng trên các đường phố của thủ đô Baghdad, nhiều khẩu sùng phòng không được đặt trên nóc các toà nhà cao tầng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Bộ tư lệnh quân đội Mỹ tuyên bố sẽ bắt đầu cuộc tấn công tổng lực cả trên bộ lẫn trên không chống Iraq vào 20/3/2003.

Trong tình hình như vậy, ngày 15/3/2003 tôi đã mời một số đại sứ thân thiết gồm các nước ASEAN, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và một số nước khác đến ăn tối mục đích là để trao đổi đánh giá tình hình, bàn các biện pháp đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên.

Tất cả các vị đại sứ đều cho rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi và bằng mọi cách phải đưa toàn bộ cán bộ nhân viên ra khỏi Iraq trước 20/3/2003. Một số đại sứ đã nhận được chỉ thị từ trong nước về việc sơ tán sang Jordan, Syria hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.

Duy chỉ có một đại sứ quả quyết rằng Mỹ sẽ không đánh Iraq.

Ông rút trong túi ra một bức điện mới nhận được từ trong nước nói rằng cơ quan tình báo nước ông khẳng định chiến tranh sẽ không xảy ra và đây chỉ là sự di chuyển quân của Mỹ từ châu Âu sang khu vực Trung Đông sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Khối liên minh Hiệp ước Warsaw đã giải tán, Nga không còn là mối đe dọa đối với an ninh của các nước đồng minh NATO ở châu Âu nữa.

Vị đại sứ này còn nói rằng ông vừa nhận được chỉ thị từ trong nước yêu cầu Đại sứ quán tiếp tục hoạt động bình thường, không cần sơ tán đi đâu cả. Ông còn khoe vừa mới đưa vợ con sang Baghdad nên không có chuyện Mỹ đánh đâu.

Tôi điện khẩn cấp về chính phủ báo cáo tình hình và xin ý kiến cho phép tạm thời sơ tán toàn bộ cán bộ nhân viên và gia đình. Ngay trong ngày tôi nhận được chỉ đạo từ trong nước bằng mọi cách phải đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của cán bộ nhân viên và công việc của Đại sứ quán.

Người cuối cùng rời Đại sứ quán

Trong buổi giao ban cuối cùng của Đại sứ quán ngày 15/3/2003, chúng tôi quyết định lấy Jordan là điểm đến của mình. Chúng tôi chia thành nhiều nhóm, ưu tiên phụ nữ và trẻ em đi trước, tiếp sau đó là các cán bộ nhân viên.

Tôi là người cuối cùng rời Đại sứ quán cùng với lái xe riêng sáng 19/3/2003. Trước khi đi, tôi đảo qua một vòng kiểm tra các phòng làm việc và phòng ở của mọi người đã khoá chặt và niêm phong chưa và không quên lên nóc toà nhà trụ sở của Đại sứ quán thay một lá cờ mới.

ĐSQ VN tại Iraq thời chiến tranh - Chuyện bây giờ mới kể (P1): Cuộc di tản không mong muốn - Ảnh 3.

Tấm bảng ghi lịch làm việc còn bỏ dở ở Đại sứ quán Việt Nam tại Iraq. Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quang Khai cung cấp

9 giờ sáng 19/3/2003, tôi cầm chiếc chìa khoá lặng lẽ khoá cánh cổng của Đại sứ quán nằm trên đường Dawoodi Al-Mansour. Cô thư ký người Iraq Ihda'a Taleb tiễn tôi ra xe, tôi nhìn thấy hai mắt cô nhoà lệ. Tôi dặn cô hàng ngày không cần đến làm việc nữa và cẩn thận khi ra đường để tránh bom rơi đạn lạc, thi thoảng đến tưới nước cho cây cối và hoa trong vườn, thế thôi. Chúng tôi hẹn giữ liên lạc với nhau để nắm tình hình.

Lúc ấy, lòng tôi tự nhiên cảm thấy nặng trĩu. Đại sứ quán như ngôi nhà của mình, gắn bó bao nhiêu năm trời, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, giờ đây phải ra đi. Bao nhiêu công việc dang dở phải bỏ lại.

Phóng viên Cẩm Ly của báo Tuổi Trẻ tháng 5/2003 sang Iraq làm phóng sự về cuộc chiến sau khi Mỹ chiếm được Baghdad đã vào Đại sứ quán và chụp được bức ảnh chiếc bảng ghi lịch làm việc hàng ngày của tôi còn bỏ dở.

Do Iraq bị cấm vận, các hãng hàng không không được phép hoạt động, tất cả chúng tôi phải đi bằng đường bộ hơn 1.000 km. Trên đường đi, tôi nói người lái xe đưa tôi đi quanh một vài con phố chính như để nói lời tạm biệt.

Rời thành phố Baghdad, những đường phố quen thuộc cứ lùi dần về phía sau, những người dân Iraq hiền lành vẫn cặm cụi làm việc kiếm sống trong điều kiện hết sức khó khăn. Những chiếc xe ô tô cũ nát vẫn lăn bánh trên đường phố.

ĐSQ VN tại Iraq thời chiến tranh - Chuyện bây giờ mới kể (P1): Cuộc di tản không mong muốn - Ảnh 4.

Dấu vết chiến tranh ở Baghdad. Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quang Khai cung cấp.

Chúng tôi đến thủ đô Amman của Jordan vào tối 19/3/2003 thì rạng sáng 20/3/2003, Mỹ và Liên quân bắt đầu mở cuộc tấn công lớn bằng một loạt tên lửa Tomahawk bắn vào thủ đô Baghdad, bộ binh tràn qua biên giới Kuwait vào lãnh thổ Iraq.

Tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành được một công việc lớn, đưa toàn bộ cán bộ nhân viên và tài liệu của Đại sứ quán đến nơi an toàn tuyệt đối. Để tiết kiệm, chúng tôi trú ngụ tại một khách sạn bình dân ở thủ đô Amman và tự nấu ăn. Các chị phụ nữ được giao nhiệm vụ đi chợ và nấu ăn như một gia đình.

Mời đọc tiếp: ĐSQ VN tại Iraq thời chiến tranh - Chuyện bây giờ mới kể (P2): Trở lại Baghdad trong nguy hiểm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại