Mỹ hồ hởi, Trung Quốc dè dặt
Ngày 18/3 (giờ Bắc Kinh), máy bay chở Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đáp xuống sân bay Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông.
Cùng ngày, trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, gần đây hai bên đang đối thoại chặt chẽ, khởi động công tác chuẩn bị liên quan về việc tổ chức một cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump.
"Chúng tôi nhất trí tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ để đảm bảo cuộc tiếp xúc giữa nguyên thủ hai nước và các cấp diễn ra thuận lợi, thành công", Vương Nghị nhấn mạnh.
Đáp lại, người đồng cấp Mỹ khẳng định, Washington sẵn sàng tích cực hợp tác với Bắc Kinh lên công tác chuẩn bị cho cuộc đối thoại cấp cao song phương.
Sáng nay 19/3, trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Tillerson cho biết, Tổng thống Trump mong muốn có cơ hội thăm Bắc Kinh trong tương lai.
Mỹ khá lạc quan nhưng Trung Quốc lại tỏ ra thận trọng khi thảo luận về hội đàm Trump-Tập. Ảnh: Tân Hoa xã
Theo giới quan sát, từ phát biểu của Vương Nghị có thể thấy, nhiệm vụ quan trọng trong chuyến công du Trung Quốc lần này của Ngoại trưởng Mỹ chính là làm công tác mở đường cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Tập, dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới đây.
Thực tế, thông tin về hội nghị song phương cấp cao Trung-Mỹ đã được lan truyền từ hai tháng gần đây. Tuy nhiên, mới đây, Reuters tiết lộ cụ thể rằng, Tổng thống Trump đang chuẩn bị để đón tiếp ông Tập trong một cuộc gặp 2 ngày vào 6-7/4 tại tư dinh Mar-a-Lago ở Florida.
Đặc biệt, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer còn cho biết, mục đích cuộc gặp nhằm để hạ nhiệt căng thẳng hai nước về vấn đề Triều Tiên và việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Theo giới quan sát, câu trả lời của Nhà Trắng đã gián tiếp khẳng định về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc nhưng về phía Bắc Kinh, cho đến nay, người đứng đầu ngành ngoại giao nước này vẫn chưa đưa ra câu trả lời chắc chắn.
Trước đó, trong cuộc họp báo quốc tế 15/3 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng chỉ cho hay, hiện nay cơ quan ngoại giao hai nước đang tiến hành trao đổi về cuộc hội đàm của nguyên thủ hai nước.
Tương tự, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trả lời họp báo hôm 14/3 khẳng định, hai bên đang tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ về việc tổ chức hội đàm cấp cao và các cấp song phương nhưng không xác nhận, chuyến thăm Mỹ của ông Tập sẽ diễn ra vào tháng 4 tới.
Bắc Kinh dè dặt vì đâu?
Theo giới phân tích, thảo luận về cuộc gặp Trump-Tập, Nhà Trắng tỏ ra khá lạc quan nhưng Trung Nam Hải lại thể hiện thái độ vô cùng thận trọng
Một số ý kiến cho rằng, Trung-Mỹ khó có thể đạt được sự đồng thuận về hai nội dung "vấn đề Triều Tiên" và "THAAD" trong cuộc đối thoại sắp tới.
Bởi ngay trước chuyến thăm Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố, "mọi kiên nhẫn chiến lược của Mỹ đối với Triều Tiên đã chấm dứt".
Ngoại trưởng Mỹ cho biết, Tổng thống Trump mong muốn có cơ hội thăm Bắc Kinh trong tương lai.
"Chúng tôi đang xem xét tất cả các hướng đi tiếp theo và Mỹ đang cân nhắc một loạt các biện pháp ngoại giao, an ninh và kinh tế mới", phát biểu của ông Tillerson ngầm truyền tải thông điệp "sẽ sử dụng cả biện pháp quân sự với Triều Tiên nếu cần thiết".
Tổng thống Trump trước đó đã lên tiếng chỉ trích, "Bình Nhưỡng hành xử rất tệ mà Trung Quốc chẳng giúp được gì".
"Thông điệp từ Washington dường như muốn thách thức Triều Tiên và chỉ trích Trung Quốc chưa tận lực", Đa chiều (Mỹ) bình luận.
Trái lại, trong cuộc họp báo quốc tế hôm 8/3, về vấn đề Triều Tiên, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đề xuất phương án "tạm dừng song song", kêu gọi khởi động đàm phán sáu bên.
Tuy nhiên, Washington khẳng định, chỉ khi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân thì hai bên mới có thể ngồi vào bàn đàm phán. Thậm chí, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cho biết nước này không quan tâm đến việc nối lại các cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Giới chuyên gia nhận định, Mỹ không nhượng bộ, vai trò người hòa giải của Trung Quốc rất khó phát huy tác dụng. Điều này đồng nghĩa rằng hội đàm Trump-Tập rất khó có bước đột phá về vấn đề này.
Về việc Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc, Bắc Kinh đã bày tỏ sự phản đối rõ ràng.
Trong khi, Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du Hàn Quốc chỉ trích Trung Quốc thiếu hợp lý khi áp đặt biện pháp trả đũa vào kinh tế đối với Seoul.
Đặc biệt mới đây, truyền thông Mỹ rầm rộ đưa tin, chính phủ mới đã lên kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan. Điều này một lần nữa lại thách thức mối quan hệ Trung-Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh hai nước không thể đặt được bất cứ bước đột phá lớn nào ở những vấn đề quan trọng, một học giả Bắc Kinh dự đoán.
Theo đó, nếu hội nghị Trump-Tập được ấn định chính xác, Bắc Kinh tất nhiên hy vọng thảo luận hai bên có thể đạt đươc kết quả thực chất nhưng mâu thuẫn về vấn đề Triều Tiên và thái độ của Nhà Trắng với Đài Loan rất có thể khiến Tập Cận Bình giảm bớt hiệu quả của chuyến thăm.
Do chuyến công du Mỹ của người đứng đầu Trung Quốc xuất hiện không ít biến số nên việc Bắc Kinh tỏ thái độ dè dặt cũng không quá khó hiểu.