Đột phá công nghệ thúc đẩy "cuộc sống mới"

VTV Digital |

Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch, đang dần biến mọi ước mơ của con người thành hiện thực

Hai năm sau khi COVID-19 hoành hành, dịch bệnh khiến cuộc sống phải trở thành "bình thường mới". Nhiều đột phá công nghệ đã thúc đẩy xã hội thông minh, phục vụ công tác chống dịch, chăm sóc sức khỏe, xây dựng một xã hội ảo Metaverse... biến mọi ước mơ của con người thành hiện thực.

Du lịch vũ trụ

Hãy thử tưởng tượng, một ngày nào đó, chúng ta có thể nhìn thấy Trái Đất mà mình đang sinh sống từ ngoài vũ trụ giống như cách bạn đi máy bay và chiêm ngưỡng quang cảnh phía dưới. Việc đi vào vũ trụ trở thành một chuyến du lịch, tới một địa điểm mới nằm trong không gian trước giờ chỉ là một điều đáng mơ ước. Nhưng có lẽ chỉ vài năm nữa thôi, chúng ta có thể không cần ước mơ nữa bởi nó đang dần trở thành sự thực.

Năm 2021, nhiều tỷ phú trên thế giới đã dành không ít tâm huyết để phát triển các chuyến đi vào vũ trụ, điển hình như chuyến bay lên rìa vũ trụ của tỷ phú Anh Richard Branson hồi tháng 7 năm ngoái hay chuyến bay vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy và khoang tàu chở khách của tỷ phú Mỹ Jeff Bezos mang đến cho hành khách trải nghiệm môi trường không trọng lực và nhìn ngắm Trái Đất từ trên cao. Trong khi đó, công ty SpaceX lần đầu tiên đưa các phi hành gia nghiệp dư bay lên vũ trụ vào tháng 9/2021.

Đột phá công nghệ thúc đẩy cuộc sống mới - Ảnh 1.

Những chuyến bay vào vũ trụ của các phi hành gia "không chuyên" liên tục được thực hiện (Ảnh: SpaceX)

Những chuyến bay không chỉ thể hiện sự phát triển của các công ty tư nhân trong lĩnh vực hàng không vũ trụ mà còn giúp con người đặt những bước chân đầu tiên vào một cuộc sống mới, nơi không chỉ bay vào vũ trụ trở nên phổ biến mà còn rất nhiều điều khác - những điều chỉ vài năm trước vẫn chỉ có trong trí tưởng tượng.

Không khí vô trùng

Trong năm COVID-19 đầu tiên, chất lượng không khí trên thế giới được cải thiện do tình trạng phong tỏa được áp dụng rộng khắp thế giới, hoạt động sản xuất, đi lại bị hạn chế. Tuy nhiên sau đó, khi thế giới dần bắt đầu cuộc sống bình thường mới, tình trạng ô nhiễm không khí đã trở lại.

Chính vì vậy, công nghệ lọc khí đặc biệt được quan tâm. Chiếc máy lọc không khí đeo cổ là sản phẩm của một công ty công nghệ Estonia. Thiết bị sử dụng đèn cực tím, có thể tiêu diệt tới 99,8% virus và vi khuẩn mà người đeo hít phải, như E. coli hay tụ cầu vàng.

Đột phá công nghệ thúc đẩy cuộc sống mới - Ảnh 3.

Máy lọc không khí đeo cổ (Ảnh: Respiray)

"Sản phẩm sử dụng màng lọc không khí và công nghệ khử khuẩn. Nó có thể cung cấp luồng không khí sạch tối đa 55 l/phút, cao gấp 4 lần nhịp thở bình thường của con người" - ông Robert Arus, Đồng sáng lập công ty Respiray, cho biết.

Món ăn từ không khí

Cũng liên quan đến không khí, giờ đây, con người có thể được tiếp cận một loại thức ăn mới với bột protein được làm từ không khí. Đó là nhờ công trình nghiên cứu và phát triển sản xuất của một công ty thực phẩm tại Phần Lan có tên Solar Foods.

Mang tên Solein, loại thực phẩm này lấy ý tưởng từ việc Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ tạo thức ăn từ 2 trong những nguồn tài nguyên có thể tái tạo nhất mà chúng ta đang có, đó là khí CO2 và ánh sáng mặt trời.

Đột phá công nghệ thúc đẩy cuộc sống mới - Ảnh 5.

Thực phẩm được tổng hợp từ... không khí (Ảnh: Solar Foods)

Để tạo ra Solein, Solar Foods sử dụng công nghệ thu giữ carbon để chiết xuất CO2 từ không khí, sau đó kết hợp với nước, chất dinh dưỡng và vitamin, cuối cùng thúc đẩy quá trình lên men tự nhiên bằng năng lượng mặt trời tái tạo. Việc sản xuất Solein diễn ra trong nhà nên không bị hạn chế bởi những giới hạn của nông nghiệp truyền thống như đất trồng trọt, nước mưa và thời tiết.

Tập thể dục mà vẫn thư giãn

Đại dịch COVID-19 càng nêu bật tầm quan trọng của sức khỏe. Sử dụng công nghệ cao để tăng hiệu quả tập luyện và chăm sóc sức khỏe chính là việc là nhiều phòng tập thể thao tại Anh đang áp dụng.

Điển hình như đạp xe kết hợp trị liệu bằng ánh sáng đỏ bước sóng thấp, vừa nâng cao thể chất, vừa cải thiện chất lượng làn da. Hay như ghế massage kết hợp trị liệu bằng ánh sáng, trong đó, ánh sáng chiếu trực tiếp vào mạch máu và được hấp thụ bởi hồng cầu. Tùy vào loại ánh sáng được sử dụng, về cơ bản phương pháp này giúp người dùng giảm căng thẳng và tăng hấp thụ Vitamin D.

Cân đẩu vân thành sự thật?

Những hạn chế đi lại trong đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người phải tạm thời xa cách. Tuy nhiên, công nghệ ảnh 3 chiều Hologram đã kéo mọi người xích lại gần nhau hơn. Dù bị kẹt ở London nhưng một cô gái vẫn có thể tham dự đám cưới của người bạn thân tại Canada. Hình ảnh và âm thanh được thu lại bằng video 4k, sau đó thông tin được đưa vào máy chủ, mã hóa, và truyền qua Internet.

Có thể thấy trong năm nay, bất chấp những hạn chế do đại dịch gây ra, công nghệ vẫn có những cách phát triển riêng, thậm chí do những nhu cầu vì đại dịch mà tiếp thêm hy vọng cho năm tới đầy hứa hẹn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại