Đọt choại nhúng lẩu mắm cá đồng đã trở thành món ăn ngon của người dân miền Tây - Ảnh: C.CÔNG
Rành cây rau choại "sáu câu vọng cổ", anh Trần Văn Khôi, ở xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, nói loại rau này là loài thực vật thân thảo dây leo, sống hoang dại trong rừng, vùng ven sông rạch. Với sức sống mãnh liệt của mình, rau choại luôn vươn mầm xanh tươi ở xứ bưng phèn Hỏa Tiến (TP Vị Thanh), Gò Quao, Giồng Riềng, U Minh Thượng (Kiên Giang).
Hồi đó mọc hoang ở đồng nhưng thời gian gần đây rau choại đã được người dân ở Hậu Giang, Kiên Giang trồng để kiếm thêm thu nhập. Anh Bảy Khôi nói rau choại dễ trồng, dễ hái nhưng cũng thuộc dạng "con cưng" và phải biết cách chăm sóc. Mùa mưa chúng mập ú, cọng nào cọng nấy xanh rờn, anh bẻ bán rất nhiều. Mùa nắng rau choại cằn cỗi nên người trồng cũng vất vả chăm sóc tưới nước, bón phân.
Khi thấy rau choại cằn cỗi anh Khôi bỏ nhiều công sức để "hạ táng" - dùng cây hay chân mình đạp lên lá, thân của dây choại gãy ngang. Từ đó, sau những cơn mưa thì đọt choại lại bắt đầu đâm chồi non mới.
Hiện người dân hái rau choại được các tiểu thương mua với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg (tùy rau choại non hay già); bán lẻ thì có 40.000 đồng/kg. Rau choại quê nhưng có giá bán cao nên nguồn thu nhập mang lại cho bà con nông dân cũng khá ổn định.
Có rau choại bán là một lẽ nhưng cũng là món rau ngon mà người dân miền Tây dùng để nhúng lẩu mắm cá đồng thiết đãi bạn bè.
Mắm cá ở miền Tây hổng thiếu và có đủ loại như: mắm cá linh, mắm cá lóc, cá rô, cá sặc… và thậm chí là mắm ruốc nấu lẩu ăn chung với đọt choại cũng ngon bá cháy.
Lẩu mắm là món dễ nấu, các chị, các mẹ ở miền Tây hầu như đều làm được. Tuy nhiên, chị Út (vợ anh Bảy Khôi) nấu lẩu mắm có bí quyết riêng. Muốn ngon chị Út phải bưng cái rổ ra sau hè cắt mớ sả, hái ít trái ớt đỏ tươi chín mọng trên cây và lột củ tỏi để sẵn. Ba thứ này chị cắt nhuyễn rồi phi chúng với dầu ăn cho vàng, cho thơm mới đổ nước vào.
Sau đó, mắm ruốc hay mắm cá (số lượng vừa đủ) và các gia vị khác như: muối, đường, nước mắm… chị sẽ cho vào sau, nêm vừa miệng ăn là được.
Tiện tay chị Út thả mấy con cá lóc đồng ú mềm mần sạch vào nước lẩu đang sôi. Nước lẩu nóng hổi, cá lóc chính mềm, người ăn chỉ cần gắp một đũa đọt choại nhúng vào. Mùi thơm của lẩu mắm ruốc cứ thế phả vào trong gió thơm lừng càng khiến cho thực khách "dễ ghiền" vì độ giòn, độ ngọt của rau vẫn còn y nguyên như lúc ban đầu.
"Ngon bá cháy luôn chị Út. Hồi về em mua ít rau này nấu canh thịt bằm cho cả gia đình ăn mới được", chị Nguyễn Thị Trúc Linh, ở phường III, TP Vị Thanh, Hậu Giang, ngồi kế bên tôi ăn rau choại nhúng lẩu mắm mà khen lấy khen để.
Lời khen của chị Linh làm cho chúng tôi nhớ câu ca dao xưa:
"Rủ nhau lên đất bảy làng
Hái rau choại chột, nhổ bàng về đương
Choại chột thì chấm nước tương
Bàng thì đương nóp người thương tôi nằm".
Dọc theo quốc lộ 61C (đường Vị Thanh nối dài Cần Thơ) đọt choại được người dân bán với giá 40.000 đồng/kg - Ảnh: C.CÔNG
Mưa xuống nhiều, đọt choại vươn mình non nhớt - Ảnh: C.CÔNG
Lẩu mắm nấu với cá lóc đồng, đọt choại là ăn ngon bá cháy - Ảnh: C.CÔNG
Đọt choại nhúng lẩu mắm ăn vẫn giữ được độ ngọt, độ giòn rất riêng - Ảnh: C.CÔNG
Đọt choại nhúng lẩu mắm đãi khách là ngon hết bài - Ảnh: C.CÔNG
Hồi xưa đọt choại mọc ở đồng, ở vườn hoang, nay được người dân miền Tây trồng và giúp nhiều hộ có điều kiện kinh tế ổn định - Ảnh: C.CÔNG