Don’t Tell: Bộ phim lấy cảm hứng từ vụ ấu dâm rúng động nước Úc

Habi |

Bị thầy giáo lạm dụng tình dục ngay tại trường học, cô gái trẻ bất chấp mọi hiểm nguy để bước vào hành trình 11 năm tìm lại công lý. Phim dựa trên một câu chuyện có thật từng gây rúng động nước Úc.

Nếu như các tác phẩm về đề tài ấu dâm của châu Á như "Hope" hay "Silenced" miêu tả nỗi đau tột cùng của nạn nhân và gia đình sau những vụ xâm hại, thì điện ảnh phương Tây lại có xu hướng nói về hành trình tìm lại sự thật, đấu tranh giành công lý.

Năm 2015, chúng ta đã có một "Spotlight" đầy mạnh mẽ, đã giành được "Best Picture" tại Oscar 2016, thì tháng 5 năm 2017 tới đây sẽ có một tác phẩm mới ra mắt với nội dung khai thác vấn nạn đang nhức nhối toàn cầu này.

Don’t Tell: Bộ phim lấy cảm hứng từ vụ ấu dâm rúng động nước Úc - Ảnh 1.

Don't Tell - bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về một vụ án lạm dụng tình dục trẻ em từng chấn động nước Úc xảy ra 27 năm trước đây.

Scandal rúng động nước Úc

Đó là một chương đầy đen tối trong lịch sử trường trung học cơ sở Toowoomba, một ngôi trường uy tín nằm tại miền nam Queensland, Australia. Đáng lẽ ra câu chuyện ghê sợ này đã được dư luận biết đến sớm hơn, thế nhưng luật riêng tư tại Úc đã bảo vệ danh tính nạn nhân suốt một thập kỷ, cho đến tận những năm sau này.

Năm 1990, Lyndal - một nữ sinh 11 tuổi của trường trung học cơ sở Toowoomba đã bị Kevin George Guy, một thầy giáo nội trú lạm dụng tình dục ngay tại kí túc xá.

Vết thương về thể xác lẫn tinh thần mãi mãi không bao giờ lành lại với một cô bé đang độ tuổi ngây thơ. Cô kêu cứu đến nhà trường và nhà thờ, nhưng không một ai tin. Tất cả những thế lực đó đều phủ nhận sự việc và bao che cho hung thủ thực sự đang nhở nhơ ngoài kia.

Bất chấp lời dọa dẫm "Không được kể cho bất cứ ai!!" từ gã thầy giáo đồi bại, ngày 30/11/1990, Lyndal lấy hết can đảm gửi đơn tố cáo đến Hội Bảo vệ thanh thiếu niên Toowoomba.

Ngày 3/12, vụ án được nhắc đến tại Tòa án hành chính Toowoomba thế nhưng cuối cùng phiên tòa hoãn đến hai tuần sau đó.

Sáng 18/12, 40 phút trước khi Guy phải có mặt ở phiên tòa, một người kiểm lâm đã tìm thấy xác ông ta trong một chiếc xe đậu tại Perseverance. Kevin George Guy đã tự tử, vụ án ông bị cáo buộc lạm dụng Lyndal buộc phải lãng quên trong im lặng.

Don’t Tell: Bộ phim lấy cảm hứng từ vụ ấu dâm rúng động nước Úc - Ảnh 2.

Mẩu tin ngắn gọn về cái chết của Kevin George Guy trên báo.

Có vẻ như cuộc đời của Lyndal vẫn sẽ chìm trong đống đổ nát, nơi mà những tiếng kêu cứu của cô mãi mãi không được lắng nghe, nhưng mọi việc vẫn chưa chấm dứt ở đó.

Nhờ sự giúp đỡ của các luật sư địa phương như Stephen Roche và Jodie Collins, Lyndal quyết định chiến đấu suốt cuộc đời. Cô quyết tâm đưa vụ án trở lại tòa để xét xử, để đòi lại công lý cho chính cô và để luật pháp xét xử những kẻ đã dung túng cho tội ác tại trường học.

Ngày 13/11/2001, vụ kiện của Lyndal cuối cùng đã được đưa ra xét xử tại Tòa án Tối cao sau những nỗ lực không ngừng nghỉ.

Lyndal 21 tuổi, kể lại câu chuyện của cô năm 11 tuổi. Trước tòa án, cô đã vạch trần bóng tối bao phủ trường học Toowoomba nhiều năm qua, vạch trần khuôn mặt đạo đức giả của ban giám hiệu nhà trường cũng như nhà thờ.

Lyndal không hề cô đơn. Cô có được sự đồng lòng đứng lên cho lẽ phải từ những nạn nhân khác, những người bạn học năm xưa.

Robert Myers, một nhân chứng quan trọng, khai trước tòa rằng các giám hộ của trường đã biết hành vi tội ác này diễn ra từ năm 1989.

Guy thường xuyên dụ dỗ học sinh nữ vào phòng riêng, đặt họ lên đầu gối và bôi kem chống nắng lên người. Nhưng sự việc đó không ai dám kể ra. Cho đến ngày Lyndal bị xâm hại, sự lên tiếng của cô bé bất chấp mọi dọa dẫm đã đưa danh tính hung thủ ra ánh sáng.

Don’t Tell: Bộ phim lấy cảm hứng từ vụ ấu dâm rúng động nước Úc - Ảnh 3.

Hiệu trưởng trường Toowoomba nói lời xin lỗi sau khi Lyndal thắng kiện vào năm 2002.

Cuộc chiến đầy cảm hứng để giành lại công lý

Năm 2016, nhà sản xuất Scott Corfield của hãng phim Tojohage quyết định thực hiện "Don’t Tell", bộ phim kể lại vụ bê bối Toowoomba năm xưa, dựa theo cuốn sách của luật sư Stephen Roche.

Scott Corfiled cho biết: "Khi bạn sản xuất một bộ phim như ‘Don’t Tell’, điều quan trọng là nó chạm tới tận cùng cảm xúc của khán giả. Đó là một câu chuyện về lòng can đảm và trái tim vĩ đại. Tôi biết nó sẽ kết nối đến người xem".

"Tôi đã rất vui các diễn viên muốn tham gia dự án này. Không chỉ ở Úc, mà trên toàn thế giới rất nhiều vụ xâm hại trẻ em đã và đang diễn ra trong im lặng.

Có một sứ mệnh của điện ảnh trong việc đấu tranh với tội ác ấu dâm. Chúng tôi hi vọng tác phẩm sẽ cất cao tiếng, góp phần thức tỉnh và tìm lại công lý cho những nạn nhân đáng thương.

Cũng giống như ‘Spotlight’, tôi nghĩ rằng khán giả sẽ trải qua những cảm xúc giận giữ khi xem bộ phim này. Tác phẩm này chính là lời cổ vũ cho những nạn nhân đã từng bị đối xử bất công, hay những người vẫn đang chiến đấu để được luật pháp xét xử thỏa đáng", đạo diễn chia sẻ.

Don’t Tell: Bộ phim lấy cảm hứng từ vụ ấu dâm rúng động nước Úc - Ảnh 4.

Rachel Griffiths đóng vai mẹ Lyndal và Aden Young đóng vai luật sư Stephen Roche.

Nữ diễn viên Sara West cho biết cô rất khâm phục Lyndal và cảm thấy vinh dự khi được thể hiện toàn bộ quá trình đấu tranh đòi lại lẽ phải của nhân vật này trong suốt hơn một thập kỷ. "Ông ta nói tôi không được hé một lời, và không một ai tin tôi", đó là câu nói của nhân vật Lyndal trong phim mà Sara West ám ảnh nhất.

"Tôi hy vọng mọi người sẽ xem phim và hiểu được cô bé Lyndal đã bị tổn thương như thế nào và cách cô ấy đứng lên để chia sẻ bí mật của mình", Sara nói.

"Don’t Tell" vẫn lấy bối cảnh nước Úc những năm 90 và được quay tại những thành phố ở Queensland như Toowoomba, Ipswich và thung lũng Lockyer. Bên cạnh Sara West, phim có sự góp mặt của các diễn viên khác như Rachel Griffiths, Aden Young, Jack Thompson và Martin Sacks.

Trailer phim "Don't Tell" - bộ phim về đề tài ấu dâm sắp ra mắt vào tháng 5 năm 2017

Trailer của phim đã được hé lộ vào tháng 1 và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận nước Úc. "Don’t Tell" dự kiến sẽ ra mắt lần đầu tại Liên hoan phim Newport Beach ngày 24/4 trước khi chính thức công chiếu vào tháng 5 sắp tới.

Scott Corfield cho biết thêm: "Vụ án này đã khép lại cách đây hơn 15 năm. Nhưng mọi thứ vẫn còn rất khó khăn đối với các nạn nhân khác. Tôi mong rằng thông điệp của bộ phim sẽ giúp những nạn nhân khác tiếp thêm can đảm từ những người đã đi trước.

Chúng tôi đã xin phép Lyndal đưa câu chuyện của cô ấy lên phim ảnh và cô ấy vui vẻ nhận lời. Tôi hi vọng tác phẩm này sẽ truyền cảm hứng. Tôi hi vọng nó sẽ ngăn chặn được phần nào sự xâm hại đến trẻ em".

Don’t Tell: Bộ phim lấy cảm hứng từ vụ ấu dâm rúng động nước Úc - Ảnh 6.

Phim dự kiến ra mắt tháng 5 sắp tới.

Cũng như "Hope", "Silenced" hay "Spotlight", "Don’t Tell" chắc chắn sẽ khiến người xem tức giận, phẫn uất và khinh thường những thế lực đã thờ ơ vô cảm với nỗi đau của cô bé Lyndal. Cuộc chiến mà Lyndal trải qua cuối cùng cũng có một cái kết có hậu, như một ánh bình minh đến muộn sau những cơn mưa dầm dề tăm tối suốt cả một thập kỷ dài.

Sự đền bù muộn màng và bước ngoặt của hệ thống luật pháp nước Úc

Vụ kiện của Lyndal cuối cùng cũng có kết quả xứng đáng sau nhiều tháng trời cô đứng ra làm chứng trước tòa. Giây phút bồi thẩm đoàn tuyên bố giáo hội Brisbane phải bồi thường 834.400 USD, Lyndal và mẹ đã ôm nhau khóc.

Theo phán quyết, giáo hội phải đứng ra nhận trách nhiệm vì sự thất bại trong việc bảo vệ các học sinh khỏi những kẻ lạm dụng trẻ em cũng như việc che giấu sự thật suốt 11 năm.

Ông Bruce Howden, hiệu trưởng trường Toowoomba đã phải viết một bức thư xin lỗi đến hơn 700 gia đình đang có con theo học tại trường.

Kể từ đó, toàn bộ nước Úc như bị rối loạn. Cảnh sát phải tiến hành điều tra quy mô lớn về giáo hội Brisbane, bao gồm cả trường trung học cơ sở Toowoomba.

Thống đốc Peter Hollingworth (đồng thời là tổng giám mục Brisbane)- người cầm đầu đường dây bao che cho bê bối Toowoomba năm xưa - dù đã nói lời xin lỗi Lyndal nhưng cũng không tránh được sự chỉ trích từ dư luận. Chính ông cũng dính nghi án lạm dụng trẻ em và đến năm 2003 ông buộc phải từ chức.

Sau vụ kiện của Lyndal, nhận thức về việc bảo vệ trẻ em khỏi những kẻ xâm hại đã được tăng cao. Sự dũng cảm của Lyndal đã mở đường cho những nạn nhân khác lên tiếng và bắt đầu cuộc chiến tìm lại công bằng.

Luật pháp nước Úc sau đó đã ban hành quy định "Thẻ Xanh": tất cả mọi người- bao gồm nam và nữ- những người tiếp xúc/dạy dỗ/chăm sóc trẻ em đều phải có thẻ xanh, tức là họ phải vượt qua những cuộc kiểm tra nghiêm ngặt về đạo đức và chuyên môn trước khi làm việc.

Năm 2012, Thủ tướng Julia Gillard cũng đã yêu cầu thành lập Ủy ban quốc gia về Lạm dụng tình dục trẻ em trước sự gia tăng ngày một phức tạp của tội phạm ấu dâm tại đất nước này.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại