Ve oribatid. Ảnh: Oddity Central
Đối với con người, việc nâng gấp đôi trọng lượng cơ thể của chính mình đã là một thành tích thể thao ấn tượng. Thế nhưng, điều đó chẳng là gì so với sức mạnh của những sinh vật nhỏ bé hơn chúng ta hàng trăm lần.
Ví dụ, kiến vàng châu Á có thể nâng vật nặng gấp 100 lần trọng lượng cơ thể, trong khi bọ hung có thể nâng vật nặng gấp 400 lần trọng lượng cơ thể. Nhưng ngay cả những con côn trùng ấn tượng này cũng không thể sánh được với loài sinh vật mạnh nhất trên hành tinh là ve oribatid nhỏ bé. Nhờ có bộ xương ngoài cực kỳ khỏe, chúng có thể nâng vật nặng gấp 1.180 lần trọng lượng của chính mình.
Loài ve oribatid chỉ to bằng một hạt cát, có kích thước từ 0,2mm đến 1,4mm, nhưng khi xét về sức mạnh so với kích thước và trọng lượng, cho đến nay, nó là loài động vật mạnh nhất trên thế giới. Để so sánh với sức mạnh của loài sinh vật này, một con người sẽ cần nâng được 82 tấn.
Một trong những lý do chính khiến ve oribatid và nhiều loài côn trùng khác có xu hướng khỏe hơn nhiều so với các loài động vật khác là lớp vỏ ngoài của chúng. Nó nhẹ hơn và chắc hơn đáng kể so với xương, cho phép chúng dành nhiều năng lượng hơn cho sức mạnh cơ bắp. Nhưng cũng có những yếu tố khác, chẳng hạn như tỷ lệ diện tích bề mặt với thể tích và khối lượng của nó. Một con ve chỉ nặng 100 microgam.
Nếu nó có kích thước bằng con người, thì nó sẽ cực kỳ yếu, do các tính chất vật lý đơn giản. Những sinh vật lớn hơn có thể có cơ bắp lớn hơn, nhưng phần lớn sức mạnh lại nhằm hỗ trợ trọng lượng của chính chúng. Ngược lại, những con côn trùng nhỏ bé có thể dành nhiều sức mạnh cơ bắp hơn cho việc nâng vật nặng.
Ve oribatid sống dưới đất rừng và đóng vai trò quan trọng trong việc phân hủy vật chất hữu cơ, tương tự như giun đất. Chúng cũng góp phần phát tán hạt giống, cải thiện kết cấu đất, giảm mầm bệnh côn trùng cũng như ký sinh trùng gây hại cho người và gia súc.