Chiều 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, vừa qua số lượng tham gia cho dự án luật này khá đông. Sau phiên họp đã có quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật rất là công phu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội nêu, đến nay, dự án luật cơ bản tiếp thu, đạt được sự đồng thuận cao của các cơ quan, tổ chức liên quan. Cụ thể như quy định Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại Khoản 4 Điều 80.
Nội dung này vẫn còn ý kiến khác nhau nhưng phần lớn thống nhất theo hướng này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ (cơ quan trình) cũng ủng hộ phương án này. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không đặt vấn đề có 2 phương án nữa, chỉ để thuyết phục các đại biểu Quốc hội thông qua.
Về nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp, Chủ tịch Quốc hội gợi mở quy định mở nhưng có kiểm soát từng bước, thận trọng tránh trục lợi chính sách.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý các nội dung lớn như: Quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê tại khoản 4 Điều 80; Quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp tại Điều 94; không quy định về nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung khoản 3 Điều 95 về việc Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được Ban quản lý khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư.