Sẽ chấm dứt hợp đồng nếu dự án chậm tiến độ
Ngày 23/4, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (chủ đầu tư) đã có buổi làm việc với đại diện Công ty CP Tập đoàn Thuận An và liên danh tư vấn giám sát liên quan hai gói thầu xây lắp 5 và xây lắp 6, thuộc dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Được biết, hai gói thầu xây lắp mà doanh nghiệp này đang đảm nhận với tổng giá trị 130 tỷ đồng. Khối lượng thi công ở gói số 5 của Thuận An mới chỉ đạt gần 3%, gói số 6 là hơn 4%. Trước đó, nhà thầu này đã dừng thi công, nhân sự ban chỉ huy, nhân công... cũng rút hoàn toàn khỏi công trường.
Trong buổi họp, đại diện chủ đầu tư cho biết tình hình triển khai trên công trường của Công ty Thuận An chưa đáp ứng yêu cầu theo tiến độ từng giai đoạn của gói thầu XL-05, XL-06.
Phía chủ đầu tư đã liên tục tổ chức các buổi họp với các nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát để đôn đốc, nhằm đảm bảo tiến độ thi công. Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu khẩn trương, bổ sung thiết bị, vật tư, nhân sự ban chỉ huy công trường, đội thi công…
"Nhà thầu phải chủ động có giải pháp giải quyết đủ nguồn cung ứng cát để phục vụ công tác xây dựng nền đắp và các vật tư, vật liệu khác. Trường hợp nhà thầu thiếu chủ động, thi công chậm trễ dẫn đến không đảm bảo tiến độ thi công như cam kết, chủ đầu tư sẽ tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng và chấm dứt hợp đồng", báo Dân Trí dẫn lời Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM tại buổi họp.
Tập đoàn Thuận An cam kết đẩy nhanh tiến độ sau vụ việc toàn bộ nhân sự... biến mất
Thông tin trên báo Pháp luật TP HCM cho hay, tại buổi làm việc hôm nay, Công ty Thuận An cam kết tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các hạng mục của gói thầu XL-05, XL-06 thuộc phạm vi nhà thầu đảm nhận với tiến độ cụ thể.
Cụ thể, công ty sẽ bố trí nhân sự ban chỉ huy công trường, đội thi công... có mặt trên công trường để triển khai thi công trước ngày 27/4. Ngoài ra, công ty cũng tập kết thiết bị thi công với ít nhất 4 máy đào, 4 máy ủi, 4 xe ô tô... để triển khai thi công trước ngày 27/4.
Đồng thời, công ty cũng sẽ tập kết vật tư, vật liệu như ống cống bê tông ly tâm, sắt thép… về công trường trước ngày 30/4.
Trước đó vào ngày 15/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt giam Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An để điều tra về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Thời gian này, Công ty Thuận An vẫn đang phụ trách dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau khi Chủ tịch Thuận An bị bắt, ngày 18/4 toàn bộ nhân sự tập đoàn Thuận An bất ngờ rút khỏi công trường 2 gói thầu cải tạo tuyến kênh dài nhất TP.HCM này.
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, đến thời điểm hiện tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 7 bị can.
Trong đó mới nhất là ngày 22/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đối, bố sung năm 2017.
6 bị can còn lại thì 3 bị can là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An. Ba bị can là lãnh đạo, cán bộ quản lý Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang.
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên thuộc đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2045. Dự án có chiều dài tuyến 31,46km với tổng mức đầu tư khoảng 8.200 tỷ đồng, đi qua địa bàn 7 quận huyện.
Giai đoạn 1 dự án đã hoàn thành, hình thành cơ bản tuyến đường dọc kênh. Tháng 2/2023, TP.HCM đã khởi công giai đoạn 2 dự án.
(Tổng hợp)