Trong một bài viết trên trang Facebook, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) khẳng định tình báo Nga đã đứng đằng sau tổ chức các cuộc biểu tình dẫn tới bạo loạn ở Pháp trong thời gian gần đây.
Để lấy dẫn chứng, SBU đã đăng một tấm hình được chụp tại Paris. Trong ảnh, có hai người mặc áo vàng (đồng phục của những người biểu tình chống lại mức tăng thuế xăng dầu) cầm trong tay lá cờ của nước cộng hòa Donetsk tự xưng (DNR).
Theo SBU, hai người trong ảnh là Sorlin Fabrice, một thành viên của Trung tâm phân tích Catechon - có người đứng đầu là chính trị gia người Nga Konstantin Malofeyev - và Xavier Moreau, một công dân Nga từ năm 2013.
Theo SBU, những thành phần nổi loạn tại Pháp đang hoạt động dưới sự chỉ đạo của Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) và lực lượng đặc nhiệm Nga GRU.
"Đằng sau lớp vỏ bọc biểu tình trong hòa bình, họ tìm cách tổ chức cuộc nổi dậy và thực hiện hành vi bạo lực tại Pháp. Các cơ quan tình báo đặc biệt của Nga có thể tổ chức những cuộc biểu tình tương tự tại Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Bulgaria và các quốc gia Châu Âu khác," SBU viết.
Bức hình được SBU đăng tải. Ảnh: Facebook
"Biên giới quốc tế không còn là trở ngại cho hoạt động gây hấn của Nga. Bằng những thủ đoạn không sạch sẽ, Điện Kremlin đang hủy hoại sự ổn định của châu Âu vì cảm thấy bị đe dọa," lãnh đạo SBU Vasily Gritsak tuyên bố.
Cuộc biểu tình của "phe áo vàng" tại Pháp đã diễn ra từ giữa tháng 11 để phản đối tăng thuế xăng dầu. Theo số liệu vào ngày 8/12, 125.000 người đã xuống đường biểu tình, 10.000 người tham gia bạo loạn tại Paris. Bộ Nội vụ Pháp thông báo đã bắt giữ 1.300 kẻ quá khích.
Giữa tình cảnh khó kiểm soát, hầu như mọi hoạt động tại trung tâm thủ đô Paris đều bị hủy bỏ trong ngày 8/12.
Các điểm du lịch nổi tiếng - bao gồm bảo tàng Louvre, tháp Eiffel, nhà hát Opera - đều đóng cửa tạm thời. Một số trung tâm thương mại lớn ngừng đón khách, còn các tuyến tàu điện ngầm chạy qua khu vực ngưng phục vụ từ 5h30 sáng.
Theo các nguồn tin, 36 bến tàu điện ngầm tại Paris đóng cửa. Tuyến số 1 đi qua Khải Hoàn Môn và đại lộ Champs - Élysées đóng cửa gần như toàn bộ. 15 khu vực tại thủ đô Paris được cảnh báo nguy hiểm.
Các nhà chức trách kêu gọi người dân địa phương và khách du lịch hủy bỏ mọi hoạt động ngoài trời, hạn chế ra đường trừ khi có việc khẩn cấp.
Vụ bạo loạn đã gây ra chấn động lớn không chỉ với Paris mà còn với cả cộng đồng thế giới. Đây được coi là cuộc biểu tình nguy hiểm nhất "50 năm trở lại đây" ở Pháp. Các công trình công cộng bị phá hủy, cảnh sát bị tấn công, phải dùng tới lựu đạn choáng, hơi cay, vòi rồng để giải tán đám đông.