Tờ Rossiyskaya Gazeta do chính phủ Nga điều hành đã đưa tin với tiêu đề: "Cơn hoảng loạn đối với thị trường tiền tệ của Nga", trong khi tờ Moskovsky Komsomolets tại Moscow đưa tin: "Đồng rúp đã sụp đổ".
Theo Newsweek, vào thời điểm thấp nhất hôm 27/11, đồng rúp gần chạm mức 113 rúp đổi 1 đô la, khiến Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố sẽ dừng mọi hoạt động mua ngoại tệ trong phần còn lại của năm 2024 và bán đồng nhân dân tệ Trung Quốc để khắc phục tình hình.
Động thái này đã thành công một phần khi vào ngày 28/11, đồng rúp đã tăng lên gần 108 rúp đổi 1 đô la, mặc dù vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 104 rúp đổi 1 đô la ghi nhận hồi đầu tuần này.
Tờ báo kinh doanh Kommersant của Nga đã khuyên độc giả "hãy giữ chặt tiền rúp của bạn" và nói thêm rằng, "vào thứ Tư ngày 27/11, thông tin từ thị trường tiền tệ giống như các báo cáo từ một vùng chiến sự".
Kommersant cho rằng sự sụp đổ này phần lớn là do "các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các tổ chức tài chính của Nga, chủ yếu là Gazprombank, mà qua đó các nước châu Âu thanh toán cho khí đốt qua đường ống của Nga".
Vào ngày 21/11, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với hàng chục ngân hàng Nga trước đây từng được sử dụng để thanh toán quốc tế, bao gồm cả Gazprombank - ngân hàng lớn thứ ba của Nga, đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý các khoản thanh toán cho các hoạt động xuất khẩu.
Theo tờ The Financial Times (Anh), Mỹ trước đây đã tránh trừng phạt Gazprombank để các nước châu Âu có thể tiếp tục thanh toán cho nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.
Tờ báo Nezavisimaya Gazeta có ảnh hưởng tại Nga đưa tin rằng "kể từ đầu tháng 11, đồng rúp đã giảm hơn 11% so với đô la".
Tờ này cho biết: "Đây không chỉ là sự suy yếu đáng kể mà còn là sự suy yếu nhanh chóng một cách đáng sợ của tỷ giá đồng rúp, trở thành một yếu tố lạm phát quan trọng về mặt thống kê với hậu quả tiêu cực đối với thị trường trong nước."
Một tờ báo kinh doanh khác của Nga là RBK Daily lưu ý rằng Ngân hàng Trung ương Nga "có thể sử dụng công cụ chính của mình: tăng lãi suất".
Đồng rúp yếu có lợi cho xuất khẩu
Theo Newsweek, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất tiêu chuẩn lên 21% hồi tháng 10 để kiểm soát lạm phát liên tục ở mức cao. Đây là hậu quả của việc chính phủ Nga chi tiêu nhiều cho cuộc chiến với Ukraine và tăng lương ở một số ngành nghề.
Theo Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat), lạm phát của nước này đạt đỉnh ở mức hơn 9% hồi mùa hè năm nay, sau đó đã giảm xuống còn 8,5% vào tháng 10.
Aleksandr Shepelev - chuyên gia chứng khoán tại công ty môi giới BCS World of Investments có trụ sở tại Nga - chia sẻ với trang tin tức gazeta.ru rằng: “Rất nhiều điều phụ thuộc vào việc Nga sẽ sớm hình thành các kênh thay thế cho dòng tiền vào và ra, có khả năng cân bằng cung - cầu của mình như thế nào.”
Chuyên gia Shepelev lưu ý rằng điều này sẽ giúp giảm dần áp lực lên đồng tiền của Nga. “Và trong khi thị trường mất cân bằng nghiêm trọng và các cơ quan tài chính không vội can thiệp vào tình hình, thì áp lực lên đồng rúp vẫn sẽ tiếp diễn”, ông nói.
Ngoài ra, đồng rúp đang chịu áp lực từ nhu cầu nhập khẩu tăng theo định kỳ, chi tiêu ngân sách tăng đột biến thường thấy vào cuối năm, áp lực địa chính trị gia tăng và đồng đô la Mỹ tăng giá trên thị trường toàn cầu, Shepelev nói thêm.
Các nhà phân tích cho rằng ngân hàng trung ương và các cơ quan tài chính của Nga có thể can thiệp để hỗ trợ đồng rúp.
Bình luận về việc đồng rúp suy yếu, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết hôm 26/11 rằng điều này có lợi cho các công ty xuất khẩu trong tình hình địa chính trị hiện tại.
“Tôi không nói tỷ giá hối đoái là tốt hay xấu”, ông Siluanov tuyên bố, lưu ý rằng tỷ giá hối đoái yếu sẽ thúc đẩy xuất khẩu và giúp chính phủ Nga tăng doanh thu ngân sách tính bằng đồng rúp.
Theo Newsweek, đồng rúp đã lao dốc về giá trị ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 22/2/2022, từ tỷ giá trước chiến sự vào khoảng 75 rúp đổi 1 đô la xuống còn gần 134 rúp đổi 1 đô la vào ngày 11/3/2022. Sau đó, đồng rúp đã phục hồi đáng kể, trước khi lại giảm chậm.
Giá trị đồng rúp đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng kể từ đầu tháng 9/2024, lên đến đỉnh điểm là sự sụp đổ vào ngày 27/11 vừa qua.