‘Đồng phục’ biển hiệu ở Hà Nội: Không ổn!

TUYẾN PHAN - VIỆT HOA |

Nhiều ý kiến cho rằng các biển hiệu dọc vỉa hè tuyến đường này tuy đồng bộ nhưng đơn điệu và không nhận diện được thương hiệu doanh nghiệp.

Ngày 7-5, UBND TP Hà Nội và quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức lễ khánh thành và thông xe dự án mở rộng tuyến đường Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân).

Đây được coi là tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của thủ đô với nhiều điểm nổi bật như hệ thống thiết bị chiếu sáng bằng đèn LED, đường dây điện, cáp viễn thông được hạ ngầm...

Đặc biệt trên tuyến đường, các nhà dân và cơ quan đều chỉnh trang mặt tiền theo quy chuẩn chung từ màu sơn đến biển quảng cáo,...

Tiệm nhỏ hân hoan, tiệm lớn băn khoăn

Anh Thắng, chủ một đại lý máy lọc nước trên đường Lê Trọng Tấn, cho biết rất ủng hộ TP làm được một tuyến đường đẹp và đồng bộ như vậy.

Tuy nhiên, việc cơ quan chức năng quy hoạch tất cả biển hiệu của các cửa hàng, doanh nghiệp (DN) chỉ 1-2 màu sắc sẽ tạo nên cảm giác đơn điệu.

“Trước khi mở rộng tuyến đường, biển hiệu của chúng tôi lớn hơn hiện giờ, do kinh doanh mặt hàng máy lọc nước Kangaroo nên biển hiệu sử dụng màu xanh và kiểu thiết kế truyền thống, rất nổi bật và dễ nhận ra.

Sau khi mở rộng đường, cơ quan chức năng yêu cầu chúng tôi tháo biển cũ, thay thế bằng tấm biển hiện giờ, kiểu chữ và màu sắc đều khác, không còn giữ được logo của hãng nữa” - anh Thắng cho hay.

Chị Phương, chủ một shop quần áo tại đây, nói: “Từ khi thay biển mới, có khá nhiều khách hàng khi đến shop phải nhìn vài lần mới thấy.

Trước đây, biển của cửa hàng rất nổi bật nhưng hiện nay thì tất cả đều giống nhau, điều này sẽ gây khó khăn cho việc tìm kiếm, cũng như không có sự cạnh tranh giữa các cửa hàng”.

Theo chị Phương, biển hiệu rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh, nó thể hiện một phần bộ mặt của cửa hàng.

Vì vậy, mỗi cửa hàng sẽ có một thiết kế, phong cách riêng. Nhiều khách hàng còn lựa chọn điểm dừng dựa vào biển hiệu.

Nếu để như hiện nay, một số thương hiệu nổi tiếng như thegioididong, FPT Shop, Vietnam Airlines,... sẽ không còn giữ được logo của mình.

Ngược lại với những ý kiến trên, các chủ tiệm kinh doanh nhỏ như trà đá, bún đậu,... thì rất ủng hộ việc đồng bộ về biển hiệu này.

“Trước đây quán không có biển nhưng sau khi mở rộng đường thì được TP cấp hẳn cho một biển lớn và đẹp, lại miễn phí.

Tôi rất ủng hộ việc quy hoạch như vậy, nhìn tuyến đường khác hẳn với các tuyến khác, rất gọn gàng, quang đãng và không lộn xộn” - anh T., chủ một quán trà đá, cho hay.

Khó nhận dạng thương hiệu

Trao đổi về vấn đề trên, PGS-TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu (Trường ĐH Thương mại Hà Nội), cho rằng về kích cỡ và chiều cao thì các biển hiệu trên tuyến phố như hiện nay là khá đẹp.

Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, chỉ nên quy định về đường bao, đường viền hoặc điểm nhấn xanh đỏ, còn trên biển nên để màu trắng để các cửa hàng, DN thể hiện màu sắc thương hiệu của mình.

“Nếu làm như hiện nay sẽ mất đi tính nhận dạng thương hiệu của các DN lớn” - PGS-TS Nguyễn Quốc Thịnh nói.

Theo PGS-TS Thịnh, biển hiệu là để nhận diện thương hiệu, giúp người tiêu dùng hình dung và hiểu được phần nào nội dung thông điệp mà DN muốn truyền tải.

Trong kinh doanh, việc nhận dạng thương hiệu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Biển hiệu giúp người khác nhận diện nhanh nhất, chính xác nhất mặt hàng kinh doanh và thông điệp của cơ sở.

Vì vậy, việc thống nhất về màu sắc biển hiệu là không ổn.

“Trên thực tế, việc đồng bộ biển hiệu có khá nhiều nước trên thế giới đã làm như Mỹ, Trung Quốc… nhưng người ta chỉ đồng bộ về kích cỡ, độ cao hoặc có đặc trưng về đường viền,... để tạo dấu ấn riêng cho con phố đó.

Phần diện tích còn lại khoảng 4/5 tấm biển, người ta sẽ để cho DN tự thể hiện màu sắc đặc trưng thương hiệu của mình” - PGS-TS Nguyễn Quốc Thịnh cho hay.

Bà Huỳnh Anh Minh, Giám đốc Công ty Truyền thông M-Movement, cho biết: “Khi xem demo biển hiệu trên tuyến đường kiểu mẫu, tôi có cảm giác như đi vào một con phố mậu dịch xưa cũ của những năm 1980, không còn tính năng động và hiện đại của một con đường văn minh kiểu mẫu”.

Với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ rau, thịt cá thì biển hiệu màu gì, chữ gì cũng chả ảnh hưởng.

Nhưng với những tập đoàn lớn thì đây là điều không thể chấp nhận được.

Ở bất kỳ nơi nào xuất hiện tên thương hiệu, người làm marketing bắt buộc phải theo những tiêu chuẩn đã đăng ký: màu sắc, kiểu chữ, tỉ lệ kích cỡ, thậm chí không thể nói màu đỏ hay màu xanh mà phải có mã màu kèm theo mã số.

Đây là nguyên tắc quan trọng trong nhận diện thương hiệu và cũng là yếu tố mà các cơ quan quản lý dùng để xử lý các vụ cạnh tranh về thương hiệu.

Ví dụ như đối với hai hãng nước giải khát cạnh tranh hàng đầu thế giới, chỉ cần thấy màu xanh là người tiêu dùng tự hiểu ngay Pepsi, màu đỏ là Coca-Cola, bây giờ mà bảng Pepsi mang màu đỏ thì có chết người làm thương hiệu không!

Với những người làm nhiệm vụ cho thuê, chỉ cần cái logo Starbucks màu xanh lá cũng đủ tạo ra sự hãnh diện cho tòa nhà, nay bỗng đồng phục thì còn gì là tính quốc tế.

Có những màu sắc, kiểu chữ tưởng như bình thường nhưng đôi khi có giá hàng triệu đôla Mỹ.

Nên chăng chỉ quy hoạch kích cỡ, vị trí mà không can thiệp quá sâu vào màu sắc và nội dung để ngăn nắp nhưng đừng đồng phục, nhất là đánh đồng các giá trị thương hiệu với nhau?”.

Chọn màu xanh, đỏ để đồng bộ, hài hòa...

Bà Phạm Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (quận Thanh Xuân), cho hay hệ thống biển hiệu trên tuyến đường Lê Trọng Tấn được lắp đặt, thiết kế đồng bộ: Chiều cao trung bình so với mặt đất được cố định 3,0-3,2 m, chiều cao biển là 1,1 m, chiều rộng tối đa bằng chiều rộng công trình, màu sắc được thiết kế hai gam màu cơ bản là nền xanh hoặc đỏ và chữ trắng.

Kinh phí lắp đặt biển hiệu được TP Hà Nội tài trợ dựa trên nguồn xã hội hóa.

"Sở dĩ chọn hai màu xanh và đỏ là để đồng bộ, hài hòa về màu sắc với hệ thống màu sơn của nhà dân (vàng nhạt và ghi xám), hệ thống cây xanh ven đường, đèn LED chiếu sáng, phù hợp với khí hậu,..." - bà Hương thông tin.

Theo bà Hương, trong quá trình triển khai, quận đã tổ chức họp đến từng hộ dân và nhận được sự thống nhất. Trước khi làm, quận cũng cho lắp năm biển mẫu để các hộ đóng góp ý kiến và cơ bản là không có ý kiến trái chiều.

Đối với các tổ chức DN có logo và thương hiệu độc quyền, được cơ quan có thẩm quyền cấp theo đúng quy định, đang lắp đặt tại trụ sở đơn vị thì quận Thanh Xuân tôn trọng nhưng đề nghị khi thực hiện việc chỉnh trang cần đảm bảo kích thước để tạo sự thống nhất đồng bộ.

Theo bà Hương, cần phải phân biệt biển hiệu và logo, thương hiệu mang tính chất quảng cáo. Đối với hệ thống biển trên đường Lê Trọng Tấn là biển hiệu, theo đó, trên các biển này chỉ thể hiện các nội dung: Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, số điện thoại.

"Trước đây khi chưa có Luật Quảng cáo, người ta thường lẫn lộn, đánh đồng biển hiệu và quảng cáo. Ví dụ như cửa hàng phở sẽ vẽ thêm bát phở hoặc tiệm bánh mì sẽ vẽ thêm chiếc bánh mì... nhưng như vậy là sai" - trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin quận Thanh Xuân nói.

________________________________

Việc quy định về kích thước của biển hiệu là cần thiết để tạo sự đồng bộ trong kiến trúc đô thị.

Tuy nhiên, không nên can thiệp quá chi tiết vào nội dung của biển hiệu như cỡ chữ, màu sắc vì mỗi thương hiệu, mỗi sản phẩm đều có những đặc trưng riêng.

Do đó cần để DN và những người kinh doanh tự chịu trách nhiệm về nội dung trong biển hiệu (trừ những số nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục). Điều này cũng để tạo sự đa dạng, phong phú và tăng thêm sức sống cho đô thị.

Một lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại