Đông Nam Á nghi ngại Trung Quốc, e dè Mỹ

Thu Hằng |

70% người tham gia khảo sát muốn các chính phủ ở Đông Nam Á cẩn trọng trong đàm phán các dự án thuộc khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI)

Nghiên cứu "Tình hình Đông Nam Á: 2019" của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) công bố ngày 7-1 cho thấy mối lo ngại của một khu vực đang cố gắng tìm lối đi giữa sự trỗi dậy của Trung Quốc và suy giảm ảnh hưởng của Mỹ.

Cường quốc "thiếu tử tế"

Nghiên cứu được thực hiện trong 2 tháng cuối năm 2018 dựa trên khảo sát ý kiến của hơn 1.000 chuyên gia, giới phân tích và lãnh đạo doanh nghiệp ở 10 nước thành viên ASEAN. Theo đó, hơn 68% người được khảo sát nghi ngờ về độ tin cậy của Mỹ trong tư cách đối tác chiến lược và bảo đảm an ninh khu vực. Đồng thời, chỉ có 8,9% coi Trung Quốc là "cường quốc tử tế và vô hại".

Với Trung Quốc, nghiên cứu cho thấy nước này không giấu giếm tham vọng giành lại vị trí mà họ cho là xứng đáng trong các vấn đề quốc tế và Đông Nam Á sẽ là đấu trường thử nghiệm cho Bắc Kinh. 

Đa số những người được lo ngại khu vực sẽ trở thành nơi cạnh tranh giữa các cường quốc, từ đó dẫn tới phân cực chính trị khu vực sâu sắc hơn nữa. 

"Các nước thành viên ASEAN cần tập trung xoay xở để tránh trở thành con tốt trong trò chơi quyền lực của Trung Quốc hay Mỹ" - nghiên cứu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, 70% người được khảo sát muốn chính phủ nước mình cẩn trọng khi đàm phán các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc để tránh rơi vào "bẫy nợ".

Đáng chú ý, nghiên cứu trên cho thấy gần 70% số người được hỏi cho rằng Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn đụng độ ở Đông Nam Á, với ý kiến rõ rệt nhất đến từ Malaysia, Myanmar và Indonesia. Chỉ có 22,5% dự đoán 2 siêu cường sẽ giải quyết mâu thuẫn và xây dựng mối quan hệ dựa trên công việc.

Đàm phán thương mại

Kết quả này được công bố ngay trong ngày các quan chức Mỹ và Trung Quốc bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán thương mại tại Bắc Kinh, với hy vọng đạt được thỏa thuận trước khi thời hạn "đình chiến" 90 ngày kết thúc vào đầu tháng 3.

Giới quan sát không kỳ vọng có sự đột phá trong vòng đàm phán này vì Mỹ không cử quan chức cấp cao sang Bắc Kinh. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong chuyến đi 2 ngày này chỉ là Phó đại diện Thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish.

Theo báo South China Morning Post, các nguồn tin nói rằng tuy các cuộc hội đàm lần này không giải quyết được vấn đề song hai bên kỳ vọng nắm bắt cơ hội để kiểm tra các yêu cầu và đề nghị của nhau, đồng thời đánh giá khả năng thực hiện những hứa hẹn ban đầu.

Một cố vấn thương mại giấu tên của Bắc Kinh thừa nhận chỉ các quan chức cấp cao hơn như Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer mới có thể thông qua một thỏa thuận thương mại lớn. 

South China Morning Post tiết lộ Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đàm phán thương mại với Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn bên lề sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos - Thụy Sĩ từ ngày 22 đến 25-1.

Bầu không khí cuộc đàm phán nói trên đã bị phủ bóng bởi sự kiện tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS McCampell của Mỹ tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc cưỡng chiếm). Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr hôm 7-1 nhấn mạnh hoạt động tuần tra nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh và "bảo vệ quyền tiếp cận những tuyến đường hàng hải trong khuôn khổ luật pháp quốc tế".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại