Đông Nam Á là nơi 2 loài người hôn phối, để lại nhiều con lai

Anh Thư |

Đông Nam Á là một trong những khu vực sở hữu lượng hồ sơ hóa thạch liên quan đến lịch sử tiến hóa loài người phong phú nhất, cũng như là miền đất tình yêu nơi 2 loài người tiên tiến là Homo sapiens và Denisovans đã gặp gỡ và hôn phối.

Theo nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Ecology an Evolution, nhóm tác giả dẫn đầu bởi Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở London (Anh) và Đại học Adelaide (Canada) đã kiểm tra bộ gene của hơn 400 người hiện đại để lần tìm lại các cuộc hôn nhân dị chủng từng xảy ra đối với tổ tiên họ hàng chục ngàn năm về trước.

Kết quả đã xác nhận khoảng 50.000-60.000 năm về trước, trước khi loài người bí ẩn Denisovans tuyệt chủng, họ đã kịp để lại dòng máu trong các vị tổ tiên Homo sapiens chúng ta. Sự giao phối sâu sắc giữa 2 loài còn được thể hiện qua hồ sơ hóa thạch trong khu vực.

Đông Nam Á là nơi 2 loài người hôn phối, để lại nhiều con lai - Ảnh 1.

Hang Liang Bua của Indonesia, nơi các nhà khoa học đã từng tim thấy hài cốt Homo floresiensis và đang hy vọng tìm được thêm hài cốt Denisovans - Ảnh: ROSINO

Trong bài trích dẫn đăng tải trên trang chủ của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, các tác giả khẳng định Đông Nam Á là một trong những nơi sở hữu lượng hồ sơ hóa thạch phong phú nhất, ghi lại lịch sử tiến hóa loài người từ 1,6 triệu năm về trước.

Hiện tại có hóa thạch của ít nhất 3 loài người cổ đã tuyệt chủng được xác định: Homo erectus, Homo floresiensis và Hommo Iuzonensis rải rác trên nhiều hòn đảo trong khu vực. Nhưng không có bằng chứng cho thấy họ giao phối với tổ tiên Homo sapiens chúng ta.

Denisovans thì khác. Không có bằng chứng trực tiếp về loài này trên thế giới ngoại trừ vài mẩu xương vụn và một ít DNA từ 2 hang động ở Siberia và Tây Tạng. Nhưng đầy bằng chứng gián tiếp về họ: đó là những gene khác loài mà nhiều người châu Á còn mang tới ngày nay!

Lần tìm theo các bằng chứng DNA, nhóm nghiên cứu tin rằng người Denisovans đã cư trú ở đây 700.000 năm trước. Khi Homo sapiens đến, 2 loài đã gặp gỡ, trao đổi dòng máu cũng như văn minh.

Một số Homo sapiens thuần chủng và con lai ở lại nơi đây, trong khi một số khác tiếp tục di chuyển về phía châu Đại Dương ngày nay. Các bằng chứng địa chất cho thấy rất có thể khi đó các đảo quốc ở Đông Nam Á hay châu Đại Dương vẫn còn nối liền với nhau bằng những dải đất hẹp.

Đặc biệt hơn, Denisovans dường như cũng không lai với bất kỳ loài nào khác trong khu vực ngoại trừ Homo sapiens, dù nơi chủ yếu xảy ra các cuộc hôn phối dị chủng Homo sapiens - Denisovans có thể là những mảnh đất đã trở thành đảo trong khu vực Đông Nam Á ngày nay, cũng là nơi tập trung các hóa thạch của 3 loài khác.

Một nghiên cứu khác công bố năm 2019, dẫn đầu bởi Đại học New York (Mỹ) cho thấy 40% người châu Á sở hữu chiếc răng có đường nét Denisovans, là bằng chứng của những cuộc hôn phối khác loài của tổ tiên hàng chục ngàn năm trước.

Trong khí đó, một cuốn sách được giới thiệu vài tuần trước của giáo sư Tom Higham từ Đại học Oxford (Anh) tiết lộ người Homo sapiens, Neanderthals, Denisovans không chỉ giao phối mà còn học hỏi nhau, dẫn đến những "đột biến sáng tạo" quan trọng trong sự tiến hóa của loài người hiện đại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại