Trang The War Zone (Mỹ) đưa tin, Tổng thống Nga Putin đã thảo luận về tính khả thi của việc triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) siêu vượt âm mới nhất Oreshnik tại Hội nghị Thượng đỉnh song phương nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Nhà nước Liên minh Nga - Belarus, được tổ chức tại Minsk (Belarus) hôm 6/12.
Belarus đề nghị Nga triển khai Oreshnik
Cũng tại hội nghị này, Tổng thống Nga đã ký kết Hiệp ước về đảm bảo an ninh với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Với việc ký kết thỏa thuận này, quan hệ giữa Nga và Belarus đạt đến một cấp độ chưa từng có trong liên minh chiến lược và sự phối hợp hành động trong lĩnh vực quân sự. Điều này cho phép ngăn chặn bất kỳ sự vi phạm nào về toàn vẹn lãnh thổ của Nga và Belarus, bảo vệ chủ quyền và độc lập.
"Nga gần đây đã phóng thành công Oreshnik. Điều này đã có tác động nhất định đến các đối tác cũ của chúng tôi và giờ là các đối thủ. Đừng coi đây là một hành động thiếu lễ độ, nhưng tôi muốn công khai yêu cầu các bạn [Nga] triển khai các hệ thống vũ khí mới, chủ yếu là Oreshnik, trên lãnh thổ Belarus", Tổng thống Belarus Lukashenko phát biểu tại hội nghị, hãng thông tấn Interfax của Nga đưa tin.
"Tôi thực sự muốn các bạn suy nghĩ về điều đó và đồng ý với đề nghị của chúng tôi", ông Lukashenko nói.
“Tôi nghĩ điều này sẽ khả thi vào nửa cuối năm sau, khi việc sản xuất hàng loạt các hệ thống này ở Nga tăng lên và khi các hệ thống tên lửa này đi vào hoạt động trong lực lượng chiến lược của Nga”, Tổng thống Putin đáp lời, hãng tin Reuters đưa tin.
“Có một số vấn đề kỹ thuật mà các chuyên gia phải giải quyết, cụ thể là xác định tầm bắn tối thiểu có tính đến các ưu tiên đảm bảo an ninh của Cộng hòa Belarus”, ông Putin nói thêm.
Ông Putin cũng chỉ ra rằng nếu Oreshnik được triển khai tới Belarus, chúng sẽ nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Nga. Nhưng chính phủ Belarus sẽ có tiếng nói trong việc xác định mục tiêu mà vũ khí nhắm tới.
Theo The War Zone, thông tin chi tiết về Oreshnik vẫn còn hạn chế. Sau khi phóng tên lửa vào Ukraine hồi tháng 11, ông Putin đã mô tả đó là “hệ thống tên lửa tầm trung” và “tên lửa đạn đạo được trang bị công nghệ siêu thanh phi hạt nhân” có khả năng đạt tốc độ tối đa là Mach 10 (tương đương 10.500 km/h).
“Tác động động học rất mạnh, giống như một thiên thạch rơi xuống”, Tổng thống Nga miêu tả.
Theo Reuters, vào thời điểm xảy ra vụ tấn công thành phố Dnipro của Ukraine hồi tháng trước, giới chức Ukraine cho biết rằng tên lửa được bắn vào nước họ mang theo sáu đầu đạn, mỗi đầu đạn chứa sáu tải trọng phụ. Các quan chức ở Ukraine sau đó cũng nói rằng các đầu đạn không chứa thuốc nổ.
Washington cho rằng Oreshnik là vũ khí tầm trung dựa trên tên lửa RS-26 Rubezh, quá trình phát triển được cho là đã bị gác lại vào năm 2018.
Mặc dù Rubezh được phân loại chính thức là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), nhưng từ lâu đã có những cuộc thảo luận về việc liệu đó có phải là thiết kế tên lửa đạn đạo tầm trung-xa (IRBM) hay không. IRBM và ICBM được định nghĩa là có tầm bắn tối đa lần lượt là 3.000 - 5.500 km và trên 5.500 km.
Oreshnik vẫn đang trong quá trình phát triển
The War Zone nhận định, phát biểu của Tổng thống Putin hôm 6/12 rằng Oreshnik vẫn chưa được sản xuất hàng loạt cho thấy rằng loại tên lửa này vẫn đang trong quá trình phát triển và hiện tại có thể mới chỉ có một số lượng rất hạn chế.
Lưu ý của Tổng thống Nga rằng tầm bắn tối thiểu của Oreshnik dường như vẫn cần được xác định cũng rất đáng chú ý. Trong vụ phóng tên lửa vào Ukraine hồi tháng 11, Oreshnik đã bắn trúng mục tiêu cách địa điểm phóng khoảng 800 km.
Do đó, theo The War Zone, việc triển khai tên lửa Oreshnik tới Belarus thực sự có những hạn chế khi sử dụng chúng nhằm vào một số mục tiêu nhất định, chẳng hạn như những mục tiêu ở Ukraine, vì khoảng cách theo đường chim bay giữa cực bắc của Belarus và biên giới Ukraine chỉ hơn 560 km, còn thủ đô Kyiv của Ukraine chỉ cách biên giới với Belarus khoảng 90 km.
Cũng đã có nhiều cuộc thảo luận về mối đe dọa mà Oreshnik có thể gây ra đối với các mục tiêu ở những nơi khác tại châu Âu, bao gồm cả thủ đô của tất cả các nước thành viên NATO trong khu vực. Từ các địa điểm phóng ở Belarus, tầm bắn tối thiểu của Oreshnik cũng có thể là một yếu tố cần cân nhắc. Belarus tiếp giáp với các thành viên NATO là Ba Lan, Latvia và Litva, và cũng ở khá gần một thành viên khác của liên minh là Estonia.
Theo The War Zone, Oreshnik có thể được phóng theo quỹ đạo rất cao để bắn trúng mục tiêu ở tầm ngắn hơn, nhưng vẫn có giới hạn đối với những gì có thể đạt được theo cách này. Làm như vậy cũng có thể tăng tốc độ di chuyển của tên lửa và/hoặc bất kỳ tải trọng nào mà nó phóng ra trong giai đoạn cuối, cũng như khả năng gây áp lực phá hủy tiềm tàng lên mục tiêu.