Đồng minh của Nga 'úp mở' chuyện bán 800 triệu euro đạn dược cho Ukraine, Điện Kremlin liền phản ứng

Hữu Hiển |

Điện Kremlin đã phản ứng trước thông tin rằng đạn dược từ Serbia, vốn được coi là đồng minh truyền thống của Moscow, đã gián tiếp đến Ukraine.

Tờ Newsweek hôm 24/6 đưa tin, Belgrade có quan hệ tốt với Moscow và đã từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt chống lại Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Belgrade và Moscow đã nổi lên kể từ khi chiến sự tại Ukraine bắt đầu, với việc Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic gọi Ukraine là "quốc gia thân thiện" và bày tỏ quan điểm liên quan tới chủ quyền Crimea, vùng lãnh thổ Nga sáp nhập năm 2014 và khu vực Donbas, miền Đông Ukraine.

Đồng minh của Nga 'úp mở' chuyện bán 800 triệu euro đạn dược cho Ukraine, Điện Kremlin liền phản ứng- Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine vận hành pháo tự hành 2S1 Gvozdika ngày 27/4/2024 tại vùng Kherson, Ukraine. Ảnh: Getty

Mối quan hệ của Serbia với Ukraine và Nga trở nên nổi bật khi tờ Financial Times hôm 22/6 đưa tin rằng, số đạn dược xuất khẩu trị giá khoảng 800 triệu euro của Serbia đã đến Ukraine thông qua bên thứ ba.

Tổng thống Serbia Vucic nói với Financial Times rằng, mặc dù Serbia không thể xuất khẩu sang Ukraine hoặc Nga, nhưng họ vẫn có hợp đồng với Mỹ, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc và các nước khác và đó là công việc của họ.

Khi được hỏi về các thương vụ đạn dược của Serbia, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Chúng tôi đã thấy và nghe những tuyên bố này của ông Vucic, chúng tôi sẽ đề cập đến chủ đề này khi liên hệ với những người bạn Serbia của chúng tôi", hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin hôm 24/6.

Nikola Mikovic - một nhà phân tích chính trị ở Belgrade - nói với Newsweek rằng, Tổng thống Serbia Vucic coi thỏa thuận xuất khẩu đạn dược này là một "cơ hội thương mại lớn"; và trái ngược với nhận định của phương Tây, Belgrade không phải là đồng minh của Moscow. Theo ông Mikovic, Serbia đã lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và ủng hộ các nghị quyết chống Nga tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Mikovic nói với Newsweek rằng: "Chính phủ Serbia công khai ủng hộ Ukraine về mặt chính trị và ngoại giao, trong khi họ gián tiếp vũ trang cho Kyiv".

Reuters đưa tin, cái gọi là vụ rò rỉ thông tin của Lầu Năm Góc vào năm 2023 cho thấy rằng Serbia bị cáo buộc cam kết cung cấp hoặc bàn giao vũ khí sát thương cho Kyiv, điều mà chính phủ Serbia công khai phủ nhận.

Nhưng Tổng thống Vucic nói với Financial Times trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm 22/6 rằng, việc bán đạn dược của Serbia là "một phần trong nỗ lực hồi sinh kinh tế của chúng tôi và quan trọng đối với chúng tôi".

“Ngay cả khi tôi biết [đạn ở đâu] thì đó cũng không phải việc của tôi. Công việc của tôi là đảm bảo thực tế rằng chúng tôi giao dịch hợp pháp với đạn dược của mình và bán nó... Tôi cần phải chăm lo cho người dân của mình, thế thôi. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói. Chúng tôi có bạn bè ở Kyiv và Moscow. Đây là những người anh em Slav của chúng tôi", ông Vucic nói.

Nhà phân tích Mikovic cho biết, Moscow sẽ không gây nguy hiểm cho mối quan hệ với Belgrade. Điện Kremlin chấp nhận các động thái của Tổng thống Vucic nhằm mục đích duy trì nhận thức rằng có một quốc gia châu Âu không có lập trường chống Nga.

"Điều mà ông Vucic gần như chắc chắn lo ngại là phản ứng của các cử tri của ông ấy, vì đại đa số họ có quan điểm ủng hộ Nga mạnh mẽ", Mikovic nói, "Đó là lý do tại sao các phương tiện truyền thông ủng hộ chính phủ Serbia giữ im lặng trước các báo cáo về việc Belgrade trang bị vũ khí cho Ukraine".

Theo Financial Times, Serbia không phải là thành viên NATO hay EU, và người dân nước này từ lâu đã có tình cảm gắn bó với Nga trong khi căm phẫn với phương Tây sau vụ ném bom của NATO vào Nam Tư năm 1999. 

Belgrade cũng trông cậy vào Moscow để ngăn chặn sự công nhận quốc tế đối với Kosovo -  vùng lãnh thổ đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 và cho tới nay vẫn chưa được toàn thể cộng đồng quốc tế công nhận. Hiện nay, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vẫn chia rẽ về vấn đề độc lập của Kosovo.

Đồng minh của Nga 'úp mở' chuyện bán 800 triệu euro đạn dược cho Ukraine, Điện Kremlin liền phản ứng- Ảnh 3.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Vucic đã chống lại áp lực của phương Tây trong việc tham gia trừng phạt Nga và cho phép máy bay của Nga bay qua lãnh thổ Serbia, ngay cả khi ông Vucic cam kết đưa đất nước mình trở thành thành viên EU. 

Theo Financial Times, Serbia có ngành công nghiệp vũ khí phát triển mạnh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi còn là một phần của Nam Tư, và là nhà sản xuất các loại đạn cỡ tiêu chuẩn của Liên Xô vẫn được sử dụng rộng rãi trong lực lượng vũ trang Ukraine. 

Serbia cũng đang tham gia vào xu hướng toàn cầu là tìm cách thúc đẩy doanh số bán vũ khí vào thời điểm Nga đang phát động nền kinh tế thời chiến, đẩy mạnh sản xuất vũ khí nhanh hơn các đồng minh phương Tây của Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại