Vì Đồng Lan quá bận nên cuộc phỏng vấn giữa chúng tôi liên tục bị ngắt quãng và kéo dài tới 3,4 ngày mới xong. Nhưng không vì phỏng vấn online mà cả người hỏi và người trả lời "dễ dãi" cho nhau.
"Đời này cứ sợ bị ném đá thì chắc chỉ nên ngồi trong hang"
Được biết, đúng ngày giỗ Trịnh Công Sơn năm nay, Đồng Lan sẽ chính thức phát hành album nhạc Trịnh bằng tiếng Pháp. Ca từ nhạc Trịnh vốn rất nhiều lớp nghĩa. Khi chuyển dịch sang tiếng Pháp, để giữ được đúng "tinh thần" nhạc Trịnh là điều không dễ dàng. Làm không khéo, có thể còn bị "ném đá" nữa. Đồng Lan có nghĩ tới trường hợp này?
Nếu cả đời này cứ sợ bị ném đá thì chắc chỉ nên ngồi trong hang nhưng album Jazz Đồng Lan hát nhạc Trịnh "Này em có nhớ" vẫn ra đời. Anh Trịnh có viết "hãy yêu nhau đi cho ngày quên tháng" vậy thì ném đá chi cho mỏi tay, ném hoa cho thơm tay.
Ca từ của Trịnh chính là nét đặc sắc trong nhạc Trịnh, với cảm nhận của Lan thì mỗi ca khúc đều chứa không chỉ một bức vẽ mà rất nhiều bức vẽ hình ảnh nên ai cũng có thể thả lòng tự do mà cảm nhận theo cách riêng song đó cũng là một khó khăn để chuyển dịch lời Việt sang lời Pháp.
Lan dám chắc rất nhiều người Việt còn không hiểu hết nghĩa của ca từ Trịnh vậy thì dịch sang tiếng Pháp sẽ là một bài toán đau đầu. Nhưng Lan may mắn làm việc với một nhà thơ người Pháp rất yêu thích văn hoá Việt Nam và nhạc Trịnh. Chúng tôi mất khoảng 5 năm làm việc cùng nhau để có bản chốt cuối cùng.
Ca khúc "Để gió cuốn đi" từ khi bắt đầu tới khi có bản chốt mất 4 năm. Mỗi lần làm việc về bản dịch là mỗi lần từ thú vị tới đau đầu vì phải gắng dịch sát nghĩa lời gốc, mang được tinh thần của lời gốc mà vẫn hợp với ngôn ngữ văn hoá Pháp để người Pháp hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp của ca từ Trịnh.
Ca sĩ Đồng Lan ngoài đời và...
Mang vẻ đẹp và niềm tự hào về nhạc Trịnh tới cộng đồng Pháp ngữ cũng là một mong muốn khiến Lan ấp ủ dự án này lâu đến vậy.
Toàn bộ nhạc và thu âm cũng như mix - master đều được thực hiện tại Paris. Vì anh Trịnh Công Sơn mà Lan mất một tháng "bỏ nhà" sang Pháp để làm việc cùng các nghê sĩ Pháp cuối năm 2017.
Ngó tuyết rơi ngoài cửa sổ và cái tĩnh lặng của những hàng cây, những con đường làm Lan thấy mình chạm sâu hơn vào những bài hát của anh. "Này em có nhớ" cũng là một ca khúc khiến Lan hồ hởi và nuối tiếc vì không có cơ hội được trực tiếp gặp anh Trịnh.
Trong album Vol2- Đồng Lan Rose, Lan có hát" Bên đời hiu quanh" qua tiếng Pháp, lúc tới nhà chị Trịnh Vĩnh Trinh cho chị nghe, chị liền lập tức đi ký giấy miễn tác quyền cho Lan ca khúc đó và nói, nếu anh Trịnh còn sống chắc anh sẽ rất quý Lan.
Lan từng sáng tác một ca khúc tặng một người bạn đã đổi thay, ca khúc tên "Trói vào u mê" (nằm trong album jazz tiếp theo đã hoàn thiện phần thu âm bên Mỹ tháng 8/2018, cũng dự kiến ra mắt trong năm nay) có đoạn "Người còn nhớ không người, Phật bỏ chốn trần gian. Người còn hát không người Om mani padme hum .."
Dạo đó còn đau lòng nhiều lắm vì đó là câu chuyện thực mình trải qua rồi bỗng một đêm khuya Lan vô tình nghe lại "Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người, này em..." trái tim Lan bỗng như bừng sáng lên trong đêm, Lan thấy mình được chia sẻ, không cần gặp, không cần nghe nói, chỉ cần một lời hát... lòng Lan nhẹ vô vùng và tình yêu nhạc Trịnh của Lan lớn dần lên sau đó.
trên sân khấu
Hẳn Đồng Lan gặp không ít khó khăn khi thực hiện một dự án "khủng" như vậy? Hát nhạc Trịnh bằng tiếng Pháp có thể được hiểu là 1 cách làm mới nhạc Trịnh. Vậy phía gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tiếp nhận dự án này như thế nào?
Đây là một dự án táo bạo vì việc hát nhạc Trịnh theo một cách hoàn toàn khác Lan phải sẵn sàng đón nhận 2 luồng tư tưởng. Ủng hộ và không ủng hộ nhưng nếu cứ lo sợ thì chẳng làm được gì thậm chí Lan còn thấy thích thú với những luồng ý kiến trái chiều, điều đó giúp mọi người cùng tư duy hơn về điều họ quan tâm, tư duy hơn về nhạc Trịnh là "sống" hơn.
Nếu cả đời chúng ta chỉ làm theo những điều số đông làm thì nào khác gì ta nhờ số đông suy nghĩ giúp ta, sống giúp ta. Nếu ta chỉ thích nhạc Trịnh vì mọi người đều thích nhạc Trịnh mà không đào sâu suy nghĩ về nhạc Trịnh thì quả là một thất thoát lớn cho chính chúng ta.
Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ hiếm hoi Lan thấy thực sự rung động cả về tài năng lẫn nhân cách. Lan không được gặp anh nhưng được gặp những người bạn thân thiết của anh và ai cũng nói về anh với đầy sự kính trọng. Hình ảnh Trịnh Công Sơn trong Lan "âm nhạc và con người thực hoà làm một".
Khó khăn lớn nhất của Lan chính là việc chuyển dịch phần lời sang tiếng Pháp. Thu âm nhạc Trịnh bằng phong cách jazz cũng là một khó khăn nối tiếp khó khăn.
Tại sao Lan lại phải lặn lội sang tận Paris làm nhạc và thu âm? Nhạc Trịnh có rất nhiều điểm tương đồng với nhạc Pháp, giai điệu nhẹ nhàng, ca từ thâm thuý triết lý, Lan đã chọn chuyển dịch sang tiếng Pháp thì sẽ sang tận Pháp để làm nhạc và thu jazz theo tinh thần Pháp. Ở đâu cũng có người chơi nhạc jazz nhưng tinh thần của jazz Pháp thì chỉ người Pháp mới có.
Thật sự là rất nhiều khó khăn nhưng vượt qua tất cả những khó khăn đó Lan thấy cuộc tự thử thách bản thân cuối cùng cũng mang cho Lan một nụ cười nhẹ nhàng, như những lúc Lan thả hồn trong phòng thu để thu âm những ca khúc Trịnh trên đất Pháp vậy.
Lan có gửi một vài bản demo cho gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nghe, mọi người đều khen lạ và rất thích. Biết ơn tất thảy những động viên. Phiên bản đĩa than (sản xuất bên Mỹ) sẽ chính thức ra mắt vào giữa tháng 6/2019.
Lúc trong phòng thu ở Pháp.
Nói về mưu toan thì Lan xin thua!
Mặc dù chưa chính thức phát hành nhưng có vẻ như album nhạc Trịnh hát tiếng Pháp của Đồng Lan được rất nhiều đồng nghiệp quan tâm và "xì xào" những ngày gần đây. Ngay lúc này, Đồng Lan nghĩ gì?
Được đồng nghiệp "xì xào" quan tâm là điềm lành rồi (cười). Album sẽ chính thức có trên kệ nhạc vào ngày 1.4 ngày mất của Trịnh Công Sơn và điều thú vị đó cũng là ngày cá tháng Tư, ngày nói dối.
Hình như sự ra đi của anh chỉ nhẹ nhàng như môt lời nói dối, anh vẫn còn mãi ở đây, người ta chỉ thực sự chết đi khi không ai còn nhớ tới nhưng Trịnh Công Sơn thì không.
Có thể thấy, album này của Đồng Lan rất kén khán giả. Đồng Lan đã làm nghề đủ lâu để hiểu rằng, ca sĩ, nghệ sĩ không thể chỉ làm nghề vì đam mê mà phải có xôi thịt trên mảnh đất nghệ thuật ấy thì mới sống được. Việc album kén người nghe cũng đồng nghĩa với việc kén show. Mà nghệ sĩ ca sĩ làm dự án để "ăn" những show sau đó. Đồng Lan đã tiên liệu điều này?
Âm nhạc là thứ ngôn ngữ không có ranh giới, tại sao phải giới hạn đối tượng khán giả, hơn nữa Lan hát song ngữ Việt- Pháp.
Còn nói về mưu toan thì Lan xin thua. Ai nói xôi thịt với âm nhạc thì cứ việc còn Lan xưa giờ đã chọn đường "khó nhai". Mọi người vẫn nói chơi "Lan không có ăn cơm, Lan ăn đèn", chắc thế mà mãi chẳng béo.
Một album trong gần 6 năm, mất quá nhiều thời gian, công sức và tiền của. Lan chưa bao giờ làm album mà nghĩ sẽ lấy lại được vốn cả cho nên số tiền đâu tư cho dự án này là không thể tính, nên sẽ nhờ khán giả tính dùm.
Lan mong tấm tình dành cho nhạc Trịnh này tìm được đồng điệu từ khán giả ủng hộ mua đĩa thật nhiều để có thê thêm "nguyên liệu" làm nhạc tiếp phục vụ khán giả và thỏa đam mê.
Và khi phiêu với âm nhạc...
Đồng Lan là một ca sĩ rất đặc biệt, không chỉ không đi theo số đông mà còn khác biệt, thậm chí "dị biệt". Mà cái gì dị biệt thường khó được đón nhận, ít nhất là ngay thời gian đầu. Album này cũng thế. Đồng Lan sẽ nghĩ gì nếu bị đồng nghiệp khán giả nói "phô trương", thậm chí là "làm lố"?
Tôi không khoe mẽ, phô trương, làm lố. Tôi chỉ khoe đam mê của mình! Làm theo số đông thì có khác gì đi làm sáng tạo mà copy? Tôi không sợ khác biệt, tôi lại sợ bị nói giống người này người kia.
Người mình thích an toàn nên cứ chạy theo số đông cho khỏi bị ném đá nhưng trong nghệ thuật tìm được sự khác biệt mới là điều đáng quý, dù kén khán giả nhưng vấn có những khán giả riêng, đã cảm, đã yêu thì rất chung thuỷ và tôi may mắn vì có được hạnh phúc ấy.
Cảm ơn Đồng Lan đã chia sẻ!