Trưa ngày 11/3/2011, nước Nhật bất ngờ chìm trong thảm họa.
Thảm họa ấy là một trận động đất mạnh hơn 9 độ richter xảy ra tại bờ đông của Nhật Bản, kéo theo đó là một trận sóng thần khổng lồ đánh thẳng vào 2 tỉnh Miyagi và Fukushima, khiến hàng chục ngàn người tử vong. Và không chỉ vậy, thảm họa nối thảm họa, nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tại Ōkuma xảy ra hàng loạt những vụ nổ, phát thải phóng xạ siêu độc hại vào môi trường xung quanh.
Sự kiện ấy được gọi là "thảm họa kép Fukushima", nằm trong số những thảm họa hạt nhân chết chóc nhất lịch sử nhân loại. Đến tận bây giờ, con số "3.11" vẫn là thứ gì đó đầy ám ảnh với người Nhật, bởi lẽ họ vẫn đang phải tìm cách giải quyết hàng triệu tấn nước nhiễm xạ và hàng trăm ngàn tấn chất thải phóng xạ thể rắn.
Nhưng giữa những đau thương, đã có một hiện tượng kỳ lạ xảy ra. Xung quanh nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima giờ bỗng mọc lên những cánh đồng hoa hướng dương vàng ươm, rộng lớn.
Chuyện gì đã xảy ra?
Thực chất là chẳng có gì bí ẩn cả. Cánh đồng hoa hướng dương ấy là do con người trồng nên, nằm trong số các giải pháp được người Nhật sử dụng để tẩy rửa các dư chất phóng xạ.
"Chúng tôi trồng hoa hướng dương, bông cải và bông mã đề - những loại cây được cho là có khả năng hấp thụ phóng xạ," - trích lời Koyu Abe, trụ trì đền Phật giáo Joenji gần đó chia sẻ với Reuters vài tháng sau thảm họa. "Chúng tôi đã trồng khoảng 200.000 bông hoa, và đang gieo hạt thêm. Ít nhất 8 triệu hoa hướng dương nở tại Fukushima bắt nguồn từ đây."
Đây cũng không phải là một quan niệm tâm linh, mà có hẳn một cơ sở khoa học khá vững chắc đằng sau. Hoa hướng dương hóa ra thực sự có khả năng hấp thụ rác thải phóng xạ từ môi trường. Đây cũng là lý do vì sao giới chuyên gia trồng chúng sau thảm họa hạt nhân Chernobyl vào năm 1986.
"Hoa hướng dương là một chất hấp thụ phóng xạ rất tốt," - chuyên gia Michael Blaylock giải thích trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2011. "Đó là lý do vì sao hoa hướng dương thường được trồng cạnh các nhà máy năng lượng hạt nhân. Bụi phóng xạ từ vụ nổ Chernobyl có thể được giải quyết phần nào nhờ việc trồng loài hoa này."
Bản thân hoa hướng dương cũng sở hữu những đặc tính phù hợp để dọn dẹp hậu quả sau thảm họa hạt nhân. Chúng lớn nhanh, dễ trồng, thậm chí là rất dễ vì có thể sinh tồn ở bất kỳ đâu. Đặc biệt hơn nữa, hoa hướng dương lưu trữ phần lớn sinh khối trong lá và thân cây, dẫn đến việc những chất phóng xạ chúng thu được có thể dễ dàng loại bỏ mà không cần phải đào cả gốc rễ lên.
Việc sử dụng cây trồng để giải quyết chất thải phóng xạ từ môi trường là một thành công rất lớn ở Chernobyl. Thảm họa hạt nhân khi ấy đã khiến đất trồng và nguồn nước xung quanh nhà máy bị nhiễm xạ nặng nề, với các nguyên tố cesium và strontium.
Sở dĩ phương pháp này hoạt động được là vì khả năng bắt chước dưỡng chất của các đồng vị phóng xạ. Như cesium sẽ mô phỏng kali - chất cây cối cần để quang hợp, trong khi strontium bắt chước calcium (can-xi) - thứ hỗ trợ kết cấu cho cây.
"Phương pháp này rất hiệu quả để làm sạch nguồn nước" - Blaylock giải thích. "Đất trồng thì lại là câu chuyện khác, vì cesium trong đất khá ranh ma. Nhưng chỉ cần làm đúng cách, chúng có thể làm sạch những mảnh đất nhiễm xạ cực kỳ hiệu quả."
Tuy nhiên khác với Chernobyl, việc dùng cây cối để tẩy rửa phóng xạ tại Fukushima lại không thành công. Không có nhiều tài liệu về thí nghiệm sử dụng cây trồng tại đây, và cũng có rất ít nghiên cứu tìm ra loại cây đủ khả năng để hút được lượng đồng vị phóng xạ đáng kể. Đây cũng không phải điều bất ngờ, vì giữa Fukushima và Chernobyl có quá nhiều điểm khác biệt để cùng một phương pháp mang lại hiệu quả.
"Một vấn đề ở Chernobyl là chúng tôi quay lại đó sau nhiều năm. Lúc đó đã có quá nhiều thời gian để cesium ổn định trong đất. Và ngoài ra, nó phụ thuộc rất nhiều vào loại đất trồng" - Blaylock nói thêm. "Các loại đất có hàm lượng mica cao (như đất sét) sẽ rất khó để loại bỏ phóng xạ một khi chúng đã trở nên ổn định."
Nhưng dẫu những bông hoa hướng dương không cứu nổi Fukushima thời kỳ hậu thảm họa, chúng vẫn có ích theo một số cách khác.
"Chúng tôi khá bận rộn, khi hàng trăm người dân địa phương tới hái hoa" - Tomoe, cư dân địa phương chia sẻ. "Nó giúp chúng tôi quên đi nỗi đau quá lớn đã xảy ra."