Các nhà khoa học nguyên tử mới đây đã để "Đồng hồ ngày tận thế" thể hiện thời điểm gần nửa đêm hơn bao giờ hết - thời khắc biểu tượng cho thảm họa hạt nhân.
Tổ chức xuất bản Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử giải thích, việc đặt đồng hồ ở 90 giây trước nửa đêm là do các bên trong xung đột Ukraine và Dải Gaza có vũ khí hạt nhân trong tay, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ, sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo tạo sinh và các mối đe dọa sinh học ngày càng gia tăng là những yếu tố dẫn đến nguy cơ của thảm họa toàn cầu.
Ngoài ra, thay vì từ bỏ, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân lại đang nâng cấp kho vũ khí của mình và đe dọa tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Giáo sư Alexander Glaser tại Đại học Princeton, Mỹ cho rằng: "Nhiều quốc gia có vũ khí hiện đang theo đuổi các chương trình mở rộng và hiện đại hóa sâu rộng. Điều đó thực sự là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, về cơ bản sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng có thể tồn tại cho đến năm 2100. Vì vậy, bức tranh khá ảm đạm trong lĩnh vực hạt nhân năm nay".
Tổ chức xuất bản Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử ở Mỹ đã tạo ra chiếc 'Đồng hồ ngày tận thế' vào năm 1947, trong thời kỳ căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, để cảnh báo công chúng về việc loài người đang tiến gần đến việc hủy diệt thế giới như thế nào. Bản tin được các nhà khoa học, trong đó có Einstein và Oppenheimer, thành lập vào năm 1945.