Đông đảo nhất về số lượng, các tổng công ty của Bộ Quốc phòng đang kinh doanh những lĩnh vực nào?

Tuyết Lan |

Chiếm gần một nửa số doanh nghiệp trực tiếp quản lý, xây dựng – bất động sản là lĩnh vực có sự hiện diện của nhóm doanh nghiệp Quốc phòng nhiều nhất.

Nghị quyết 520, Chỉ thị 430 mới đây cho biết Bộ Quốc phòng sẽ chỉ giữ lại những doanh nghiệp quân đội hoạt động công ích, thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ là cơ hội chưa từng có với nhiều nhà đầu tư.

Bộ Quốc Phòng hiện đang là bộ ngành đang trực tiếp quản lý nhiều Tập đoàn, tổng công ty nhất với hơn 20 doanh nghiệp trực thuộc.

Do đặc thù hoạt động, các Tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ viễn thông, logistics, cơ khí, trồng trọt và gần chục đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng - bất động sản.

Là lĩnh vực chiếm ưu thế nhất về số lượng, xây dựng – bất động sản có sự hiện diện của gần một nửa số doanh nghiệp, tuy nhiên mỗi tổng công ty, tập đoàn trực thuộc Bộ Quốc phòng lại có những thế mạnh riêng.

Đông đảo nhất về số lượng, các tổng công ty của Bộ Quốc phòng đang kinh doanh những lĩnh vực nào? - Ảnh 1.

Một số doanh nghiệp lớn khác cũng hoạt động trong lĩnh vực này có thể kể đến như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thuộc Binh đoàn 12, Tổng công ty 36, Tổng công ty 319 hay Tổng công ty xây dựng Lũng lô. Trong đó Tổng công ty 36 và Tổng công ty 319 là những doanh nghiệp “đánh đông dẹp bắc” với thanh thế lớn nhất.

Nếu như Tổng công ty 319 gây dựng hình ảnh với các dự án bất động sản và hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án BOT và mở rộng quốc lộ 1A, thì Tổng công ty 36 lại hướng tới hoạt động thi công xây lắp và xây dựng cơ bản (chiếm trên 80% tổng doanh thu)

Năm 2016, tổng doanh thu của Tổng công ty 36 đạt gần 3.700 tỷ đồng, so với quy mô tổng tài sản gần 7.000 tỷ.

Những năm gần đây, giá trị doanh thu của doanh nghiệp này luôn duy trì ở mức cao, cụ thể trong năm 2012 đạt 2.729 tỷ đồng, năm 2013 đạt 3.083 tỷ đồng, năm 2014 là 3.568 tỷ đồng và năm 2015 là khoảng 3.785 tỷ đồng, mức tăng trưởng doanh thu bình quân qua các năm trên 12%.

Cùng xuất phát từ Binh đoàn 11, Tổng công ty 789 và Tổng công ty Thành An cũng đều hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng – bất động sản.

Trong đó, Tổng công ty Thành An góp mặt trong nhiều công trình trọng điểm như Nhà ga T1 Sân bay Nội Bài và dự án y tế, bệnh viện lớn như Bệnh viên Bạch Mai cơ sở II, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba – Đồng Hới, Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương, cùng một số dự án BOT Quốc lộ 1, còn Tổng công ty 789 lại nổi bật với hoạt động xây dựng dân dụng và sản xuất vật liệu xây dựng.

Trong số những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty xây dựng Lũng Lô là những đơn vị có thế mạnh đặc thù trong xây lắp các công trình thủy điện.

Trường Sơn cũng là đơn vị lắp đặt đường dây tải điện 500Kv Bắc Nam và nhiều công trình thủy điện miền Trung, trong khi Lũng Lô từng nhận những công trình hàng trăm tỷ đồng từ Tổng công ty Điện lực Việt Nam thi công đường hầm Thủy điện Đa Him và Hàm Thuận.

Đông đảo nhất về số lượng, các tổng công ty của Bộ Quốc phòng đang kinh doanh những lĩnh vực nào? - Ảnh 2.

Là doanh nghiệp có lĩnh vực hoạt động khá chuyên biệt, Tổng công ty Hợp tác Kinh tế đầu tư tập trung chủ yếu vào các công trình tại Lào và 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Trong khi đó, Tổng công ty xây dựng Công trình Hàng Không (ACC) sản xuất chủ yếu các sản phẩm bê tông cho các dự án lớn.

Với lĩnh vực đóng tàu, hai doanh nghiệp lớn trực thuộc Bộ Quốc phòng đang hoạt động này gồm Tổng công ty Sông Thu và Tổng công ty Ba Son, tuy nhiên mỗi doanh nghiệp hoạt động với một đặc thù riêng.

Hoạt động chính của Ba Son hướng đến loại tàu chở hàng tổng hợp và tàu container (chiếm trên 50% số sản phẩm trong những năm gần đây), thì Sông Thu hướng tới các sản phẩm mang công năng riêng biệt như tàu công trình, tàu tuần tra quốc phòng và tàu đa năng xử lý các sự cố trên biển.

Trong số hơn 20 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam là cái tên duy nhất hoạt động trong lĩnh vực hàng không, chủ yếu phục vụ hoạt động bay trong lĩnh vực dầu khí và cho thuê chuyên nghiệp.

Đơn vị này đang sở hữu đội ngũ phi công 120 người với 28 chiếc trực thăng, theo kế hoạch đội bay sẽ tăng lên 36 chiếc vào năm 2020.

Thực trạng tương tự với lĩnh vực trồng trọt khi Tổng công ty 15 là doanh nghiệp duy nhất hoạt động trồng cao su và khai thác cao su thiên nhiên. Tuy nhiên với đà lao dốc của giá mặt hàng này trong những năm gần đây, hoạt động của Tổng công ty 15 dần trở nên mờ nhạt so với những doanh nghiệp khác trong nhóm.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác, dù chỉ ở thế “thân cô thế cô” nhưng đang trở thành những doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình như Viettel (viễn thông), Tân Cảng Sài Gòn (Logistics), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec) hay Tổng công ty Đông Bắc (khai thác than).

Riêng với tài chính, Ngân hàng Quốc đội (MBB) cũng thuộc top một trong những ngân hàng lớn nhất hiện nay và được xét trong nhóm Big 4 của thị trường.

Được niêm yết từ năm 2011 nhưng phải đến đầu năm 2017 và đặc biệt là cuối tháng 5/2017, cổ phiếu MBB mới thực sự thăng hoa và đưa vốn hóa thị trường của Ngân hàng Quân Đội lên hơn 38.000 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I/2017, MBB đạt tổng tài sản hơn 250.000 tỷ với vốn điều lệ hơn 17.000 tỷ đồng. Năm 2016, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này cũng đạt tới 24% - cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết tại Việt Nam.

Trong số những doanh nghiệp kể trên, ngoài MBB và Tổng công ty 36 đã cổ phần hóa và đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu, những cái tên còn lại hầu hết vẫn trực thuộc bộ quốc phòng.

Ngoại trừ Tổng công ty 15, những doanh nghiệp còn lại đều có hoạt động ổn định và có tiềm năng phát triển, đây sẽ là những cơ hội hiếm có với nhà đầu tư nếu những doanh nghiệp này cổ phần hóa và thoát khỏi “cái bóng” Bộ Quốc phòng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại