Quân đội rút dần khỏi kinh tế, nhà đầu tư quan tâm nhất đến công ty nào?

Vương Diệu Quân |

Quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội đã và đang được tiến hành. Những doanh nghiệp quân đội nào sẽ được các nhà đầu tư quan tâm nhất khi sắp tới chỉ còn 29 doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý? Viettel, Tân Cảng Sài Gòn là 2 cái tên đứng đầu danh sách.

Trong số các công ty quân đội, 2 tên tuổi nổi bật nhất có thể kể đến là: Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel);Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP), ngoài ra còn có thể kể đến Tổng công ty Trực thăng Việt Nam hay Ngân hàng cổ phần Quân đội (MB). Đây là 4 trong số hàng chục tổng công ty của quân đội.

Hiện tại, những công ty này cũng là đối tượng “săn lùng” của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong số đó, Viettel là công ty lớn nhất với doanh thu năm 2016 là hơn 10 tỷ USD (226.558 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế khoảng 2 tỷ USD (43.200 tỷ đồng).

Theo quyết định của Thủ tướng, vốn điều lệ của Viettel trong giai đoạn 2015-2020 sẽ tăng từ 100.000 tỷ đồng lên 300.000 tỷ đồng (gần 14 tỷ USD).

Ngoài việc là hãng viễn thông số 1 tại Việt Nam, Viettel đang đầu tư tại 9 quốc gia khác mà có tới 5 thị trường đứng vị trí số 1 về thị phần. Trong nền kinh tế Việt Nam, Viettel có thể ví như Samsung ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, công ty mẹ Viettel vẫn là cánh cửa đóng với nhà đầu tư và chưa có kế hoạch cổ phần hoá. Một lãnh đạo cấp cao của Viettel cho biết, nếu được định giá trên thị trường quốc tế, tập đoàn này (Viettel Group) có thể trị giá hơn 20 tỷ USD. Tổng giám đốc Viettel Group là Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng.

Viettel mới mở cửa cho nhà đầu tư ở các công ty con như Viettel Post, Viettel Global… Hiện tại chỉ có Viettel Post còn đem lại cơ hội đầu tư cho nhiều người nhưng mức giá trên thị trường OTC đã lên hơn 60.000 đồng/cổ phiếu. Vốn điều lệ của công ty là 228 tỷ đồng, tổng tài sản hợp nhất 1.075 tỷ đồng. Tại Viettel Post, công ty mẹ nắm giữ 68%.

Còn với Viettel Global, công ty mẹ vẫn chiếm hơn 98% vốn điều lệ và gần như không mở cửa thêm với nhà đầu tư bên ngoài. Ông Lê Đăng Dũng, Tổng giám đốc Viettel Global (đồng thời là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel) cho biết, Tập đoàn này có dự kiến bán cổ phần của công ty con tại thị trường nước ngoài nhưng còn phải cân nhắc nhiều yếu tố.

Thuộc top 20 doanh nghiệp logistic hàng đầu Việt Nam, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) cũng là một cái tên cực hot trong danh sách các doanh nghiệp do quân đội sở hữu. Đang chiếm đến 25% thị phần vận tải biển nội địa, năm 2016, doanh thu của đơn vị đạt 17.263 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1.952 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân là 21%/năm.

SNP sở hữu 17 cảng, có thể đón các phân khúc tàu đến 200.000 DWT và nhiều cơ sở khác, dịch vụ khai thác cảng container của đơn vị hiện chiếm gần 50% thị phần container nhập khẩu của Việt Nam, 89% thị phần khu vực TPHCM.

Nếu được đưa vào danh sách cổ phần hoá, đây sẽ là một mặt hàng cực hot cho thị trường chứng khoán. Tổng giám đốc của SNP là Chuẩn đô đốc, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Nghiêm.

Trong khi đó, một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhạy cảm có tên Quân đội nhưng lại do người ngoài quân đội sở hữu phần lớn là Ngân hàng TMCP Quân đội. Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của MB đạt tới 2.884 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước đó. Tại MB, Viettel chiếm tới 15,79% cổ phần và là cổ đông tổ chức lớn nhất.

Thượng tướng Lê Hữu Đức, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là Chủ tịch HĐQT MB; Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel là Phó chủ tịch. Còn Thiếu tướng Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng giám đốc Tân Cảng Sài Gòn là thành viên HĐQT.

Thực tế, dù mang tên Quân đội nhưng MB được điều hành như một ngân hàng thương mại cổ phần bình thường và có hiệu quả rất cao. Do vậy, việc giảm tỷ lệ sở hữu của Quân đội tại ngân hàng này không liên quan nhiều đến chủ trương lớn vì bản thân MB đã là một nhà băng đại chúng, được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Ngoài các doanh nghiệp thuộc diện “hàng hot” ở trên, Quân đội còn sở hữu nhiều doanh nghiệp nhưng số lượng đã giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Theo số liệu được báo Quân đội nhân dân công bố, số doanh nghiệp quân đội đã giảm từ 300 xuống 88 doanh nghiệp. Đây là kết quả của quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội theo tinh thần Nghị quyết 520-NQ/QUTW ngày 25/9/2012 về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”.

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế cho biết Nghị quyết 520 đã định hướng rõ chiến lược các lĩnh vực, ngành nghề có thế mạnh như: Dịch vụ cảng biển, viễn thông, đóng tàu, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chiến lược, xây dựng, bay dịch vụ... Chú trọng đầu tư phát triển các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng...

Sắp tới, theo dự thảo đề án trình Thủ tướng phê duyệt, Bộ Quốc phòng sẽ sắp xếp chỉ còn 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, 12 công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý (Nhà nước giữ trên 51% cổ phần đến năm 2019); thực sự là các doanh nghiệp cần thiết cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

“Đây thực sự là một cuộc “cách mạng”, cải tổ toàn bộ các doanh nghiệp quân đội. Các doanh nghiệp còn lại đều phải là doanh nghiệp quốc phòng-an ninh. Nhà nước sẽ không bù lỗ, sẽ hoạt động cạnh tranh lành mạnh” – Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại