Donald Trump sẽ "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" ở Biển Đông

Minh Thu |

Biển Đông đang trở thành cơ hội và thách thức đối với chính tuyên bố "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của Tổng thống Donald Trump. Vậy Mỹ phải làm gì để vừa ngăn chặn vừa không kích động Trung Quốc có thêm hành động bành trướng?

Kể từ sau lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump hôm 20/1, nhiều nhà phân tích cho rằng nước Mỹ sẽ quay trở lại phương thức tiếp cận đơn phương trong các vấn đề liên quan tới an ninh thế giới như khẩu hiệu "nước Mỹ là trên hết".

Trên thực tế, chính quyền của ông Trump đã có những tuyên bố ám chỉ thay đổi chính sách đối ngoại ở châu Á trong đó chú trọng tới việc tránh phương thức ngoại giao đa phương nhưng vẫn tiếp tục hoàn thiện chính sách "tái cân bằng" ở châu Á mà cựu Tổng thống Barack Obama đã gây dựng.

Vậy Mỹ sẽ phải là gì để ngăn chặn các mối đe dọa an ninh từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc? Liệu Mỹ sẽ chỉ có những hành động nhằm đảm bảo lợi ích cho riêng mình ở Biển Đông?

Chia sẻ trên tạp chí National Interest, nhà nghiên cứu Jeffrey Ordaniel tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế nhận định Biển Đông đang trở thành cơ hội và thách thức đối với chính tuyên bố "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông Trump.

Ông Ordaniel cho rằng Mỹ hiện có hai lựa chọn. Thứ nhất, Mỹ có thể sử dụng Biển Đông để thể hiện lời cam kết duy trì ổn định và tự do hàng hải theo quy định của luật pháp quốc tế. Bởi trước đó, hồi tháng 7/2016, Tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết phủ nhận chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ hai, Washington có thể từ bỏ tạo áp lực với Trung Quốc và để mặc Bắc Kinh vi phạm luật pháp và quy định về quyền hàng hải quốc tế. Nói cách khác, Mỹ tạo cơ hội cho Trung Quốc tự viết luật hàng hải ở Đông Nam Á. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc các quy định hàng hải áp đặt ở Địa Trung Hải, vịnh Mexico, biển Nhật Bản và nhiều vùng biển khác sẽ không được áp dụng ở Biển Đông. Đây cũng chính cơ hội để Trung Quốc biến Biển Đông trở thành cái hồ của riêng mình.

Mỹ theo đuổi đơn phương hay đa phương?

Theo ông Ordaniel, khi xây dựng chính sách đối ngoại ở châu Á, chắc chắn, Biển Đông sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với nội các của ông Trump. Cụ thể, trong chuyến thăm đầu tiên tới châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từng nhấn mạnh: "Tự do hàng hải là điều hiển nhiên. Điều này không chỉ áp dụng với các tàu thương mại mà còn với Hải quân Mỹ. Chúng tôi hoạt động và qua lại ở vùng biển quốc tế".

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Mattis dường như ám chỉ Mỹ đang theo đuổi con đường tiếp cận đơn phương ở Biển Đông.

Điều này cũng đã được thể hiện trong tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Theo ông Tillerson, Mỹ cần có hành động ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ đã không hề nhắc tới việc hành động cùng các đối tác, đồng minh và cộng đồng quốc tế trong việc yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, Hải quân Mỹ vẫn đang tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) ở Biển Đông. Do đó, Mỹ hoàn toàn có thể xây dựng một cơ chế hợp tác với các đồng minh và đối tác chủ chốt ở Thái Bình Dương dưới tên gọi tuần tra bảo đảm quyền tự do hàng hải song phương và đa phương.

Trong đó, Australia và Philippines trở thành những đối tác tiềm năng của Mỹ trong hoạt động tuần tra bảo đảm quyền tự do hàng hải song phương và đa phương.

Kể từ thập niên 70, Canberra đã tiến hành tuần tra trên không ở Biển Đông do đó, nếu Australia tham gia tuần tra cùng Mỹ sẽ không phải là điều khiến Trung Quốc phải ngạc nhiên. Còn Manila lâu nay là một đồng minh thân thiết của Washington và là một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Vào đầu năm 2016, Mỹ - Philippines từng lên kế hoạch tuần tra chung ở Biển Đông sau khi hai nước ký kết Hiệp ước Hợp tác tăng cường quốc phòng vào năm 2014. Tuy nhiên, dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines đã quyết định ngừng tuần tra chung với Mỹ.

Song không loại trừ khả năng theo Điều 5 trong Hiệp ước quốc phòng Mỹ - Philippines được hai nước ký năm 1951 với nội dung Mỹ cam kết bảo vệ tàu thuyền của Philippines ở Biển Đông, Manila có thể quay trở lại hợp tác và tuần tra chung với Washington.

Nói cách khác, sự chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng giữa cựu Tổng thống Barack Obama và ông Trump có thể là cơ hội để Mỹ - Philippines tái điều chỉnh quan hệ đồng minh.

Ông Ordaniel nhấn mạnh nếu Mỹ xây dựng được cơ chế tuần tra bảo đảm quyền tự do hàng hải đa phương, hoạt động này sẽ không chỉ được thi hành ở Biển Đông mà còn trên toàn vùng biển Đông Á.

Cơ chế này sẽ giúp ngăn Trung Quốc hiểu nhầm sang khái niệm Mỹ và các đồng minh đang "giăng lưới" Bắc Kinh. Và để làm được điều này, Mỹ có thể đưa ra ý kiến trong Diễn đàn khu vực ASEAN hoặc trong bất cứ cuộc đối thoại nào của ASEAN nhằm xây dựng lòng tin ở vùng biển châu Á – Thái Bình Dương mà không cần nhắc tới vấn đề tranh chấp chủ quyền.

Hoạt động tuần tra bảo đảm quyền tự do hàng hải đa phương có thể được bắt đầu từ biển Nhật Bản sau đó kéo sang phía nam biển Hoa Đông, qua eo biển Luzon tiến vào Biển Đông, sau đó qua eo biển Malacca tiến vào Ấn Độ Dương và ngược lại.

Về phần mình, Trung Quốc có thể lên tiếng phản đối song việc nhiều quốc gia cùng tham gia hoạt động tuần tra chung với Mỹ sẽ giúp tăng áp lực lên Bắc Kinh.

Nhưng nếu chỉ một mình Hải quân Mỹ tiến hành FONOPS ở Biển Đông, hành động này có thể dễ dàng biến thành một cuộc cạnh tranh sức mạnh giữa 2 cường quốc Mỹ - Trung. Điều quan trọng là luật pháp quốc tế cũng sẽ bị gạt sang một bên.

Nói cách khác, Washington hoàn toàn có thể đảm nhận trọng trách dẫn đầu xây dựng mối liên minh ở Đông Á để đảm bảo quyền tự do hàng hải. Nếu chỉ hành động đơn phương, Mỹ sẽ không đủ sức mạnh để răn đe Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại