Tha thứ nhưng đâu có quên quá khứ...
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP Hà Nội chia sẻ với PV Báo Trí Thức Trẻ:
"Dù chúng ta đón Tổng thống Mỹ, hợp tác với Mỹ, Pháp, Nhật... nhưng những gì trong lịch sử thì chúng ta cũng không bao giờ quên.
Biết bao nhiêu triệu người chết đói năm 1945, rồi mấy chục năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ... chúng ta không bao giờ quên.
Nhưng đó là lịch sử, của một thời quá khứ, của tổ tiên chúng ta và nó đã khép lại rồi thì chúng ta hãy bao dung, tha thứ để sống với hiện tại, xây dựng để tương lai tốt hơn. Quá khứ đã đen tối thì hãy bỏ đi để xây dựng tương lai tốt hơn".
Hòa thượng cũng nêu rõ, nếu cứ nhìn mọi thứ dưới con mắt hận thù thì sẽ rất tối tăm, tâm hồn không thể thảnh thơi, an lạc.
Còn với những nạn nhân, gia đình hay những người sống sót sau thảm họa, chiến tranh thì thực sự đó là nỗi đau rất lớn nhưng nếu trả thù lại thì thêm lỗi chồng lên tội.
"Rõ ràng là đau đớn nhưng chúng ta hãy biết kìm nén đi một chút thì kẻ kia là tội còn ta là chính. Còn nếu chúng ta sát hại lại thì ta cũng lại thành tội.
Trong đạo Phật cũng nói hận thù diệt hận thù không bao giờ hết cả. Oan oan tương báo, đời này sang đời khác không bao giờ hết.
Chúng tôi cũng cầu nguyện cho những nạn nhân đó sớm siêu sinh và cầu nguyện cho đất nước, thế giới sẽ không còn có những vụ thảm sát, không còn chiến tranh, những kẻ còn ác tâm đó thì mở mang, xóa đi tâm xấu đó.
Việc xin lỗi người sống hay thắp hương cho những người quá cố do tội lỗi của mình gây ra là tốt nhưng đó mới chỉ là biểu hiện một phần của ăn năn.
Còn cái chính là phải bằng các hành động thực tế để cho mọi người trong xã hội thấy sự chuộc lỗi, ăn năn của mình, đó mới san bằng được luật nhân quả", Hòa thượng nói.
Đứng trên góc độ của người tu hành, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng thống Obama đã cho thấy tinh thần rất đẹp của người Việt khi quá khứ khép lại hết và nhìn nhận lợi ích của quốc gia trước mắt cũng như lâu dài.
"Chúng ta sẵn sàng cất quá khứ lại một chỗ để vì cái hiện tại và tương lai. Tinh thần đó là thể hiện sự mong muốn cuộc sống tốt đẹp của dân tộc, đất nước với một đất nước hùng mạnh, những con người sẵn sàng thiện chí với chúng ta", Hòa thượng bày tỏ.
Tướng cướp giết người hàng loạt cũng có thể hoàn lương
Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, trong giáo lý của nhà Phật, đức Phật có dạy một câu rất nổi tiếng được coi là nền tảng đạo lý, đó là: "Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, hãy sống hiện pháp lạc trú".
"Ở đây, tức là sống trong ngày hôm nay, xây dựng trong ngày hôm nay tốt thì nó tốt còn cái gì quá khứ thì đừng có truy lùng nó lại.
Bởi vì, trong Kinh Pháp cú, Phật có nói về việc hận thù và nêu rõ: Hận thù diệt hận thù không bao giờ hết được.
Từ bi diệt hận thù là định luật ngàn thu. Tức là lấy cái oán diệt cái oán không bao giờ hết mà lấy sự bao dung, tha thứ, lòng từ bi thì sẽ diệt được hết hận thù", Hòa thượng Bảo Nghiêm nói.
Ông Bob Kerrey. Ảnh: AP
Cũng theo Hòa thượng Bảo Nghiêm, với cuộc sống hiện tại, cũng có lúc, có người lỗi lầm nhưng mà chúng ta hãy tha thứ, bao dung cho người ta.
Chẳng hạn, một người đã phạm tội nhưng giờ hoàn lương rồi thì mình hãy tạo cho người ta cuộc sống tốt, để có cơ hội bù đắp lại lỗi lầm, chứ đừng xét nét quá khứ của người ta, vì sẽ khiến người ta không thể sống hòa nhập với cộng đồng được.
"Khi ta bao dung, ôm ấp, dang tay che chở thì họ có dịp để hồi tâm lại, hoàn lương cũng như người xưa đã nói là họ sẽ lấy công chuộc tội", Hòa thượng Bảo Nghiêm chia sẻ.
Hòa thượng Bảo Nghiêm cũng kể lại câu chuyện Đức Phật khi còn tại thế đã giáo hóa cho tên tướng cướp Ương Quật Ma La là tên giết người tàn bạo, một thời đã làm cho đất nước Kiều Tát La hoảng loạn và không ai dám ra đường vì sợ bị giết.
Như kinh điển kể lại thì ông này tin theo ngoại đạo, giết người để lấy ngón tay xõ lại thành từng xâu và tin rằng, giết cả ngàn người mới đắc đạo.
Khi ông ta giết được 999 người rồi thì không còn người để giết, định tâm sẽ giết mẹ mình và trên đường về bỗng nhiên từ đằng xa Phật đi tới, ông đổi ý định giết mẹ, vì có người đã chuẩn bị nạp mạng thế.
Ông ta mừng và cố đuổi theo nhưng không theo được Đức Phật thì có quát là sao ông đi nhanh thế, hãy dừng lại ! Phật bình thản nói: "Này chàng trai ta vẫn đang đứng mà chỉ có người đang rong ruổi".
Sau đó, Phật đã nói về tội lỗi của ông ta và khuyên ông ta trở về con đường lương thiện. Ông ta đã bỏ dao và quỳ xuống trước Phật, xin nguyện quy y.
"Tin khi ông ta xuất gia đã khiến mọi người rất kinh ngạc vì sao Đức Phật lại cho con người này vào giáo đoàn nhưng kinh ngạc hơn là Phật đã giáo hóa được con người này. Rõ ràng, tinh thần bao dung, tha thứ là rất quan trọng", Hòa thượng Bảo Nghiêm chia sẻ.
Hòa thượng Bảo Nghiêm cũng khẳng định, với dân tộc Việt Nam, câu chuyện tha thứ, từ bi luôn hiển hiện trong suốt hàng ngàn năm qua và thể hiện rõ nhất là qua đức vua Trần Nhân Tông.
Sau khi hai lần đánh thắng quân giặc Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ cũng như đánh dẹp quân Ai Lao, nhà vua đều tha cho các tướng giặc trở về nước.
"Nhà vua là vị Hoàng đế khoan dung nhưng ảnh hưởng thêm sự bao dung của tư tưởng đạo Phật. Nhà vua không chỉ nhiều lần tha cho tướng giặc trở về nước mà sau khi đất nước hòa bình, tìm được một tráp ghi những người đầu hàng giặc thì Ngài cho đốt đi ngay.
Ngài cho rằng, giờ giặc đã rút lui, đất nước hòa bình thì không nên lục ra chuyện đó, bởi sẽ có biết bao nhiêu người đầu rơi máu chảy.
Những người trong danh sách đó thấy sự bao dung của đức vua đã nỗ lực, cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
Dân tộc hay đạo Phật đều gặp nhau tinh thần bao dung sự, tha thứ", Hòa thượng Bảo Nghiêm nhìn nhận.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, thế danh Đặng Minh Châu, pháp hiệu Nguyên Tịnh, sinh năm 1956 tại Thái Binh.
Hòa thượng hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban hoằng pháp Trung ương GHPGVN, Trưởng ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội, Trưởng ban trị sự Tỉnh hội phật giáo Hà Tĩnh.
Hòa thượng cũng là đại biểu Quốc hội khóa 13.