Putin: Tổn hại nghiêm trọng đối với mối quan hệ vốn đã rất xấu
Cuộc oanh kích bằng tên lửa Tomahawk vào Syria "là hành động xâm lăng một quốc gia có chủ quyền, vi phạm các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế, gây tổn hại nghiêm trọng quan hệ Nga-Mỹ vốn đã ở trong tình trạng rất xấu".
Đó là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin, được người phát ngôn Dmitry Peskov thông báo vào sáng 7/4, vài giờ sau khi tàu chiến Mỹ phóng hàng chục tên lửa đạn đạo Tomahawk vào căn cứ không quân của chính phủ Syria ở tỉnh Homs.
Cùng với tác hại đối với quan hệ Nga-Mỹ, nhà lãnh đạo Nga cảnh báo cuộc oanh kích của Mỹ "gây trở ngại nghiêm trọng cho việc thành lập liên minh quốc tế chống khủng bố và cuộc đấu tranh với hiểm họa toàn cầu này nói chung, điều đã được ông Donald Trump coi là một trong những nhiệm vụ chính trong quá trình vận động tranh cử Tổng thống Mỹ".
Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp mặt tại điện Kremlin năm 2015. Ảnh: NYTimes
Người phát ngôn Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Putin cho rằng, cái cớ mà Mỹ đưa ra để biện minh cho cuộc oanh kích "là hoàn toàn ngụy tạo, vì quân đội Syria không có dự trữ vũ khí hóa học – điều này đã được Tổ chức cấm của Liên hợp quốc xác nhận và khẳng định". vũ khí hóa họ c
Thêm nữa, theo nhà lãnh đạo Nga, việc "hoàn toàn phớt lờ hành động sử dụng vũ khí hóa học của bọn khủng bố càng làm cho tình hình thêm nguy hiểm".
Nhà lãnh đạo Nga chỉ ra một trong những lý do đằng sau cuộc tấn công tên lửa của Mỹ là nhằm "đánh lạc hướng cộng đồng thế giới trước tình trạng có rất nhiều dân thường thương vong ở Iraq".
Trong khi đó, ông Konstantin Kosachev, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Thượng nghị viện Nga, cho rằng cuộc tấn công của Mỹ "đã xóa bỏ khả năng thiết lập liên minh chống khủng bố giữa Nga và Mỹ tại Syria".
Kosachev cho rằng việc Donald Trump ra lệnh tấn công có thể là do những bất đồng trong nội bộ chính quyền Mỹ về vấn đề Syria.
"Điều đáng chú ý là lập trường của Mỹ đối với Bashar al-Assad trở nên rất cứng rắn chỉ ít ngày sau khi đã tỏ ra mềm mỏng. Có ấn tượng rất rõ là lập trường mềm mỏng đó không được ủng hộ ở Lầu Năm Góc cũng như trong các cơ quan tình báo Mỹ và lập tức Trump bị dồn vào chân tường bởi cái gọi là 'những bằng chứng không thể phủ nhận'.".
Đề cập mục tiêu và lập trường của Nga và Mỹ ở Syria hiện nay, Konstantin Kosachev nói một cách hình ảnh: "Tên lửa có cánh của Nga thì tiếp tục đánh vào bọn khủng bố, còn tên lửa có cánh của Mỹ thì đánh vào quân đội chính phủ Syria là lực lượng dẫn đầu cuộc chiến chống khủng bố".
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama tranh luận trong một buổi gặp mặt tại Liên Hợp Quốc năm 2016. Ảnh: CNN
Vòng xoáy căng thẳng
Quan hệ Nga – Mỹ đã căng thẳng nhiều năm, nhưng trong cuộc khủng hoảng Syria dù sao cũng đã có những thời điểm hai bên phối hợp hành động khá chặt chẽ về ngoại giao cũng như trên chiến trường.
Riêng đối với "hồ sơ vũ khí hóa học" của Syria, chính sáng kiến của Tổng thống Vladimir Putin năm 2013 đã được ông chủ Nhà Trắng lúc đó là Barack Obama đón nhận.
Hồi đó, Nga đã đóng vai trò tích cực quan trọng để Syria chuyển giao vũ khí hóa học cho Liên hợp quốc và kế hoạch tấn công quân sự của Mỹ và phương Tây vào Syria bị hủy bỏ.
Thời gian sau đó, nhất là sau khi Nga đưa một lực lượng không quân đến Syria tham gia cuộc chiến chống khủng bố từ ngày 30/9/2015 thì các hoạt động phối hợp giữa Nga và Mỹ được thúc đẩy nhiều hơn.
Các sĩ quan quân đội hai nước đã thiết lập kênh liên lạc để tránh "sự cố va chạm" trên bầu trời Syria. Hai bên đã có những nỗ lực phân định ranh giới đồn trú của các nhóm khủng bố và các lực lượng "đối lập ôn hòa" để tránh những vụ "oanh kích nhầm".
Trên mặt trận ngoại giao, Nga và Mỹ là đồng chủ tịch của Nhóm quốc tế ủng hộ Syria, đã dàn xếp được một số vòng thương lượng tìm kiếm giải pháp chính trị do Liên hợp quốc chủ trì ở Geneva. Trong quá trình này, lập trường của Mỹ đối với Tổng thống Assad đã dịu bớt – Washington không còn đặt điều kiện tiên quyết là nhà lãnh đạo này phải ra đi.
Dưới thời chính quyền Obama, Mỹ và Nga đã hai lần dàn xếp ngừng bắn giữa các phe phái Syria để thúc đẩy đối thoại hòa bình, nhưng những thỏa thuận này không bền vững.
Trong tiến trình đó, Moscow luôn chỉ trích Mỹ không cung cấp cho phía Nga danh sách cụ thể các tổ chức khủng bố và các phe nhóm đối lập Syria.
Từ giữa năm 2016, Nga đã phối hợp Thổ Nhĩ Kỳ và Iran dàn xếp ngừng bắn và tổ chức hai vòng đàm phán hòa bình về Syria tại Astana (thủ đô Kazakhstan), trong đó vòng hai diễn ra ngày 23/1/2017 có đại diện Mỹ tham dự, sau khi ông Trump nhậm chức.
Hậu quả đầu tiên
Trong diễn biến mới nhất, chiều nay (7/4), Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã đơn phương chấm dứt hiệu lực của Bị vong lục Nga – Mỹ về việc phòng ngừa sự cố va chạm và bảo đảm an toàn cho không quân trong hoạt động tác chiến ở Syria.
Bộ Ngoại giao Nga cũng đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành phiên họp khẩn cấp để xem xét tình hình do cuộc tiến công Syria của Mỹ.
Về phần mình, Bộ Ngoại Mỹ đã có những biểu hiện rõ ràng về sự bất hợp tác với Nga trong chiến dịch tấn công tên lửa đạn đạo vào Syria.
Phát biểu tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Trump ở bang Florida, nơi lãnh đạo Mỹ đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng "tất cả các bên, trừ Syria và Nga, cần phải ủng hộ cuộc oanh kích của Mỹ".
Ông cho rằng "phía Nga đã không thực hiện được cam kết của mình trong khuôn khổ thỏa thuận về vũ khí hóa học của Syria năm 2013".
Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh, Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo Nga đã không được Mỹ thông báo trước về cuộc oanh kích vào căn cứ quân sự của Syria.
Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc lại cho biết giới quân sự Mỹ đã thông báo trước với giới quân sự Nga về kế hoạch oanh kích qua kênh liên lạc đã được xác lập trước đây giữa hai bên về Syria.
Nga nỗ lực tránh đối đầu với Mỹ
Theo các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến lược trực thuộc Tổng thống Nga (RISS), giới chuyên gia Nga đang theo dõi sát sao diễn biến và hậu quả của cuộc oanh kích Syria.
Ấn tượng đầu tiên được nhiều chuyên gia Nga chia sẻ là quyết định của Donald Trump có phần do sự căng thẳng dai dẳng trong chính quyền Mỹ trước làn sóng chỉ trích, những sự cản phá đối với Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ từ nhiều tầng lớp, nhiều giới trong nội bộ Mỹ cũng như ở ngoài nước.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là một nước cờ nhằm phá thế bí trong ván cờ chính trị với Nga ở Trung Đông. Cũng có chuyên gia nhận xét, việc quyết định tấn công Syria được Trump đưa ra khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở thăm Mỹ đã khiến cho ông Tập cùng một lúc trở thành cả người chứng kiến lẫn con tin của nước cờ này của Washington.
Hình ảnh tên lửa hành trình Tomahawk rời bệ phóng trên tàu chiến của Mỹ ngày 7/4. Ảnh: Lầu Năm Góc
Theo một bài phân tích bước đầu đăng trên trang thông tin của RISS, có vẻ như quyết định tiến công Syria được Trump đưa ra khá vội vàng, có thể không tránh khỏi "những cảm xúc"; và hành động mới này của Washington có thể gây ra những hậu quả khó lường hết được, kể cả đối với Mỹ.
Giám đốc RISS, cựu Thủ tướng Nga, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga Mikhail Fradkov chiều 7/4 nhận xét: "Bất kỳ hành động thiếu cân nhắc nào cũng có thể khiến cho xung đột leo thang và mất khả năng kiểm soát tình hình. Đây là một kịch bản rất nguy hiểm và hoàn toàn không mong muốn."
"Nếu việc lựa chọn kịch bản này là mục tiêu của ai đó thì quả thật điều này đã chứng tỏ người ta không hiểu gì về những gì đang diễn ra ở Syria và xung quanh Syria. Lúc này cần phải hành động hết sức tỉnh táo, đầy trách nhiệm. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được để gia tăng tình trạng đối đầu giữa Nga và Mỹ vô cùng nguy hại cho toàn thế giới".