Đòn giáng của Mỹ vào “túi tiền” của người Palestine vẫn dai dẳng chưa dứt

Hà Liên |

Mỹ sẽ không chi khoản viện trợ lương thực cho người Palestine trị giá 45 triệu USD như đã cam kết hồi tháng trước trong một phần của lời kêu gọi khẩn cấp ứng phó với tình hình Bờ Tây/Gaza do Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên Hợp Quốc (UNRWA) đưa ra, Reuters đưa tin ngày 19.1.

Trong thư đề ngày 15.12 gửi người đứng đầu UNRWA Pierre Krähenbühl, Trưởng ban phụ trách tài chính Bộ Ngoại giao Mỹ Eric Hembree đã cam kết hỗ trợ 45 triệu USD cho lời kêu gọi ứng phó với tình hình Bờ Tây/Gaza.

"Mỹ dự định sẽ cung cấp khoản tài trợ này cho UNRWA vào đầu năm 2018. Một lá thư bổ sung và xác nhận gói đóng góp này sẽ được gửi đến trước hoặc vào đầu tháng 1.2018", Reuters dẫn nội dung lá thư trên.

Mỹ tuyên bố rõ ràng với UNRWA rằng khoản tiền 45 triệu USD là một cam kết dự kiến chứ không phải là sự đảm bảo, theo người phát ngôn Heather Nauert.

"Lúc này, chúng tôi sẽ không cung cấp khoản tiền đó, nhưng tôi muốn làm rõ rằng, điều này không có nghĩa là nó sẽ không được cung cấp trong tương lai", bà Heather Nauert nói.

Bà nhắc lại quan điểm của Mỹ rằng UNRWA cần phải cải cách, rằng có nhiều người tị nạn trong chương trình hơn trước đây, và "tiền của các quốc gia khác cũng cần phải tăng lên để tiếp tục hỗ trợ cho tất cả những người tị nạn đó".

"Vì thế, chúng tôi đề nghị các nước làm nhiều hơn nữa. Về cơ bản, chúng tôi không nghĩ mình phải là nhà tài trợ chính cho mọi tổ chức trên thế giới", bà nói.

Hôm 16.1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố, Washington sẽ giữ lại 65 triệu USD đóng góp cho cơ quan của Liên Hợp Quốc để hỗ trợ người Palestine. Theo tuyên bố này, Mỹ yêu cầu UNRWA cần phải tiến hành một số cải cách.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert phủ nhận việc giữ lại 65 triệu USD là để trừng phạt người Palestine - những người đã gay gắt chỉ trích tuyên bố của ông Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến đây.

Reuters đánh giá, các quyết định dừng các khoản viện trợ có thể gây thêm khó khăn trong việc khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine cũng như ảnh hưởng tới lòng tin của người Arab về vai trò trung gian hòa giải của Mỹ.

Các cuộc đàm phán cuối cùng đã thất bại năm 2014, một phần là do sự phản đối của Israel đối với nỗ lực về hiệp ước thống nhất giữa các phe Fatah và Hamas của người Palestine cũng như việc xây dựng khu định cư của Israel trên vùng đất bị chiếm đóng cùng với một số các yếu tố khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại