U90 đi xây cầu
Mặt trời gần đứng bóng, nhưng những người thợ xây cầu không chuyên có tuổi đời đã cao, vẫn miệt mài làm các công đoạn còn lại để cây cầu Tám Bảnh (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) kịp hoàn thành.
Đang phụ cùng mọi người cột sắt, chuẩn bị đổ móng cầu, tiếng chuông điện thoại reo lên, ông Út Lộc bắt máy, “mấy anh em coi tranh thủ ăn cơm trưa rồi chạy lên cầu Tám Bảnh nha, cố gắng hoàn thành trong hôm nay luôn”.
Bỏ điện thoại vào túi, ông Lộc lau mồ hôi, thở vội rồi nói với chúng tôi: “Hôm nay quyết tâm làm cho xong, nhưng nhân lực ít quá, vì mấy anh em phải chia ra làm một cây cầu khác ở xã bên kia”.
Ông Lộc nói tiếp, ở đây anh em làm không ai nghỉ trưa, mỗi người mỗi việc, ai mệt thì vào ngồi nghỉ, ai đói thì ăn cơm trước, người nào làm thì làm, làm hăng say vậy chứ không có lấy tiền bạc gì đâu nha, hoàn toàn tự nguyện.
Nghỉ tay một chút, ông Lộc ngồi bệt bên bụi cây, nói: “Anh em tụi tôi thành lập nên Đội xây cầu thiện nguyện huyện Lai Vung từ năm 2008 đến giờ, cũng đã 12 năm rồi.
Thành viên trong đội, giờ đây nhỏ tuổi nhất là 50 tuổi, còn lại cũng 60, lớn nhất cũng gần 85. Trải qua một thập niên, với việc làm thiện nguyện ý nghĩa, nên từ một lực lượng khá mỏng đến giờ đội cũng có trên 100 thành viên thường trực”.
Nói về việc xây cầu, ông kể: “Ngày đó, những cây cầu ở địa phương xuống cấp, đa số cầu khỉ nên học sinh đi lại khó khăn, thế là tôi vận động anh em đứng ra xây lại cầu bê tông. Việc làm ý nghĩa, mang lợi ích cho xã hội, vì vậy được nhiều người đồng tình hưởng ứng.
Cứ thế, khi xây được cây cầu thứ nhất, rồi đến cây cầu thứ hai và đến giờ ra đời nhiều cây cầu bê tông cốt thép lớn nhỏ…”.
Mọi việc đều không dễ dàng, ông Lộc bộc bạch: “Thời buổi kinh tế lúc bấy giờ khá khó khăn, xây dựng một cây cầu thì cần kinh phí lớn, nên để tìm được mạnh thường quân tài trợ không đơn giản.
Ban đầu, anh em ở xóm đóng góp lại, nhưng để xây cầu lớn hơn, tôi tìm đến một số tổ chức từ thiện ở TPHCM nhờ hỗ trợ, bởi việc mình làm nhằm hướng đến lợi ích cộng đồng, nên họ giới thiệu đến một số tổ chức khác biết, nhờ vậy mà có nguồn kinh phí để xây dựng cho đến giờ”.
Theo ông Lộc, địa phương nào có nhu cầu bắc cầu thì liên hệ, ông sẽ đến đo đạc và dự trù kinh phí. Sau đó, sẽ trình cho lãnh đạo xã lập thủ tục trình lên UBND huyện. Nếu đạt yêu cầu thì huyện sẽ hỗ trợ 30% kinh phí, còn lại 70% sẽ vận động mạnh thường quân hỗ trợ.
Ngày khởi công, ông sẽ đưa lực lượng đến làm, không tính tiền công hay bất cứ khoản tiền nào.
Làm vậy mà bà con thương, nên đến đâu họ đều lo nước uống, cơm đầy đủ. Cho đến nay, số cầu bắc được trên 300 cây lớn nhỏ ở các xã trên địa bàn huyện Lai Vung (Đồng Tháp).
Đôi khi đội xây cầu còn đến tận Vĩnh Long, Cần Thơ để hỗ trợ bà con xây cầu, tất cả đều bằng tấm lòng thiện nguyện.
Còn khỏe là còn làm
Dù ở tuổi 85, nhưng ông Lộc vẫn đầy nhiệt huyết với công việc xây cầu, truyền cảm hứng cho những anh em trong đội tiếp tục đóng góp cho quê hương. Ông tâm sự: “Khi nào tôi còn khỏe thì còn làm! Tôi chỉ mong sức khỏe dẻo dai để tiếp tục đóng góp cho quê hương”.
Có thể thấy, một nông dân chưa từng học qua trường lớp nào về xây dựng các công trình dân dụng, nhưng những cây cầu do chính ông xây không hề thua kém các kỹ sư được đào tạo bài bản.
Ở đâu muốn bắc cầu mới mà còn eo hẹp về kinh phí thì đội quân của ông Lộc lại có mặt hỗ trợ, giảm chi phí nhân công.
Ông Lộc đã truyền được cái tình, cái nghĩa với quê hương để khơi dậy nhiệt tình của mọi người. Những việc làm âm thầm của đội bắc cầu do ông Lộc thành lập đóng góp dần cho quá trình xóa cầu khỉ, đường đất tại Đồng Tháp. Mỗi cây cầu bắc xong là niềm vui thêm trọn vẹn khi đôi bờ nối nhịp.
Trong 300 cây cầu bê tông cốt thép do ông Lộc xây, có những cây cầu lớn với mặt cầu rộng 5,5m, dài 42m (chưa tính đường dẫn), kinh phí gần 2 tỷ đồng. Còn cây cầu nhỏ nhất cũng dài 15m, bề mặt cầu rộng 5m, kinh phí xây dựng cũng cả trăm triệu đồng.
Điều đáng nói là bản thân ông và các thành viên trong đội đều làm với cái tâm thiện nguyện, chưa từng nghĩ gì về vật chất; vì điều đó mà những thành viên luôn sát cánh bên ông.
Ông Bùi Văn Lợi, thành viên trong đội cho biết: “Tôi năm nay 77 tuổi, theo anh Lộc cũng chục năm rồi. Không riêng gì tôi, tất cả anh em trong đội đều quý mến anh Lộc ở cái tâm thiện lành. Chính vì thế, mà cả đội luôn sát cánh bên nhau, dù điểm xây cầu có xa cách mấy”.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung nhìn nhận, những đóng góp của ông Lộc và đội xây cầu thiện nguyện suốt 1 thập niên qua là rất đáng trân trọng. Bên cạnh việc làm ý nghĩa, mang lợi ích cho quê hương, thì chính ông Lộc là người truyền cảm hứng để mọi người noi theo.
Huyện Lai Vung đã đề xuất khen thưởng ông Lộc, ghi nhận những đóng góp của ông thời gian qua, góp phần cùng huyện xóa bỏ cầu khỉ, hoàn thành tiêu chí về cầu đường giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới…