Đối thoại Shangri-La 2023: Những thông điệp quan trọng

Phương Anh |

Đối thoại Shangri-La, một trong những diễn đàn an ninh cấp cao hàng đầu thế giới, đã kết thúc hôm nay (4/6) tại Singapore sau 3 ngày làm việc tích cực. Nhiều vấn đề an ninh quốc phòng nóng của khu vực và thế giới đã được gần 600 đại biểu của hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ thảo luận.

Con số gần 600 đại biểu tham dự, cùng chương trình nghị sự dày đặc, với 7 phiên họp toàn thể, 6 phiên thảo luận song song và nhiều cuộc gặp song phương bên lề đã cho thấy châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng thu hút sự chú ý của thế giới.

Nhưng mặt khác điều này cũng cho thấy rất nhiều vấn đề đang nổi lên ảnh hưởng tới tình hình an ninh khu vực. Đó là vấn đề cạnh tranh giữa các nước lớn; tuân thủ luật pháp quốc tế; sử dụng sức mạnh quân sự trong việc xử lý các vấn đề mâu thuẫn; tranh chấp lãnh thổ; môi trường... Chính vì vậy mà năm nay chủ đề của Shangri-La rất rộng từ Xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cân bằng và ổn định đến Phát triển các mối quan hệ đối tác mới cho an ninh khu vực.

Đối thoại Shangri-La 2023: Những thông điệp quan trọng - Ảnh 1.

Phiên thảo luận hôm 3/6/2023 với chủ đề “Xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương ổn định và cân bằng” trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2023 tại Singapore. Ảnh: IISS

Một điểm nhấn đáng chú ý tại Đối thoại Shangri-La năm nay là những tuyên bố đề cao trách nhiệm tập thể và luật pháp quốc tế trong kiểm soát các rủi ro và cạnh tranh. Nhiều ý kiến cho rằng, các điểm nóng như Ukraine, Triều Tiên hay Sudan đã một lần nữa cho thấy, các hành động đơn phương đã làm lung lay trong niềm tin của các quốc gia về các quy tắc chung của luật pháp cũng như các mối quan hệ quốc tế, qua đó tạo nên nguy cơ phá vỡ ổn định và an ninh của không chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên toàn thế giới. Các đại biểu cũng đánh giá cao vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong duy trì hòa bình, ổn định và đảm bảo an ninh trong khu vực.

Trong phát biểu quan trọng với tư cách là diễn giả chính tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Australia Anthony Albanese nhấn mạnh: “Với nhận thức lâu dài rằng việc xây dựng hòa bình, an ninh và ổn định phụ thuộc vào cả năng lực chiến lược, năng lực ngoại giao và củng cố lẫn nhau. Và bằng cách tập hợp các nhà lãnh đạo và nhà phân tích từ khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ASEAN và các đối tác, Đối thoại Shangri-La nhấn mạnh giá trị của các cuộc thảo luận thẳng thắn và mang tính xây dựng, cũng như làm rõ rằng, việc giữ gìn hòa bình và an ninh không phải là nhiệm vụ mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể gánh vác một mình. Bởi vì sự thịnh vượng của khu vực chúng ta luôn được thúc đẩy bởi cơ hội được chia sẻ - sự ổn định của khu vực chúng ta chỉ có thể được đảm bảo thông qua trách nhiệm tập thể”.

Sự có mặt hùng hậu của đoàn đại biểu Liên minh châu Âu cũng là một điểm đáng chú ý tại Đối thoại Shangri-La năm nay. Tình hình địa chính trị ở châu Á- Thái Bình Dương được cho là sẽ tác động trực tiếp đến an ninh của châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy, sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng. Chính vì thế, Đối thoại Shangri-La được coi là cơ hội để các lãnh đạo an ninh châu Âu đưa ra thông điệp then chốt liên quan đến các bước tiếp theo trong cách tiếp cận của họ đối với vấn đề quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Josep Borrell, châu Âu và châu Á- Thái Bình Dương lợi ích trực tiếp đối với an ninh của nhau và châu Âu muốn trở thành “một đối tác đáng tin cậy và có năng lực ở châu Á- Thái Bình Dương” để cùng nhau thúc đẩy an ninh: “Các bạn có thể tin ở chúng tôi và các bạn cũng có thể là một phần của liên minh vĩ đại để đảm bảo hòa bình trong những đại dương vĩ đại này. Chúng ta cần có nhau. Chúng ta cần ổn định thế giới này. Những thách thức chúng ta đang phải đối mặt không cho phép các giải pháp nào khác ngoài hợp tác mạnh mẽ. Tránh xung đột và tăng cường hợp tác giữa mọi người trên khắp thế giới, ở Châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Cũng giống như những năm trước đó, quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm của Đối thoại Shangri-La năm nay. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã đưa ra những cách tiếp cận trái ngược nhau đối với hòa bình, ổn định và an ninh tại châu Á- Thái Bình Dương. Nếu như ông Lloyd Austin khẳng định cam kết của Mỹ làm việc cùng các đối tác để thúc đẩy tầm nhìn chung cho khu vực, trong đó có Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nhóm Bộ Tứ, Liên minh AUKUS và các nước khác trong khu vực, thì ông Lý Thượng Phúc cũng không ngần ngại chỉ trích chiến lược của Mỹ đang thúc đẩy đối đầu tại khu vực thông qua việc hỗ trợ Đài Loan, triển khai quân sự và xây dựng liên minh trong khu vực.

Trong một chỉ dấu cho thấy mối quan hệ Mỹ- Trung sẽ còn căng thẳng trong thời gian tới, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã không có cuộc gặp song phương nào bên lề sự kiện an ninh quan trọng của khu vực. Trả lời báo chí trong cuộc họp báo chiều nay (4/6) tại nơi diễn ra Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen bày tỏ hy vọng, một triển vọng tích cực, nồng ấm hơn trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc là điều mà nhiều nước mong đợi để đóng góp cho các nỗ lực giải quyết các thách thức chung; tuy nhiên, điều này sẽ không tự động đến mà đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ từ cả hai phía:

“Cả hai bên phải chấp nhận thực tế là sẽ không tránh khỏi những quan điểm đối lập trong chính sách của mỗi nước, dù là về vấn đề Đài Loan hay Biển Đông. Và dù là cả hai bên đều không muốn xảy ra xung đột, nhưng họ phải thừa nhận sẽ là chặng đường dài để thu hẹp những bất đồng, bởi có những bất đồng sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ. Nhưng hãy luôn tin tưởng vào một mối quan hệ khả thi. Và cũng đừng quên rằng gần đây Mỹ và Trung Quốc đã làm được nhiều việc cùng nhau, ví dụ như cuộc gặp hàng năm giữa các Bộ trưởng kinh tế và thương mại hai nước. Vì vậy, chúng tôi vẫn có niềm tin nhất định rằng các đường dây liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ được khôi phục”, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore nói.

Được tổ chức từ năm 2002, trong những qua, Đối thoại Shangri-La đã cung cấp một nền tảng có giá trị, cởi mở và trung lập để trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc phòng và an ninh quan trọng ở châu Á- Thái Bình Dương.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Bích, chuyên gia Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore, so với những năm trước đó, Đối thoại Shangri La năm nay có nhiều điểm mới khi tổ chức các phiên họp đặc biệt để thảo luận về những thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh mạng hay cộng nghệ trí tuệ nhân tạo. Điều này một lần nữa cho thấy Đối thoại Shangri ngày càng khẳng định được vai trò của mình như là một trong những diễn đàn hàng đầu về đối thoại an ninh khu vực và quốc tế./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại