Đối thoại Shangri-La 2018: Trung Quốc ‘đổi trắng thay đen’, cáo buộc Mỹ quân sự hóa Biển Đông

Cẩm Bình |

Quan chức quốc phòng Trung Quốc tham gia Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 17 đã lên tiếng đáp trả bài phát biểu có ý chỉ trích nước này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Phát biểu trong ngày thứ 2 của SLD, Bộ trưởng Mattis khẳng định dù sẵn sàng làm việc để có quan hệ đem lại kết quả tốt với Trung Quốc, nhưng Washington phản đối chính sách của Bắc Kinh tại Biển Đông và sẽ “quyết liệt” nếu cần thiết.

Trung tướng Hà Lôi, Phó chủ tịch Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, người dẫn đầu đoàn quan chức Bắc Kinh tham dự SLD, đã lập tức có phản ứng.

Trang tin Phượng Hoàng dẫn lời trung tướng Hà: “Những năm gần đây, nhờ Trung Quốc và các nước ASEAN có liên quan cùng nhau nỗ lực, tình hình Biển Đông ổn định, không xảy ra xung đột lớn gì. Với vấn đề quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông, thực sự gây ra chuyện này là quốc gia tiến hành hoạt động điều máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng biển và không phận các đảo của Trung Quốc (thực tế là nước này chiếm đóng trái phép)”. Tướng Hà không nêu đích danh Mỹ.

Cùng với ông Hà, một thành viên khác của đoàn quan chức Bắc Kinh là nhà nghiên cứu Triệu Tiểu Trác của Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc cũng ngang nhiên chỉ trích các chiến dịch thể hiện “tự do hàng hải” do Washington thực hiện mới chính là quân sự hóa Biển Đông.

Đối thoại Shangri-La 2018: Trung Quốc ‘đổi trắng thay đen’, cáo buộc Mỹ quân sự hóa Biển Đông - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu mở đầu ngày họp thứ hai của SLD 2018 - Ảnh: Getty Images

Trả lời các quan chức Trung Quốc, Bộ trưởng Mattis tiết lộ sắp có chuyến công du Bắc Kinh, và sẽ tiến hành bàn luận sâu hơn về những vấn đề nêu trên. Tướng Hà hoan nghênh Bộ trưởng Mattis sang thăm, đồng thời khẳng định quân đội hai nước phải gia tăng lòng tin chiến lược, tăng cường kiểm soát bất đồng.

Đối thoại Shangri- La lần thứ 17 diễn ra từ ngày 1- 3.6 tại Singapore. Diễn đàn an ninh này diễn ra khi giữa Washington và Bắc Kinh vừa có những xung đột quanh vấn đề Biển Đông. Trung Quốc trong những tuần gần đây đã cho tiến hành nhiều hoạt động phi pháp, như triển khai tên lửa tầm xa và cho máy bay ném bom H-6K diễn tập cất-hạ cánh trên các thực thể địa lý nằm trong hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Nhằm phản đối những hoạt động này, Mỹ rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung quốc tế Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) và còn cho hai tàu chiến áp sát một số thực thể địa lý bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép. Bộ trưởng Mattis ngày 29.5 khẳng định Washington sẽ tiếp tục đối phó với những hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc, bất chấp cường quốc châu Á phản đối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại